Tuy Phước: Thêm nhiều hộ dân được sử dụng nước sạch
Huyện Tuy Phước đã và đang đầu tư xây dựng, nâng cấp công trình cấp nước tập trung và lắp đặt hệ thống đường ống đưa nước sạch phục vụ người dân. Việc này giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; góp phần hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao năm 2025.
Sau thời gian dài chờ đợi, cuối năm 2023, người dân thôn Tân Hội, An Cửu, Quảng Nghiệp (xã Phước Hưng) không còn phải dùng nước giếng khơi, giếng khoan nhiễm phèn, mặn mà được sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ nhà máy nước sạch Phước Quang. Ngoài ra, xã Phước Hưng cũng nâng tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung, đảm bảo tiêu chí nước sạch trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao.
Đây là kết quả từ việc UBND huyện Tuy Phước đầu tư kinh phí nâng công suất nhà máy nước sạch Phước Quang từ 500 m3/ngày đêm lên 2.400 m3/ngày đêm. Ông Huỳnh Minh Chấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Tuy Phước, cho biết: Tháng 8.2023, UBND huyện đầu tư hơn 8,8 tỷ đồng nâng cấp nhà máy nước sạch Phước Quang để mở mạng lưới cấp nước cho người dân xã Phước Hưng. Cuối năm 2023, hệ thống đường ống chính dẫn nước vào các khu dân cư hoàn thành, cấp nước sạch cho trên 60% số hộ dân xã Phước Hưng.
Tương tự, năm 2023, nhà máy nước sạch Phước Sơn nâng công suất hoạt động từ 3.000 m3/ngày đêm lên 6.000 m3/ngày đêm và mở rộng địa bàn cung cấp, giúp người dân các thôn Giang Bắc, Giang Nam, Tuân Lễ, Xuân Mỹ (xã Phước Hiệp) được sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tuy nhiên, niềm vui chưa trọn, bởi người dân 3 thôn Đại Lễ, Luật Chánh và Lục Lễ vẫn còn “đợi” nước sạch.
Lắp đặt đường ống dẫn nước cấp nước sạch cho người dân xã Phước Hiệp. Ảnh: V.L
Theo bà Trần Thị Mỹ Diệp, Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp, đến nay, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung trên địa bàn xã mới đạt 30%. Hiện các đơn vị chức năng đã lắp đặt hệ thống đường ống đến các khu dân cư thuộc thôn Đại Lễ, Luật Chánh, Lục Lễ để dẫn nước từ nhà máy nước sạch Quy Nhơn đến cấp cho người dân.
“Địa phương mong đơn vị chủ quản của nhà máy nước sạch Quy Nhơn sớm đấu nối hệ thống đường ống, đưa nước sạch đến với người dân. Qua đó, giúp xã Phước Hiệp nâng tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh từ nhà máy cấp nước tập trung, đảm bảo tiêu chí nước sạch trong xây dựng NTM nâng cao”, bà Diệp cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, giai đoạn 2021 - 2025, huyện có 9 xã đăng ký xây dựng NTM nâng cao gồm Phước An, Phước Thành, Phước Nghĩa, Phước Thuận, Phước Quang, Phước Hưng, Phước Thắng, Phước Hiệp, Phước Sơn. Số hộ dân sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung tại các xã đã đạt chuẩn (Phước Quang, Phước Nghĩa, Phước Sơn) và đang xây dựng NTM nâng cao là hơn 21.240 hộ; chiếm tỷ lệ trên 61% so với tổng số dân của 9 xã. Tuy nhiên, xã Phước An và Phước Thành có tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch còn rất thấp, do trên địa bàn xã chưa có công trình cấp nước tập trung.
Để đạt mục tiêu đến năm 2025 “phủ sóng” nước sạch tất cả hộ dân tại các xã xây dựng NTM nâng cao, UBND huyện Tuy Phước chỉ đạo các phòng, ban liên quan rà soát, cập nhật nội dung cấp nước sạch vào quy hoạch nông thôn; bảo đảm nguồn cấp nước tập trung bền vững. Đồng thời, huyện Tuy Phước có tờ trình gửi cấp thẩm quyền của tỉnh xem xét, đưa dự án đầu tư xây dựng nhà máy cấp nước sạch tập trung cho xã Phước Thành, Phước An vào danh mục công trình trọng điểm trên địa bàn huyện. Nếu được tỉnh chấp thuận và bố trí vốn, huyện Tuy Phước sẽ triển khai xây dựng vào năm 2024 - 2025.
“UBND huyện chỉ đạo Ban Quản lý nước sạch và vệ sinh môi trường huyện nâng cao năng lực quản lý, vận hành đối với nhà máy nước sạch Phước Thuận và Phước Quang. Các đơn vị từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp và ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, số hóa trong việc cấp nước sạch; đảm bảo chất lượng, thông suốt trong việc cấp nước sinh hoạt cho người dân”, ông Xuân cho hay.
VĂN LỰC