Trầm hương xứ Nẫu qua Di sản Mộc bản triều Nguyễn
Lâu nay, Khánh Hòa luôn được mệnh danh là xứ Trầm hương. Tuy nhiên ít ai biết rằng, cùng với Khánh Hòa thì kỳ nam và trầm hương sản sinh ở vùng đất Bình Định cũng được đánh giá cao về chất lượng. Điều này được khẳng định trong mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí.
Sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 5, mặt khắc 29 rằng: “Xét sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn nói: Thứ kỳ nam sản xuất ở hai phủ Bình Khang, Diên Khánh là tốt nhất, Phú Yên, Quy Nhơn là hạng nhì”. Kỳ nam và trầm hương ở xứ Nẫu cũng được đánh giá là một trong những sản vật có giá trị vượt trội với nhiều công dụng khác nhau, nên dưới triều Nguyễn, kỳ nam và trầm hương Bình Định đã được triều đình lựa chọn để dâng tiến vào cung.
Kỳ nam và trầm hương là sản phẩm đặc biệt nằm trong lõi của cây chử (thường gọi là cây dó). Cây dó gồm có 3 loại, trong đó dó lưỡi trâu và dó lang dùng làm trầm hương, còn dó bầu thì làm kỳ nam. Ngay từ thời vua Gia Long, các hộ đi tìm trầm hương và kỳ nam chuyên nghiệp ở tỉnh Bình Định đã được thành lập, gọi chung là hộ Thái Hương. Nhiệm vụ của họ là hằng năm khi thấy lá cây dó đã chuyển sang màu vàng và nhỏ, thân cây có nhiều u bướu thì vào rừng chặt lấy.
Các hộ Thái Hương ở Bình Định, trung bình mỗi người 1 năm nộp 1 cân trầm hương và 3 lạng kỳ nam. Nếu năm nào không tìm được kỳ nam, thì nộp thay trầm hương 1 cân. Còn ngược lại, nếu năm nào kiếm được kỳ nam mà đem hết dâng nộp, thì được khấu trừ thuế lệ trầm hương. Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 45, mặt khắc 7, 8 ghi về quy định hoạt động của các hộ Thái Hương ở tỉnh Bình Định như sau: “Khi nước mới định, chuẩn y lời bàn: Cho ấp Thái Hương, phủ Quy Nhơn, nộp thuế sản vật, mỗi người cả năm nộp thuế kỳ nam 3 lạng. Nếu năm nào không được kỳ nam thì nộp thay trầm hương 1 cân.
Hình ảnh cây kỳ nam và cây trầm hương được khắc trên Cửu đỉnh. Nguồn: Sưu tầm
Hộ lấy trầm hương 2 tỉnh Bình Định, Phú Yên, mỗi người cả năm nộp trầm hương 1 can, tiền thuế thân, tiền dây xâu tiền 1 quan 5 tiền, người dân già cả tàn tật chịu 1 nửa.
Năm Gia Long thứ 2, chuẩn y lời bàn định: Đội lấy doanh Bình Định, chiếu nhân số trong đội, mỗi người cả năm nộp trầm hương hạng cực tốt 1 cân, nếu năm nào kiếm được hương kỳ nam đem hết dâng nộp, thì được khấu trừ thuế lệ trầm hương.
Minh Mạng năm thứ 2, chuẩn y lời tâu: Đội lấy hương, trấn Bình Định, được kỳ nam, trầm hương 2 thứ dâng nộp, còn thừa ra 10 cân trầm hương, chiếu lệ cấp mỗi cân tiền 6 quan, cộng tiền 60 quan”.
Thường thì các hộ Thái Hương ở Bình Định bắt đầu từ tháng 2 sẽ vào rừng tìm kiếm, đến tháng 6 thì về. Trầm hương và kỳ nam thu được sẽ về phân chia các thứ bậc khác nhau. Theo Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 11: “Thứ nào màu sáp trắng là thượng hạng, màu xanh đầu vịt là hạng thứ; màu sáp xanh là hạng ba; màu vằn cọp là hạng chót. Lại thứ nào chất mềm như phấn đọng là thượng hạng, thứ nào cứng chắc là hạng thường. Ngạn ngữ nói: “Nhất trắng, nhì xanh, ba vàng, bốn đen”. Muốn phân biệt được trầm hương và kỳ nam, nên lấy hình chất và khí vị mà phân biệt. Loại trầm hương thì chất nặng, vị đắng. Loại kỳ nam thì chất nhẹ, mềm và đủ các vị cay, chua, ngọt, đắng. Khói trầm hương thì bay vòng quanh, rồi tan. Khói kỳ nam thì bay thẳng lên mà dài. Dược tính của trầm hương và kỳ nam: Trầm hương có thể giáng khí, kỳ nam dùng trị các chứng trúng phong có đờm. Khi dùng, mài với nước cho người bệnh uống, hoặc đốt xông hương khí vào mũi, thì sống lại liền. Còn các chứng đau bụng hay trong bụng đầy tức thì ngậm vào miệng cho tan thì sẽ khỏi ngay. Lại có thể xua đuổi khí tà độc và ô uế”.
Vì những giá trị về mặt dược liệu cũng như hương liệu mà kỳ nam và trầm hương tỉnh Bình Định rất được các vua triều Nguyễn ưa chuộng. Ngoài việc để vua và hoàng thân quốc thích dùng khi cần. Kỳ nam và trầm hương Bình Định còn được các vua ban thưởng cho các đại thần có công với triều đình hay tặng phẩm trong mối quan hệ bang giao.
Để cất giữ lâu dài trầm hương và kỳ nam Bình Định, các vua triều Nguyễn đã bảo quản bằng cách: “Cất giữ nên dùng ống thiếc, kiêng bao gói bằng giấy, cũng không nên phơi nhiều, sợ bị khô rồi tác dụng kém đi. Muốn thử tốt hay xấu, thì lấy lá chuối gói kín đem phơi ra nắng, đến chiều mở ra, thấy có nước dầu ướt dầm dề là thứ tốt”.
Qua ghi chép của mộc bản Triều Nguyễn, có thể thấy được kỳ nam và trầm hương Bình Định rất được triều đình nhà Nguyễn trân quý. Ngày nay, mặc dù kỳ nam và trầm hương có rải rác ở ven núi của nhiều tỉnh thành, nhưng kỳ nam và trầm hương tỉnh Bình Định vẫn luôn giữ được những hương vị đặc biệt. Đó là niềm vinh dự cho địa phương có thổ sản như tỉnh Bình Định.
THƠM QUANG