Đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản
Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết là hướng đi cần thiết để nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững. Sở Công Thương vừa có cuộc khảo sát tại các địa phương trong tỉnh về tình hình tiêu thụ nông sản từ hộ nông dân, HTX để hỗ trợ chủ động tiếp cận thị trường tốt hơn, tiến tới nâng cao chất lượng nông sản.
Hơn 23 năm làm nghề mua gom dừa, ông Nguyễn Trung Hiếu (ở xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát) cho hay: Tôi mua dừa trái ở tất cả các vườn dừa tại huyện Phù Cát và đi bán khắp trong, ngoài tỉnh. Dừa trồng trên địa bàn Phù Cát có chất lượng khá tốt, nước ngọt, thanh, giá bán luôn cao hơn 20% so với các loại dừa ở miền Nam. Trung bình, tôi mua khoảng 1.000 - 1.200 trái/ngày, vào cao điểm lên khoảng 2.000 trái. Hiện, giá dừa uống nước dao động từ 12.000 - 13.000 đồng/trái (bên mua tự hái). Tôi mua theo giá thị trường lên xuống liên tục, không ký hợp đồng bao tiêu hay thỏa thuận nào khác.
Nhờ huyện Hoài Ân xây dựng và phát triển tốt thương hiệu heo Hoài Ân, những cơ sở kinh doanh như vựa mua gom heo Út Hằng được hưởng lợi khi mua bán thuận lợi hơn. Ảnh: H.Y
Vào những thời điểm nhất định, nhất là chính vụ thu hoạch nông sản, hay khi thị trường biến động bất thường, giá nông sản dễ rớt, thậm chí nhiều thời điểm thương lái dừng hẳn việc mua, nhập hàng. Đơn cử như vụ ớt ở huyện Phù Mỹ vào tháng 4.2024, năng suất ớt rất cao nhưng giá lại quá thấp, chỉ 4.000 - 5.000 đồng/kg, giảm chỉ còn bằng 1/5 so với cùng kỳ năm 2023. Với giá này, người trồng ớt lỗ nặng.
Ông Thân Văn Thành, quản lý Công ty Chế biến nông sản, lương thực thực phẩm xuất khẩu Trần Gia (CCN Đại Thạnh, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ) cho hay: Năm ngoái, giá ớt tăng quá cao, vì thế người trồng ớt địa phương không thích ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với chúng tôi (10.000 đồng/kg cho vụ thu hoạch năm 2024). Hiện nay, công ty mua ớt chỉ thiên trên địa bàn toàn tỉnh để làm sản phẩm ớt muối xuất khẩu, nhu cầu khoảng 4.000 tấn/năm. Nếu nông dân liên kết với công ty 3 năm liên tiếp thì sẽ được công ty ứng trước 50% chi phí hạt giống và phân bón.
HTXNN Thanh niên Hoài Ân tổ chức mô hình liên kết chuỗi hàng nông sản khá hiệu quả khi ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm bưởi da xanh VietGAP trên tổng diện tích 100 ha của 77 nông hộ. HTX đã ký hợp đồng cung ứng bưởi da xanh cho các siêu thị, cửa hàng trong và ngoài tỉnh. Từ thành công của bưởi da xanh, hiện HTX còn mở rộng mô hình liên kết chuỗi sản phẩm cho bí nụ, dưa hấu, ổi lê.
Huyện Hoài Ân là một trong vài địa phương tích cực xây dựng thương hiệu nông sản và hỗ trợ nông dân, cơ sở sản xuất xây dựng thương hiệu. Đến nay huyện đã xây dựng được 8 thương hiệu nông sản nổi bật, gồm: Heo Hoài Ân, bưởi da xanh, gà ta thả vườn, dừa xiêm, tiêu hột, mít thái, gạo hữu cơ Hoài Ân và trà Gò Loi.
Bà Lê Thị Hằng, chủ vựa heo Út Hằng (ở xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân) cho biết: Tôi mua gom heo trong huyện để bán ra thị trường tỉnh Quảng Nam, khoảng 3.600 con/tháng. Khi huyện Hoài Ân xây dựng thành công và phổ biến, quảng bá thương hiệu heo Hoài Ân, chúng tôi bán được giá cao hơn khoảng 10 - 15% so với heo ở các địa phương khác. Việc mua bán cũng thuận lợi hơn.
Ngoài việc bán lẻ, bán cho mối buôn, hiện nay người dân đã chủ động tiêu thụ nông sản bằng cách đưa sản phẩm đến các phiên chợ quảng bá. Tại phiên chợ OCOP năm 2024 của huyện Tuy Phước vào cuối tháng 4.2024, nhiều chủ thể sản xuất có sản phẩm đạt OCOP lần đầu tiên quảng bá, chào hàng trực tiếp như: Nem chả Thu Thảo, nem chua Loan Giang, chanh muối Bà Nhiêm, lươn giống Long Vinh…
Trong năm 2024, nhiều chủ thể đã liên kết vùng trồng nguyên liệu, tạo sản phẩm mới đa dạng và trực tiếp đưa lên sàn thương mại điện tử. Tại huyện Tây Sơn, HTX Nông nghiệp Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Vĩnh An liên kết bao tiêu sản phẩm bắp nếp của 30 hộ dân trồng trên diện tích 5 ha ở xã Bình Nghi để sản xuất bắp sấy giòn; và mua gom sản phẩm chuối mốc ruột đỏ trồng trên diện tích 3 ha của 20 hộ dân ở xã Vĩnh An để sản xuất chuối sấy. Hay, Công ty TNHH Vita mua gạo nguyên liệu, bí đỏ, lá chùm ngây, lá cẩm, mè đen… của nông dân để chế biến bánh hỏi, nui, bánh canh rau củ. Công ty TNHH DULAH liên kết với các hộ dân trồng 6 ha cây hoa hòe…
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, mới đây Sở Công Thương đã khảo sát thực trạng khó khăn trong nuôi trồng, sản xuất, tiêu thụ theo hình thức “thuận mua, vừa bán”, đơn giản, thiếu tính ràng buộc về trách nhiệm và quyền lợi giữa người bán và người mua. Ngoài ra, các DN, HTX chưa mạnh dạn làm đầu mối thu gom, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vì ít vốn, quy mô sản xuất nhỏ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết, sức cạnh tranh kém…
Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương cho hay, để cải thiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Sở xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm quy mô lớn; phối hợp các sở, ngành chú trọng cấp mã số vùng trồng, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản cho sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, đặc biệt công tác cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, và định hướng các thị trường khó tính khác. Sở tạo điều kiện các chủ thể của hơn 300 sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu xây dựng phương án vận hành, nguồn nhân lực phù hợp, để nâng cao hiệu quả việc bán hàng trên các kênh thương mại điện tử phổ biến như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Voso và Postmart…
BÙI NGHĨA