Tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân với ngư dân Bình Định
Với phương châm chủ động đến với nhân dân, hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân là mệnh lệnh từ trái tim, nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân luôn sát cánh cùng bà con ngư dân cả trên bờ, dưới biển, trong mỗi hải trình.
Tuyên truyền pháp luật biển cho ngư dân, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển… những người lính Vùng 4 Hải quân đã trở thành điểm tựa vững chắc cho ngư dân Bình Định nói riêng vươn khơi, bám biển, khai thác, đánh bắt hải sản ở ngư trường Trường Sa phát triển kinh tế. Đó không chỉ là tình cảm mà còn là trách nhiệm của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”- người chiến sĩ Hải quân.
7h sáng tại cảng cá Đề Gi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định có rất đông bà con ngư dân tập trung trên cầu cảng trung tâm. Khác với mọi ngày, khi tàu cập cảng, cá đưa lên bờ cho thương lái là bà con ngư dân trở về nhà nghỉ ngơi để chuẩn bị cho chuyến biển mới, nhưng hôm nay, tất cả các chủ tàu, bạn thuyền đều nán lại để nghe báo cáo viên của Vùng 4 Hải quân hướng dẫn tuyên truyền về quy định khai thác hải sản, các vùng biển, tần số, đài canh…
Ngư dân Phạm Anh, chủ tàu cá BĐ93672 TS cho biết, đây là lần thứ 3 ông được bộ đội Vùng 4 Hải quân tuyên truyền về các quy định khai thác khi tàu cập cảng sau chuyến biển dài ngày. Những thông tin về tọa độ, các ngư trường, tần số đài canh vô tuyến điện của Hải quân, các âu tàu tránh trú bão ở Quần đảo Trường Sa luôn hỗ trợ ngư dân; hướng dẫn bà con xử lý một số tình huống trên biển đã giúp ông và bạn tàu có thêm nhiều kiến thức đi biển.
“Bà con chúng tôi thấy rất vui khi được các chiến sĩ Hải quân giúp đỡ. Chúng tôi rất tự hào vì đi khai thác ngoài biển, phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền. Được tuyên truyền, động viên, bà con cũng làm theo, khi đi đánh bắt xa bờ không xâm phạm vùng biển nước bạn”.
Tàu Vùng 4 Hải quân cứu kéo tàu cá ngư dân Bình Định gặp nạn
Với thâm niên hơn 30 năm đi biển, ngư dân Nguyễn Tâm, thuyền trưởng tàu BĐ 93967 TS ở thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh cho biết, ông luôn nhận được sự giúp đỡ của Bộ đội Hải quân từ lương thực, thực phẩm hay khi gặp sự cố hư hỏng tàu. Khai thác ngoài biển ông cũng được bộ đội Hải quân tuyên truyền những kiến thức về pháp luật, quy định khi khai thác thủy, hải sản. Hôm nay tàu cập bến sau 1 tháng đánh bắt ngoài khơi, ông lại được CBCS Hải quân lên tàu phát tờ rơi, tặng cờ tổ quốc, áo phao và nhiều phần quà khác. Từng hai lần gặp nạn trên biển, cả hai lần ngư dân Nguyễn Tâm đều được cán bộ chiến sĩ đảo Trường Sa, Vùng 4 Hải quân hỗ trợ kịp thời. Ngư dân Nguyễn Tâm bày tỏ:
“Có sự cố gì mình gọi là Hải quân đến giúp liền. Ví dụ như mấy lần tôi bị bệnh trên biển đều được các anh cho thuốc uống. tôi rất cảm ơn. Tình nghĩa quân dân rất yêu thương. Tạo điều kiện hết sức cho mình trên biển, tuyên truyền cho mình thì mình phải tuân thủ, khai thác đúng quy định, không phụ lòng các chú bộ đội Hải quân vì đã đối với bà con rất tốt. Cảm ơn các anh nhiều lắm. Chúng tôi hứa chấp hành nghiêm pháp luật, không xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác trái phép”.
Theo ông Trịnh Minh Bình, Chủ tịch UBND xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, trên địa bàn xã gần 150 tàu chuyên khai thác thủy sản trên biển, trong đó có 45 tàu đánh bắt xa bờ. Mỗi ngư dân khi ra khơi đều mong muốn khi trở về tôm, cá đầy khoang, song không phải lúc nào cũng thuận lợi bởi tác động của điều kiện thời tiết, sự cố về máy móc, sức khỏe... Vì vậy, sự giúp đỡ của lực lượng Hải quân là động lực to lớn để họ vượt qua mọi khó khăn.
“Chương trình này vừa tuyên truyền các quy định vị trí, vai trò của biển đảo cho người dân, đồng thời tuyên truyền những quy định những vấn đề liên quan đến đánh bắt vươn khơi bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo mang lại ý nghĩa lớn. Đưa hình ảnh lực lượng Hải quân vào trong lòng dân, luôn luôn đồng hành, chia sẻ những khó khăn cùng bà con, từ đó tạo lòng tin cho bà con vươn khơi bám biển”.
Qua chuỗi các hoạt động trong Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển” mà cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân thực hiện tại cảng cá Đề Gi đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biển, đảo; hỗ trợ nhân dân khai thác hải sản an toàn, tuân thủ pháp luật; củng cố, gắn kết tình cảm quân dân.
Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh: “Tỉnh ủy và UBND tỉnh rất quan tâm đến hoạt động của các tàu cá trên biển. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp rất chặt chẽ với Vùng 4 Hải quân để chúng ta thực hiện tốt Chỉ thị của Ban Bí thư, làm sao cho ngư dân thực sự yên tâm khi tham gia đánh bắt xa bờ cũng như thực hiện nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo của quê hương”.
Cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân cùng các đơn vị đồng hành tặng cờ tổ quốc cho ngư dân
Theo Chuẩn đô đốc Nguyễn Anh Tuấn, Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 luôn chủ động làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, ý thức chấp hành pháp luật trong đánh bắt hải sản, luôn là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân yên tâm vươn khơi:
“Ngoài các hoạt động tuyên truyền, chúng tôi có những hoạt động thực tế như cứu hộ cứu nạn trên biển. Trong tờ rơi phát cho bà con có địa chỉ, số điện thoại, có kênh thông tin để bà con liên lạc. Ở Trường Sa có một số âu tàu, làng chài. Bà con đi khai thác mà hết nước, gạo, thực phẩm, xăng dầu cứ ghé vào, cán bộ chiến sỹ trên quần đảo Trường Sa sẽ hỗ trợ cho bà con để bà con tiếp tục hoạt động đánh bắt trên biển”.
Với phương châm “Lo cho dân như người thân của mình”, “Giúp đỡ ngư dân là mệnh lệnh của trái tim”, cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân luôn sẵn sàng có mặt kịp thời để hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân nói chung; hỗ trợ và giúp đỡ bà con ngư dân Bình Định nói riêng khai thác hải sản an toàn, đúng pháp luật; tạo tình cảm gắn bó sâu sắc giữa cán bộ, chiến sĩ Hải quân với bà con ngư dân; động viên và phát huy tốt vai trò của ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc để phát triển kinh tế biển.
(Theo Thu Lan/VOV1)