Ngành gỗ xuất khẩu thay đổi để thích ứng
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2024 của Bình Ðịnh tăng trưởng cao và dự báo sẽ duy trì đà này cho tới cuối năm. Tuy nhiên, với những quy định mới từ Liên minh châu Âu, DN ngành chế biến gỗ phải thích nghi để đáp ứng các yêu cầu khắt khe.
Xuất khẩu gỗ tăng trưởng tốt
Hiện Bình Định có 167,6 nghìn ha rừng trồng, trong đó có gần 20.000 ha rừng trồng có chứng chỉ FSC, đáp ứng một phần nhu cầu nguyên liệu. Theo báo cáo của Sở Công Thương, 11 tháng năm 2024, giá trị gỗ nguyên liệu xuất khẩu của tỉnh đạt 314,9 triệu USD, tăng 113,3 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn (thứ 2 từ trái sang) tham quan nhà máy mới của Công ty TNHH Thương mại Hoàng Giang. Ảnh: HẢI YẾN
Toàn tỉnh có hơn 350 DN, cơ sở chế biến gỗ, sử dụng khoảng 30.000 lao động, tập trung chủ yếu tại TP Quy Nhơn, TX Hoài Nhơn, các huyện Tuy Phước, Phù Cát. Trong đó, có 150 DN thành viên Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ, cung cấp nguyên liệu, máy móc, thiết bị, hóa chất, bao bì, dịch vụ, logistics… Hầu hết các DN áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, môi trường, gỗ chứng chỉ và trách nhiệm xã hội DN: ISO 9001, FSC/VFCS-PEFC (CoC/FM), BSCI, SMETA, CTPAT…
Để phát triển thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, các DN ngành chế biến gỗ trong tỉnh đã phát triển thương mại điện tử, kết hợp giữa bán hàng truyền thống và trực tuyến. Trong 11 tháng đầu năm 2024, các DN Bình Định xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 856 triệu USD sang hơn 100 quốc gia, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm khoảng 61,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh.
Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch FPA Bình Định, cho biết: Để các DN tiếp cận với các đối tác mới, mở rộng thị trường xuất khẩu, chúng tôi duy trì tổ chức sự kiện xúc tiến xuất khẩu và đầu tư quan trọng nhất của ngành gỗ Bình Định là Hội chợ quốc tế hàng phong cách ngoài trời tại Quy Nhơn (Q-FAIR) vào đầu tháng 3 hằng năm. Riêng năm 2024, hội chợ có quy mô hơn 1.200 gian hàng trưng bày, triển lãm, thu hút hàng trăm DN quốc tế và hơn chục nghìn lượt khách tham quan.
Thay đổi để thích ứng
Tuy có đơn hàng sản xuất, song các DN dự báo thời gian tới sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, bởi tình hình thế giới tiếp tục có những biến động phức tạp, khó lường. Xung đột giữa các quốc gia tác động khiến giá cước vận tải biển tăng cao, dẫn đến giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng, đẩy giá thành sản phẩm tăng.
Tuy vậy, một tin đáng quan tâm là Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố đề xuất hoãn thực thi Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR), nhằm tạo điều kiện cho tất cả DN, các quốc gia thứ ba và các bên liên quan khác có thêm thời gian chuẩn bị thích ứng với EUDR. Dự kiến, quy định EUDR sẽ bắt đầu thực thi vào ngày 30.12.2025, với 7 nhóm mặt hàng thuộc phạm vi kiểm soát, gồm: Dầu cọ, gia súc, cà phê, cao su, gỗ, ca cao và đậu nành; trong đó Việt Nam có 3 mặt hàng là cà phê, gỗ và cao su.
Theo ông Thiện, các DN gỗ của tỉnh phải có hệ thống trách nhiệm giải trình (DDS) để đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của EUDR. Quy định này làm phát sinh thách thức mới với DN sản xuất sản phẩm gỗ, khi cùng với việc thực hiện trách nhiệm giải trình bảo đảm nguyên liệu gỗ hợp pháp, DN còn phải cung cấp bằng chứng về tọa độ địa lý đến từng khoảnh rừng để chứng minh gỗ nguyên liệu được khai thác không gây mất rừng và suy thoái rừng. EUDR cũng yêu cầu các DN phải báo cáo công khai hằng năm về hệ thống giải trình và các công việc đã làm để hoàn thành trách nhiệm này.
Để kịp thích ứng với những quy định mới và đảm bảo tiến độ giao hàng, nhiều DN đã thay đổi. Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại và xây dựng Thiên Phát (TX Hoài Nhơn) cho biết: Công ty liên tục nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị đạt tiêu chuẩn của đối tác. Hiện cơ sở rộng 10,2 ha, với 8 nhà xưởng, 15 dây chuyền sản xuất gỗ hiện đại, đạt công suất 2.000 container/năm. Công ty xây dựng quy trình, hệ thống kiểm soát chất lượng chặt chẽ từ đầu vào tới đầu ra và có 1.200 nhân viên lành nghề. Công ty luôn cam kết thẩm định chuỗi cung ứng do EUDR yêu cầu. Bản cam kết này đóng vai trò như một “hộ chiếu” để sản phẩm được lưu thông tự do tại thị trường châu Âu. Để hoàn thiện bản cam kết này, DN phải trải qua một quá trình phức tạp và tốn kém nhưng buộc phải làm.
Trong khi đó, Công ty TNHH Thương mại Hoàng Giang (Tuy Phước) vừa đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất sản phẩm đan nhựa giả mây và hoàn thiện sản phẩm gỗ nội thất có công suất 500 nghìn sản phẩm/năm với vốn đầu tư 60 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 800 lao động. Nắm bắt các quy định mới, ông Phan Hồng Quý, Giám đốc Công ty, chia sẻ: Công ty đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 32 triệu USD, bên cạnh đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, chúng tôi còn phải tuân thủ tất cả các quy định luật pháp của Việt Nam và của đối tác như: Quyền sử dụng đất hợp pháp; vấn đề về lao động; chứng minh các vấn đề về bảo vệ môi trường như đánh giá tác động môi trường, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ luật pháp…, đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
HẢI YẾN