Ngân vang giai điệu bài chòi ở miền núi Vĩnh Thạnh
Huyện Vĩnh Thạnh, dù không nổi trội hơn các địa phương mạnh về phong trào bài chòi dân gian như TX An Nhơn, TX Hoài Nhơn, huyện Tuy Phước, TP Quy Nhơn, nhưng bằng tâm huyết của những nghệ nhân yêu thích bài chòi dân gian, địa phương này đã thành lập được CLB bài chòi dân gian. Đây là điều đáng ghi nhận của một huyện miền núi trong nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi dân gian của Bình Định.
Các nghệ nhân bài chòi huyện Vĩnh Thạnh trình diễn tại Liên hoan các CLB bài chòi dân gian tỉnh Bình Định, diễn ra vào mùng 5 tết Giáp Thìn 2024. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Nghệ nhân Nguyễn Duy Cảnh, Phó Chủ nhiệm CLB Bài chòi dân gian huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ: “Thành lập từ năm 2018, CLB hiện có hơn 30 nghệ nhân ở các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Hảo, Vĩnh Thịnh và thị trấn Vĩnh Thạnh tham gia; trong đó, có 10 nghệ nhân nòng cốt thực hành và truyền dạy bài chòi. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi cố gắng duy trì sinh hoạt đều đặn mỗi quý/lần để chia sẻ kinh nghiệm, trau dồi thêm kỹ năng diễn xướng bài chòi, cũng như khuấy động phong trào, khích lệ tinh thần cho các nghệ nhân cùng thỏa niềm đam mê, chung tay bảo tồn di sản bài chòi dân gian”.
Là thành viên trẻ tuổi của CLB, chị Nguyễn Thị Thu Thủy (24 tuổi, ở xã Vĩnh Quang) hăng hái tham gia trình diễn, góp phần lan tỏa nghệ thuật bài chòi ở quê mình. “Tôi rất vui khi được tham gia biểu diễn bài chòi, với mong muốn cùng góp phần gìn giữ nét văn hóa độc đáo của cha ông để lại”, chị Thủy tâm tình.
Tham gia CLB được 4 năm, anh Phạm Văn Hà (ở xã Vĩnh Hảo) chia sẻ: “Sự ra đời của CLB đã tạo sân chơi bổ ích, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của những người yêu thích bài chòi như tôi. Tôi nghĩ việc quảng bá lan tỏa rộng rãi di sản bài chòi dân gian là rất cần thiết, giúp mọi người hiểu hơn về di sản văn hóa của quê hương mình”.
Không chỉ mang lời ca, tiếng đàn phục vụ công chúng thưởng thức bài chòi, CLB Bài chòi dân gian huyện Vĩnh Thạnh còn chú trọng tìm kiếm, bồi dưỡng những hạt nhân trẻ để truyền dạy, phát triển lực lượng tham gia hô bài chòi dân gian.
Bà Võ Thị Hồng Liên, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Huyện đã ban hành kế hoạch bảo tồn và phát triển các loại hình di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện, trong đó có nghệ thuật bài chòi dân gian. Thời gian tới, huyện sẽ tổ chức hoạt động truyền dạy bài chòi trong trường học để giúp học sinh hiểu hơn về bản sắc văn hóa của dân tộc, tạo lớp hiệu trẻ kế thừa thực hành di sản bài chòi dân gian...
NGỌC NHUẬN