Bảo tàng tỉnh giới thiệu bảo vật quốc gia qua sách
Bên cạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm, khảo cổ để bổ sung hiện vật trưng bày để phục vụ công chúng, Bảo tàng tỉnh còn chú trọng biên soạn sách nhằm quảng bá tư liệu, giúp công chúng hiểu hơn về đất và người Bình Định. Từ năm 2004 đến năm 2021, Bảo tàng tỉnh đã in nhiều đầu sách, như: Sưu tập hiện vật lịch sử văn hóa Bình Định, Gốm kiến trúc đền tháp Champa Bình Định, Giới thiệu một số hiện vật Bảo tàng, Kỷ vật kháng chiến… và đang biên soạn, chuẩn bị xuất bản sách Bảo vật quốc gia tại Bình Định.
Những bảo vật quốc gia hiện đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh sẽ được giới thiệu qua sách. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Từ năm 2015 - 2024, qua các đợt công nhận bảo vật quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bình Định vinh dự có 13 bảo vật quốc gia là những tác phẩm điêu khắc đá Champa. Trong số này, Bảo tàng tỉnh hiện đang lưu giữ 8 bảo vật quốc gia, gồm: Phù điêu nữ thần Mahishasuramardini, niên đại đầu thế kỷ XII; phù điêu thần Brahma, niên đại cuối thế kỷ XII; cặp phù điêu chim thần Garuda diệt rắn, niên đại thế kỷ XII - XIV; phù điêu nữ thần Sarasvati, niên đại đầu thế kỷ XII; phù điêu Thần hộ pháp Mả Chùa, niên đại thế kỷ XII; cặp tượng sư tử thành Đồ Bàn (thành Hoàng Đế), niên đại cuối thế kỷ XI - đầu thế kỷ XII.
Còn lại 5 bảo vật quốc gia đang lưu giữ ở các nơi, gồm: Cặp voi đá thành Đồ Bàn, niên đại nửa sau thế kỷ XII, nằm trong khuôn viên thành Đồ Bàn, ở xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn; cặp tượng Hộ pháp, niên đại thế kỷ XII - XIII, tại chùa Nhạn Sơn, ở xã Nhơn Hậu; tượng thần Shiva, niên đại thế kỷ XV, tại chùa Linh Sơn, xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn.
Sự thay đổi về loại hình, phong cách đặc trưng của từng hiện vật là bảo vật quốc gia theo từng niên đại đã phản ánh những biến đổi trong lịch sử của vương quốc Champa triều đại Vijaya kéo dài gần 5 thế kỷ, từ thế kỷ XI - XV (năm 1000 - 1471).
Theo ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, sách Bảo vật quốc gia tại Bình Định sắp xuất bản sẽ giới thiệu 13 bảo vật quốc gia của Bình Định in song ngữ Việt - Anh kèm hình ảnh minh họa sinh động, có in mã QR để giúp công chúng hiểu rõ hơn những giá trị văn hóa, lịch sử Bình Định.
“Từng bảo vật quốc gia được giới thiệu theo niên đại, thời gian chế tác, đặc trưng phong cách của loại hình chế tác…, làm nổi bật giá trị thẩm mỹ, lịch sử của hiện vật từ khái quát đến chi tiết, cũng như những thông tin về địa điểm phát hiện, khai quật khảo cổ từng hiện vật. Qua đó, cung cấp nhiều thông tin thú vị, để công chúng hiểu thêm về vùng đất Bình Định thông qua những tác phẩm điêu khắc Champa mang phong cách tháp Mẫm, hay còn gọi là phong cách Bình Định”, ông Bùi Tĩnh chia sẻ.
NGỌC NHUẬN