Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà nghiên cứu hát bội Vũ Ngọc Liễn (1924 - 2024):
Vũ Ngọc Liễn, nghiệm sinh và nhân cách
Gọi Vũ Ngọc Liễn là “Nhà Đào Tấn học” không chỉ vì ông có nhiều tác phẩm nghiên cứu về Đào Tấn, mà chính vì ông đã chọn Đào Tấn và nghệ thuật hát bội của cụ Đào như một nghiệm sinh của mình. Vũ Ngọc Liễn đọc Đào Tấn, học Đào Tấn, nghiên cứu Đào Tấn và cuối cùng ông chiêm nghiệm Đào Tấn, rồi có thể ông thiền Đào Tấn, thường khi là với một nụ cười lặng lẽ. Nó mất của ông cả đời người. Và được cho ông cũng cả đời người.
Từ ngày về Quy Nhơn năm 1979, vợ chồng tôi đã thân thiết với ông Vũ Ngọc Liễn khi tôi là bạn vong niên với “ông già” mà tính tình rất trẻ này.Trong nhiều năm thời bao cấp khốn khó, gần như ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau. Chuyện trò, đàm đạo, kiếm xị rượu lai rai, nói với nhau bao điều gan ruột, tình thân của mấy đứa tôi với ông Vũ Ngọc Liễn là vậy. Rồi những năm cuối cùng tôi ở Quy Nhơn, cơ quan tôi đã xảy ra cuộc đấu tranh để bảo vệ sự trong sạch của những người làm văn nghệ, thì mấy anh em tôi càng thân thiết với ông Liễn. Dù không ở Hội Văn nghệ, nhưng ông Liễn luôn quan tâm tới “cuộc đấu tranh” này, và ông mạnh mẽ đứng về phía những người trung trực.
Gần đây, tự nhiên tôi tìm được một bài viết của anh Trần Hinh, một kỹ sư giao thông và một nhạc sĩ, là bạn thân của ông Liễn và chúng tôi, bài viết về ông Vũ Ngọc Liễn với những ngưỡng mộ thật đằm thắm của một người bạn. Xin trích vài đoạn ngắn trong bài viết này:
“Có một dịp, các anh Nguyễn Đức Quyền, Lê Xuân Lít và tôi (anh Trần Hinh) đến thăm nhà Đào Tấn, người chắt nội của cụ Đào là Đào Phi Phụng có cho chúng tôi xem những sắc phong Đào Tấn của triều đình Huế và cây gậy chống của cụ Đào có khắc một bài thơ tứ tuyệt xung quanh phần đầu cây gậy. Tôi phỏng dịch thành thơ dựa vào bản dịch nghĩa của anh Liễn, đã được đăng trên tạp chí Kiến thức Ngày Nay, có kèm theo bài viết của anh Nguyễn Đức Quyền. Dù anh Liễn nói bài thơ đó rất hay, dù được khắc lên cây gậy của cụ Đào Tấn nhưng anh Liễn vẫn khuyên không nên vội cho đó là bài thơ của cụ Đào Tấn vì không tìm thấy một tư liệu nào để xác minh điều đó”.
Nhà nghiên cứu hát bội Vũ Ngọc Liễn. Ảnh tư liệu
Trong đôi lần trò chuyện với tôi, anh Liễn cho rằng sự thận trọng như vậy là một thái độ khoa học cần phải có trong nghiên cứu văn học nghệ thuật. Nghiêm túc và ngay thẳng thì phải như vậy và điều đó thật ra là rất cơ bản mà người làm khoa học nào cũng phải nằm lòng.
Từ chi tiết nhỏ này tôi tin rằng những gì được anh Liễn nghiên cứu và công bố đều có căn cứ xác thực, đáng tin cậy. Như cá nhân tôi thì tôi tuyệt đối tin cậy. Cũng có một đôi lần hồ nghi nhưng rồi khi xác tín, đối chiếu, tham khảo, giải thích dưới nhiều góc nhìn khác nhau, từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau, tôi thấy vấn đề Vũ Ngọc Liễn nêu ra giàu tinh thần khách quan khoa học. Những trải nghiệm đó cho phép tôi nặng lòng tin ông.
Có một đoạn trong bài viết của anh Trần Hinh khiến tôi rất xúc động, đoạn ấy kể về chuyện chị Thúy Băng, vợ anh Văn Cao, trong thời gian chị Băng công tác cùng cơ quan với ông Vũ Ngọc Liễn:
Khi anh Vũ Ngọc Liễn làm trưởng phòng nghệ thuật sân khấu (kiêm tư liệu) Bộ Văn hóa, chị Nghiêm Thúy Băng, vợ nhà thơ Văn Cao là nhân viên có phân trần với anh Vũ Ngọc Liễn về việc Văn Cao có ớt mới ăn được cơm, nhưng không đủ tiền đi chợ thì tiền đâu còn để mua ớt. Nghe chị Văn Cao nói, anh Liễn rất đau lòng. Một hôm anh Thiết Vũ, một dịch giả đến trình trước anh Liễn bản dịch để nhận tiền nhuận bút được tính bằng số từ đã dịch ra tiếng Việt. Anh Liễn bảo Thiết Vũ … kê khống thêm một số từ để có ít tiền giúp Văn Cao. Chị Văn Cao đã nhận số tiền ấy về mua ớt cho Văn Cao khi ăn cơm. Việc làm không đúng với tính cách thường thấy ở anh Liễn khiến nhiều người thương yêu anh hơn.
Ông Vũ Ngọc Liễn là vậy. Người như thế, làm sao đám trẻ chúng tôi không yêu quý, không gắn bó với ông cho tới ngày ông qua đời.
Ngày 2.9.2012, ông Vũ Ngọc Liễn được trao Giải thưởng Nhà nước.
Trưa ngày 28 tháng 11 năm 2013, ông Liễn đột ngột qua đời trước sự bàng hoàng và thương tiếc của gia đình, bạn bè và những người yêu quý ngưỡng mộ ông. Cuộc ra đi cuối cùng của ông Vũ Ngọc Liễn nhẹ nhàng và thanh thản vô cùng. Theo nhận định của một nhà Hán học, một người hiền của xứ Quảng Ngãi là cụ Lê Hồng Long, thì đó là cách ra đi của một người trung chính.
Vâng, ông Vũ Ngọc Liễn là như vậy.
THANH THẢO