An Lão mùa đót trổ bông
Tháng Giêng, cây đót lại trổ bông khắp các vạt rừng và sườn đồi ở huyện vùng cao An Lão. Bông đót tuy không giúp cho người dân giàu có, nhưng giúp cho họ có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống trong thời điểm nông nhàn sau tết.
Những ngày này, bông đót nở rộ trên khắp các sườn núi, con suối ở các xã vùng cao An Toàn, An Vinh, An Trung, An Dũng…, nên nhiều người rủ nhau mang theo rựa, thực phẩm ngược rừng chặt cây đót. Một ngày làm việc thường kéo dài từ sáng sớm đến cuối giờ chiều.
Sau khi thu hoạch, đót được phơi khô để bán cho thương lái. Ảnh: DIỆP THỊ DIỆU
Tờ mờ sáng, khi màn sương chưa tan, bà Đinh Thị Thai, ở thôn 1, xã An Dũng đã cùng người làng đi rừng hái đót. Bà Thai cho biết: Mùa này, cả trăm người trong xã chia thành từng tốp, men theo các quả đồi, sườn núi, đi dọc suối để tìm đót. Năm nay, đót trổ bông muộn nên sau tết người dân mới đi hái đót; mùa đót này phải kéo dài đến giữa tháng 3.
Thời gian đót trổ bông đến khi thu hoạch không lâu, khoảng 30 - 40 ngày nên người hái đót phải “chạy đua” với thời gian để thu được những bông đót đẹp nhất mới có thể bán được giá cao. Trung bình mỗi người hái được 20 - 30 kg đót/ngày, những người có sức khỏe, chịu khó len lỏi tìm đót có thể thu được 40 - 50 kg/ngày, thậm chí nhiều hơn. Với giá bán 6.000 đồng/kg, người hái đót có thể kiếm được 150 - 200 nghìn đồng/ngày. Một số người chăm chỉ có thu nhập cao hơn, khoảng 300 nghìn đồng/ngày. Tuy nhiên, người hái đót cũng phải khá vất vả để có những bó đót đẹp.
Ông Đinh Văn Nghiêu, ở thôn 6, xã An Vinh chia sẻ: Sống gần rừng, khi thì đi tìm mật ong, lúc hái nấm, khi nhặt ươi, vợ chồng tôi đã đi khắp các cánh rừng, đến đâu chúng tôi cũng để ý xem vùng nào có nhiều cây đót để ghi nhớ, sau tết lại đi hái đót. Năm nay, đót được mùa, giá cũng bằng năm trước nên mỗi ngày vợ chồng tôi cũng kiếm thêm được 400 - 500 nghìn đồng. Không chỉ mang lại thu nhập cho những người trực tiếp đi thu hái đót, nhiều người dân địa phương cũng có thêm thu nhập 150 nghìn đồng/ngày từ việc phơi đót cho các điểm mua gom.
Hiện nay, ven cửa rừng ở các xã miền núi An Lão đều có người chờ mua gom bông đót tươi về phơi khô để bán lại cho các cơ sở làm chổi đót hoặc các đơn vị xây dựng trong và ngoài huyện. Người đi chặt, hái đót vui mừng vì cây đót thu đến đâu được thu mua hết đến đó.
Bà Nguyễn Thị Dung, một tiểu thương chuyên mua gom đót ở xã An Tân, cho biết: Cuối ngày thì người dân mang đót tươi ra cân cho thương lái chúng tôi, giá cả cũng không dao động nhiều so với mọi năm. Từ đầu vụ đến nay, tôi đã mua gom được hơn 2 tấn đót, tăng 30% so với năm trước. Chúng tôi mua tươi, thuê người phơi khô rồi bán cho các cơ sở ở Bồng Sơn (TX Hoài Nhơn).
DIỆP THỊ DIỆU