Thêm giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầm Trà Ổ
Sau TP Quy Nhơn, huyện Phù Mỹ là địa phương thứ hai triển khai mô hình Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên đầm Trà Ổ với nhiều kỳ vọng.
Đã tròn 2 tháng kể từ khi UBND huyện Phù Mỹ ban hành Quyết định số 1601/QĐ-UBND ngày 6.3.2024 về việc công nhận và giao quyền quản lý cho Tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản (NLTS) tại đầm Trà Ổ theo Luật Thủy sản 2017, với diện tích 1.140 ha.
Thành viên của Tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản trên đầm Trà Ổ tiến hành tuần tra, truy quét các trường hợp dùng xung điện tận diệt nguồn lợi thủy sản trên đầm. Ảnh: TCCĐ cung cấp
Tổ chức cộng đồng có 194 thành viên gồm hộ gia đình, cá nhân hoạt động ở nhiều lĩnh vực như: Khai thác, chế biến, hậu cần dịch vụ nghề cá, du lịch giải trí gắn với thủy sản trong đầm Trà Ổ ở 4 xã Mỹ Đức, Mỹ Châu, Mỹ Lợi, Mỹ Thắng.
Theo quy chế hoạt động, Ban đại diện của Tổ chức cộng đồng có nhiệm kỳ 2 năm, trưởng Ban được bầu luân phiên các xã; hiện tại, Trưởng ban là ông Phan Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thắng. Các thành viên thực hiện những nhiệm vụ cụ thể, gồm: Tổ chức, quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản, bảo vệ và khai thác NLTS, dịch vụ, du lịch giải trí gắn với hoạt động thủy sản trong khu vực đầm được giao quyền quản lý; tuần tra, kiểm tra và yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm. Theo từng năm, Ban đại diện xây dựng và thực hiện phương án bảo vệ NLTS, xử lý triệt để các vi phạm. Ngoài ra, vận động các thành viên đóng góp, huy động nguồn thu, nguồn tài trợ hợp pháp để thành lập Quỹ cộng đồng…
Tổ chức cộng đồng được thành lập khiến nhiều người tâm huyết với việc bảo vệ NLTS khấp khởi hy vọng, trong đó có ông Trương Xuân Vũ, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thắng. Bởi gần 20 năm qua, từ khi còn làm lãnh đạo UBND xã Mỹ Thắng cho đến giờ, ông Vũ luôn đau đáu với tình trạng khai thác trái phép NLTS trên đầm cứ dai dẳng mãi. Ông cho biết, một trong những nguyên nhân chính là nguồn thu từ hành vi khai thác trái phép quá cao, trong khi mức xử phạt theo quy định lại không nhiều. Đối tượng vi phạm đa số đều là dân của 4 xã, quá rành địa bàn, đôi khi thông qua mối quan hệ quen biết, có được thông tin về kế hoạch tuần tra, kiểm soát nên dễ dàng đối phó, thậm chí còn “canh” ngược lại động tĩnh của đội ngũ tuần tra.
“Mô hình Tổ chức cộng đồng được kỳ vọng góp phần tháo gỡ vướng mắc hiện tại, tạo ra chuyển biến đáng kể về việc bảo vệ NLTS trên đầm. Dù biết là khó khăn nhưng các địa phương liên quan đang lên kế hoạch vận động, khuyến khích những đối tượng hành nghề cấm, sử dụng ngư cụ cấm vào Tổ chức cộng đồng này”, ông Vũ cho hay.
Theo Ban đại diện Tổ chức cộng đồng, sau 2 tháng hoạt động, bước đầu, mô hình đã cho thấy nhiều chuyển biến đáng phấn khởi, đặc biệt trong công tác trao đổi thông tin, phối hợp tuần tra, truy quét đối tượng dùng xung điện tận diệt NLTS trên đầm. Theo thống kê trong 2 tháng, Tổ chức cộng đồng phối hợp với các lực lượng đã tổ chức trên 80 lượt tuần tra tại 4 xã, phát hiện 13 vụ vi phạm, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan xử lý kịp thời.
Nhiều hộ dân làm nghề khai thác NLTS trên đầm Trà Ổ cho biết, diễn biến thời tiết thất thường đang làm một số loài thủy sản giảm số lượng so với trước đây. Dù vậy, hoạt động thả cá giống tái tạo NLTS trên đầm lan tỏa đã góp phần làm dồi dào số lượng cá chép, cá tràu cùng một số loại thủy, hải sản khác. Hiểu rõ sự kỳ vọng của chính quyền và người dân trong việc bảo vệ, phát triển môi trường, hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng cùng nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao trên đầm nước ngọt lớn nhất tỉnh, các thành viên của Tổ chức cộng đồng luôn nỗ lực, chung sức, đồng lòng để hoàn thành trách nhiệm được giao.
Trưởng Ban đại diện Phan Văn Linh cho biết, vì là tổ chức hoạt động trên tinh thần tự nguyện nên tổ rất cần sự quan tâm, động viên, hỗ trợ, chung tay từ chính quyền và cộng đồng.
“Chúng tôi cần xuồng máy để có phương tiện hoạt động, cụ thể là 4 xuồng máy đặt ở 4 xã. Một giải pháp tổ đang triển khai là vận động người dân không mua sắm thêm lưới lồng mắt nhỏ để đánh bắt và hướng đến cuối năm 2024 thì chấm dứt hoàn toàn việc dùng loại lưới này. Để thực hiện được việc này như mong muốn, chúng tôi đã đề xuất hỗ trợ kinh phí cho người dân khi tiến hành thu hồi lưới và có định hướng cụ thể việc chuyển đổi nghề trên đầm cho bà con”, ông Linh trao đổi.
NGỌC TÚ