Người Việt Nam tại châu Âu gửi gắm tâm huyết về biển đảo quê hương
Trong hai ngày 10.6 và 11.6, tại Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại Pháp, một cuộc hội thảo quốc tế lớn cùng triển lãm ảnh về biển đảo Việt Nam đã được tổ chức, qua đó truyền đi thông điệp về nỗ lực bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển đảo của Việt Nam đến bạn bè châu Âu.
Hàng trăm bức ảnh và kỷ vật về Trường Sa, về biển Việt Nam do chính các bà con người Việt tại châu Âu chụp và lưu giữ trong các lần được về nước đi thăm Trường Sa đã được trưng bày trong triển lãm ảnh biển đảo Việt Nam.
Đặc biệt, một cuộc hội thảo quốc tế với sự tham dự của nhiều diễn giả là các giáo sư chính trị học, sử gia, chuyên gia nghiên cứu chiến lược đến từ Pháp, Italy, Đức, Ba Lan, Việt Nam… cũng đã được tổ chức, để thảo luận về một loạt các chủ đề đáng chú ý, từ lịch sử thực thi chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông, các chiến lược bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, khía cạnh kinh tế biển đảo cũng như các mối quan hệ quốc tế lớn trong khu vực và trên thế giới.
Các diễn giả trình bày tham luận tại Hội thảo.
Cuộc hội thảo và triển lãm ảnh về biển đảo Việt Nam đã thu hút sự quan tâm lớn của đông đảo bà con người Việt tại Pháp và các nước châu Âu, cũng như các bạn bè quốc tế. Là người đứng ra kết nối các nỗ lực của bà con Việt kiều các nước tại châu Âu nhằm biến ý tưởng tổ chức sự kiện này thành hiện thực, bà Cao Hồng Vinh, Trưởng Ban liên lạc người Việt tại châu Âu vì biển đảo Việt Nam cho biết, các thành viên ban tổ chức đã tiến hành các bước chuẩn bị trong hơn nửa năm qua, từ việc liên hệ mời các diễn giả tham gia cho đến việc sản xuất các kỷ vật đặc biệt về Trường Sa, làm các video clip để chuyển tải những lời nhắn gửi từ các chiến sĩ đang đóng quân và bà con đang sinh sống tại Trường Sa. Tất cả những điều đó, theo bà Cao Hồng Vinh, đều xuất phát từ một động lực duy nhất là lòng yêu nước và mong muốn đưa các thông điệp về chủ quyền biển đảo Việt Nam đi xa hơn.
“Qua triển lãm và hội thảo lần này, kiều bào Việt Nam tại châu Âu, nhất là những anh chị em đã từng đi thăm Trường Sa và nhà dàn DK1 muốn mang hết tâm tư, tình cảm của mình, những cảm nhận và hiểu biết của mình có được sau chuyến đi, để gửi đến cộng đồng người Việt tại châu Âu, tới các bạn bè quốc tế tại châu Âu để mọi người hiểu hơn, thấy được cuộc sống thực sự, thấy được sự kiên cường, sự dũng cảm của những chiến sĩ đang làm việc nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc”.
Triển lãm ảnh tại hội thảo.
Đánh giá cao sáng kiến của cộng đồng kiều bào tại châu Âu, ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, mặc dù mới được thành lập nhưng Ban liên lạc về biển đảo Việt Nam tại châu Âu đã có rất nhiều đóng góp cụ thể, thiết thực, góp phần cải thiện cuộc sống của chiến sĩ và người dân trên các đảo ở Trường Sa. Ông cũng cho rằng, sáng kiến mang tính tiên phong của bà con người Việt tại châu Âu là rất đáng hoan nghênh bởi nó góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn các nỗ lực bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam bằng các kênh ngoại giao nhân dân.
Cũng có chung nhận định đó, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cho rằng, các tham luận của rất nhiều học giả các nước cũng như các phát biểu của bà con kiều bào góp phần đưa ra rất nhiều sáng kiến mới cho công cuộc bảo vệ biển đảo, đồng thời cho thấy vấn đề biển Đông đang ngày càng thu hút sự quan tâm nhiều hơn của cộng đồng quốc tế, các quan điểm của Việt Nam cũng nhận được sự ủng hộ rộng rãi hơn.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Là diễn giả tại hội thảo, Giáo sư Malgorzata Pietrasiak đến từ Trường Đại học Lodz của Ba Lan đã trình bày tham luận về một chiến lược được bà gọi là “Hedgingowa” của Việt Nam trên biển Đông, tức là phòng ngửa rủi ro trên nguyên tắc không nhân nhượng nhưng mềm mỏng và khéo léo. Bà cũng đánh giá rất cao cách tiếp cận của Việt Nam hiện nay.
“Việt Nam đã sử dụng các phương pháp ngoại giao đa phương một cách linh hoạt và hết sức hiệu quả. Việt Nam luôn giữ được một sự cân bằng trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc và chính sách đó nhận được sự khâm phục của rất nhiều nước trên thế giới, qua đó Việt Nam thực sự tìm được một sự ủng hộ lớn”.
Bên cạnh triển lãm ảnh và hội thảo, cộng đồng người Việt tại châu Âu cũng đã tổ chức một buổi họp mặt cảm động của những người từng đi Trường Sa, qua đó cùng chia sẻ những kỷ niệm và tình cảm không thể nào quên trong lần được đặt chân đến vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo Quang Dũng (VOV)