Giữ hồn xưa cho sắc màu Trung thu
Trên địa bàn tỉnh hiện còn rất ít người gắn bó với nghề làm dụng cụ múa lân, đồ chơi Trung thu. Một trong số này là anh Nguyễn Minh Tú (32 tuổi), chủ xưởng lân Vạn Phát (phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn), đam mê làm đầu lân nhiều năm qua. Sản phẩm của cơ sở anh Tú có chất lượng, sáng tạo nên được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, có khi còn là “hàng xách tay” đi Malaysia, Singapore, Úc…
Anh Nguyễn Minh Tú đang vẽ mắt cho lân. Ảnh: K.ANH
Những ngày này, nhiều đầu lân trang trí tinh tế, đẹp mắt được anh Tú cùng các bạn trẻ trong xưởng gấp rút hoàn thiện để kịp phục vụ khách hàng dịp tết Trung thu năm nay. Trực tiếp quan sát làm lân mới thấy được sự cầu kỳ, tỉ mẩn trong từng chi tiết, như phối hợp màu sắc, trang trí đầu lân với đuôi lân, để có sự kết hợp hài hòa làm nổi bật sự uy vũ của lân.
“Làm đầu lân đòi hỏi chính xác cao trong từng chi tiết, bởi các công đoạn tiếp nối nhau, nếu làm hỏng công đoạn này thì công đoạn sau lại không làm được. Một trong những công đoạn khó là vẽ mắt cho lân, mình phải làm sao để mỗi đôi mắt lân toát lên được thần thái riêng”, anh Tú chia sẻ.
Các bạn trẻ làm đầu lân ở xưởng lân Vạn Phát luôn tỉ mẩn từng công đoạn. Ảnh: K.ANH
Hơn 15 năm qua, từ khi vợ chồng anh Nguyễn Văn Khanh và chị Nguyễn Thị Tuyến (38 tuổi) ở làng trống Đọi Tam nổi tiếng ở tỉnh Hà Nam về mở cơ sở sản xuất trống chuông Thăng Long (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước), nhiều đoàn lân trong và ngoài tỉnh đã có địa chỉ tin cậy đặt làm trống lân.
Trước dịp Trung thu khoảng hai tháng, cơ sở Thăng Long bắt đầu nhận nhiều đặt hàng để tập trung làm trống lớn phục vụ biểu diễn múa lân, trống con để các em nhỏ đánh chơi rộn ràng Trung thu.
“Chúng tôi tận tình tư vấn, chỉnh sửa âm thanh trống lân bằng kinh nghiệm gia truyền ở làng trống Đọi Tam cho đến khi khách hàng hài lòng. Có những đoàn lân không thích sơn màu đỏ ngoài tang trống, cơ sở cũng nhập vải in hoa văn nổi bật và có hình lân bọc phủ tang trống, rồi đinh bằng đồng hay mạ vàng đóng da trống từ Trung Quốc về để đáp ứng nhu cầu”, chị Tuyến cho biết.
Sản phẩm đầu lân của xưởng lân Vạn Phát. Ảnh: K.ANH
Thị trường đồ chơi lồng đèn dịp Trung thu ngày càng có rất nhiều mẫu mã đẹp mắt, hiện đại, được sản xuất công nghiệp. Thế nhưng nhiều bậc cha mẹ vẫn đưa con đến ủng hộ sản phẩm lồng đèn truyền thống của cụ Huỳnh Văn Phẩm (82 tuổi, ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn).
Cụ Huỳnh Văn Phẩm xem lại các sản phẩm đèn lồng truyền thống trước khi đưa ra phục vụ khách hàng. Ảnh: H.THU
Cụ Phẩm học cách làm lồng đèn truyền thống từ vợ khi còn trẻ. Cả hai vợ chồng ông cùng làm nên không biết bao nhiêu chiếc lồng đèn qua rất nhiều mùa Trung thu. Sau khi vợ cụ Phẩm mất cách đây mười mấy năm, ông vẫn tiếp tục duy trì làm lồng đèn.
Dịp Trung thu năm nay, sức khỏe yếu hơn, nhưng cụ Phẩm vẫn cố gắng làm, bày bán trong căn nhà nhỏ của mình nhiều lồng đèn hình cá chép, gà, bướm, tàu thủy, ông sao…
“Từng tuổi này vẫn còn làm chỉ vì yêu thích, cố gắng giữ sản phẩm thủ công truyền thống. Có cháu trời mưa mà vẫn xin cha mẹ chở tới mua lồng đèn cho được, khiến tôi cũng cảm thấy vui, thêm động lực làm lồng đèn…”, cụ Phẩm bộc bạch.
H.THU - K.ANH