Bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học: Nền tảng phát triển kinh tế bền vững
Trong kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Bình Ðịnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học nhằm phát triển kinh tế bền vững.
Vừa qua, UBND huyện Phù Mỹ phối hợp với Công ty CP Năng lượng tái tạo Việt Nam thả gần 60.000 con cá giống các loại tại đầm Trà Ổ (thuộc địa phận xã Mỹ Lợi) để tái tạo nguồn lợi thủy sản (NLTS). Đây là năm thứ tư Công ty CP Năng lượng tái tạo Việt Nam hỗ trợ chi phí để huyện Phù Mỹ thực hiện hoạt động này.
Bảo vệ, phục hồi hệ thống rừng ngập mặn để chống xâm thực, tạo cảnh quan và phát triển du lịch sinh thái.
- Trong ảnh: Tham quan, du lịch tại khu vực Cồn Chim (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước). Ảnh: MINH NHÂN
Theo ông Trần Minh Tuấn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ, đầm Trà Ổ có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng và giá trị kinh tế cao như chình mun, tôm, cua, rạm… Để bảo vệ NLTS, chính quyền các xã Mỹ Đức, Mỹ Lợi, Mỹ Châu, Mỹ Thắng và UBND huyện Phù Mỹ thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân địa phương khai thác, đánh bắt thủy sản đúng quy định. Bên cạnh đó, hằng năm thực hiện thả con giống tái tạo NLTS, bồi hoàn đa dạng sinh học (ĐDSH).
Ngoài ra, UBND huyện Phù Mỹ công nhận và giao quyền cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý, bảo vệ, khai thác NLTS tại đầm Trà Ổ. Tổ chức cộng đồng được thành lập trên cơ sở tự nguyện; gồm 194 thành viên là hộ dân, cá nhân ở 4 xã Mỹ Đức, Mỹ Châu, Mỹ Lợi và Mỹ Thắng.
Tổ chức cộng đồng có trách nhiệm quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản, bảo vệ và khai thác NLTS trong khu vực đầm được giao quyền. Thực hiện tuần tra, kiểm tra và yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm tại khu vực đầm được giao.
Ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho biết: Việc giao quyền cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ và khai thác NLTS tại đầm Trà Ổ là cần thiết. Đây là hướng đi phù hợp, lấy người dân làm nòng cốt trong phát triển NLTS, bảo vệ ĐDSH, tạo sinh kế bền vững.
Không riêng huyện Phù Mỹ, thời gian qua, chính quyền các địa phương trong tỉnh và sở, ngành liên quan đã triển khai nhiều chương trình, dự án về bảo tồn ĐDSH, như: Điều tra, khảo sát và đề xuất các biện pháp ngăn chặn, kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh. Điều tra, thống kê định kỳ các hệ sinh thái, các loài động vật, thực vật đặc hữu có giá trị khoa học, kinh tế hoặc đang có nguy cơ tuyệt chủng tại đầm Thị Nại, đầm Trà Ổ. Xây dựng thí điểm mô hình truyền thông môi trường và bảo tồn ĐDSH cấp xã tại Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn (xã An Toàn, huyện An Lão)…
Mặt khác, thực hiện hiệu quả cơ chế chia sẻ lợi ích từ các dịch vụ hệ sinh thái như chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; mô hình bảo tồn, sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật dựa vào cộng đồng. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nói riêng; bảo tồn, phát huy giá trị ĐDSH trên địa bàn tỉnh nói chung.
Ông Đinh Văn Đang, Chủ tịch UBND xã An Toàn, cho hay: “Qua tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành, ý thức bảo vệ, phát triển rừng của người dân địa phương đã khá hơn. Bà con tích cực và nêu cao trách nhiệm trong nhận khoán bảo vệ rừng; chung tay bảo vệ rừng đặc dụng; khai thác sản vật dưới tán rừng theo đúng hướng dẫn của cán bộ kiểm lâm”.
Còn ông Tôn Kỳ Hải, Chủ tịch UBND xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước), chia sẻ: Địa phương phối hợp với các sở, ngành tuyên truyền, vận động người dân sống ven đầm Thị Nại bảo vệ, phục hồi hệ thống rừng ngập mặn để chống xói lở, xâm thực và tạo cảnh quan. Qua đó, tạo môi trường thuận lợi cho các loại cá, tôm, cua trú ngụ; giúp người dân địa phương mưu sinh bền vững bằng nghề khai thác, đánh bắt thủy sản.
Theo bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở TN&MT, quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Bình Định đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 chú trọng mục tiêu các hệ sinh thái tự nhiên; các loài và nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm được bảo tồn, phát triển bền vững. Duy trì và phát triển dịch vụ hệ sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo tồn ĐDSH. Để thực hiện mục tiêu này, thời gian tới, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn ĐDSH gắn với phòng ngừa ứng phó biến đổi khí hậu. Xây dựng cơ sở dữ liệu ĐDSH trên địa bàn tỉnh; đầu tư thiết lập hành lang ĐDSH; thực hiện các dự án về ĐDSH. Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái rừng, biển; các loài động vật, thực vật bản địa quý hiếm. Bảo vệ cảnh quan thiên nhiên gắn với các chương trình phát triển du lịch sinh thái, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
MINH NHÂN