Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ CKII Ðào Văn Nhân: Cứ cứu được người là tôi hạnh phúc!
Bị hấp dẫn bởi phẫu thuật thần kinh, nhưng bác sĩ CKII Ðào Văn Nhân, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống (BVÐK tỉnh) tâm sự, phẫu thuật này không có cơ hội sửa sai, không thể làm lại, nên tôi luôn dặn mình và đội ngũ bác sĩ phải hết sức cẩn trọng từng động tác trong ca mổ. Ông là 1 trong 7 bác sĩ, dược sĩ của tỉnh vừa được phong tặng Thầy thuốc Ưu tú, cuối năm 2024.
Luôn có mặt trong các cuộc mổ phình mạch não
Bác sĩ Nhân mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng thủ thuật kẹp túi phình động mạch qua hệ thống kính vi phẫu. Đây là đề tài ông nghiên cứu thực hiện từ năm 2013, được báo cáo tại các kỳ hội nghị phẫu thuật thần kinh toàn quốc năm 2014, 2015, 2016. Đến năm 2024, tại Hội nghị khoa học phẫu thuật thần kinh cho bác sĩ trẻ toàn quốc lần thứ 2 diễn ra tại tỉnh Điện Biên, đề tài này vẫn tiếp tục gây bất ngờ…
▪ Vì sao một thủ thuật đã được khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống (BVĐK tỉnh) áp dụng thường quy hơn chục năm nay vẫn gây bất ngờ, thưa ông?
- Phẫu thuật kẹp túi phình động mạch não qua hệ thống kính vi phẫu bằng đường mổ xâm lấn tối thiểu, chỉ dài 3 cm so với đường mổ hở trước đây dài 12 - 15 cm, cắt mở sọ nhỏ hơn, thời gian mổ nhanh hơn, do đó sử dụng thuốc kháng sinh giảm, thời gian hậu phẫu rút ngắn hơn 3 - 5 ngày so với cách làm cũ. Với đường mổ này, bệnh nhân không phải cạo đầu, do đó giảm mặc cảm bệnh tật. Chúng tôi gọi đây là ứng dụng phẫu thuật thẩm mỹ trong phẫu thuật thần kinh với bệnh lý mổ phình mạch máu não vỡ, hay là “đường mổ lỗ khóa”. Đặc biệt, kỹ thuật này đòi hỏi bác sĩ phải có kỹ năng tốt, am tường kiến thức giải phẫu, khéo léo, sự phối hợp nhịp nhàng giữa bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ gây mê. Đến nay, chúng tôi đã triển khai thành công cho gần 500 bệnh nhân.
Bác sĩ Đào Văn Nhân (bên trái) trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân bị phình động mạch não, chiều 18.2. Ảnh: M.H
Thêm một điểm nữa, phẫu thuật túi phình mạch não thách thức rất cao, chỉ cần thao tác vén não, bóc tách bộc lộ mạch máu không tốt gây chảy máu thì bác sĩ “tối tăm mặt mũi” ngay. Đường mổ càng nhỏ thì tiếp cận túi phình mạch não và xử lý càng khó. Thế nên, có rất ít bệnh viện trong nước thực hiện phẫu thuật này.
▪ Ông gặp những khó khăn nào khi triển khai phẫu thuật này…
- Thời điểm tôi học xong rồi về bệnh viện triển khai, mọi người rất “nghi ngờ”. Ngay đồng nghiệp phụ tôi làm đường mổ lớn kẹp túi phình động mạch cũng thấy ái ngại cho tôi. Nhưng tính tôi thích chinh phục những thách thức mang lại hiệu quả điều trị tốt hơn cho bệnh nhân. Đến năm 2016, khi được hưởng lợi từ dự án JICA (Nhật Bản), bệnh viện có được bộ dụng cụ phẫu thuật vi phẫu đặc dụng cho phẫu thuật não đường mổ nhỏ, nhờ đó việc phẫu thuật của tôi cũng đỡ cực hơn.
Phẫu thuật đòi hỏi “nhanh tay, lẹ mắt”, phải phán đoán nhanh xử lý tình huống thật lẹ, chỉ trong một đến vài phút. Vậy nên ngoài tôi, hiện mới chỉ có thêm 3 bác sĩ “trẻ” được đào tạo tại chỗ theo cách “cầm tay chỉ việc” thực hiện được phẫu thuật này. Gọi “trẻ” là nói vui thế thôi, chứ họ đã về khoa cũng trên chục năm rồi. Một số ca tiên lượng tiếp cận túi phình dễ, hướng thuận lợi, thì bác sĩ “trẻ” đứng mổ chính, nhưng tôi luôn có mặt trong phòng mổ sẵn sàng hỗ trợ, bởi phẫu thuật não hay có những bất trắc, ảnh hưởng tính mạng bệnh nhân mà mình không thể tiên lượng được hết ngay từ đầu.
Thường xuyên nghiên cứu, sáng tạo để phục vụ bệnh nhân tốt hơn
Bác sĩ Nhân sở hữu “gia tài” 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, đồng thời mỗi năm thực hiện 1 - 2 đề tài khoa học báo cáo tại các hội nghị phẫu thuật thần kinh toàn quốc. “Tôi mê nghiên cứu, và nghiên cứu nào cũng tập trung vào mục tiêu phục vụ bệnh nhân tốt hơn”, ông chia sẻ.
▪ Ông có thể nói thêm về hiệu quả của những nghiên cứu…
Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ CKII Đào Văn Nhân (SN 1972, tại xã Cát Tường, huyện Phù Cát). Ông công tác tại BVĐK tỉnh từ năm 1997, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Y Huế.
Ông là tác giả của nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh; 5 lần được Tổng LĐLĐ Việt Nam trao tặng Bằng khen và Huy hiệu “Lao động sáng tạo”; giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Định lần thứ X, XI và giải ba Hội thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật toàn quốc lần thứ XV.
- Ngoài phẫu thuật can thiệp tối thiểu sọ não, hiện khoa đã triển khai thường quy nhiều kỹ thuật phẫu thuật can thiệp tối thiểu về cột sống. Như bệnh lý thoát vị đĩa đệm, từ mổ hở đến mổ qua các ống banh nong, vi phẫu, rồi từ vi phẫu sang nội soi qua một cổng và hiện đang triển khai nội soi 2 cổng, bệnh nhân có thể đi lại 4 - 6 giờ sau mổ và xuất viện chỉ sau 1 - 2 ngày.
Hay những phẫu thuật về chấn thương cột sống, gãy cột sống, thay vì mổ hở dài 15 - 20 cm, thì nay bắt vít qua da cố định cột sống có vết mổ nhỏ hơn rất nhiều (1,5 cm cho từng vị trí), bệnh nhân ít đau và phục hồi nhanh, chỉ từ 3 - 5 ngày là xuất viện nên giảm chi phí điều trị. Đây cũng là công trình nghiên cứu đạt giải ba Hội thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật toàn quốc lần thứ XV (2018 - 2019) và được công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam.
▪ Tuy nhiên, tâm lý của hầu hết bệnh nhân khu vực miền Trung, trong đó có Bình Định cứ hễ bệnh nặng là đi TP Hồ Chí Minh…
- Đây cũng là điều chúng tôi trăn trở. Có thể tâm lý gia đình bệnh nhân lo lắng, thôi thì cứ vào bệnh viện tuyến cuối ở TP Hồ Chí Minh là tốt nhất. Tuy nhiên, hiện khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống đã giải quyết được 90% mặt bệnh. Nhiều phẫu thuật như tôi nói ở trên có rất ít bệnh viện trong nước thực hiện được. 10% mặt bệnh còn lại tôi đang ấp ủ là phẫu thuật thần kinh chức năng, động kinh kháng thuốc, parkinson kháng thuốc. Để làm được điều này, ngoài nỗ lực tự thân của mình còn đòi hỏi phải có thiết bị hiện đại, phải có thêm ê kíp phối hợp đa chuyên ngành…
“Bắt” bác sĩ trẻ ở… nội trú trong bệnh viện
Bác sĩ Nhân là lứa bác sĩ đời đầu của khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống, BVĐK tỉnh. Ông bị phẫu thuật thần kinh hấp dẫn bởi sự tinh tế, tỉ mỉ, đặc biệt bệnh học thần kinh cực kỳ khó. Ông khẳng định, dù kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại thì lâm sàng là cực kỳ quan trọng, máy móc không thể thay thế bác sĩ!
▪ Thế nên mới có chuyện ông yêu cầu tất cả bác sĩ trẻ mới ra trường chưa có gia đình phải ở nội trú tại khoa…
- Đặc thù của bác sĩ phẫu thuật là đường mổ “đi đến đâu phải biết đến đó”. Đặc biệt phẫu thuật não và cột sống không có cơ hội làm lại, không có cơ hội sửa sai, sơ sẩy một chút là trả giá bằng tàn phế, bằng tính mạng bệnh nhân. Cho nên, phải rất cẩn thận trong từng chi tiết. Bác sĩ có kiến thức tốt, kỹ năng giỏi thì mới tránh được sai sót, giúp ích cho bệnh nhân. Muốn thế, bác sĩ phải va chạm nhiều, tiếp xúc nhiều với bệnh nhân để giỏi nghề.
Bác sĩ Đào Văn Nhân (bìa trái) trao đổi chuyên môn với các bác sĩ trẻ. Ảnh: M.H
Vì vậy, tôi yêu cầu bác sĩ trẻ mới về khoa chưa lập gia đình đều phải ở nội trú tại khoa, có ca cấp cứu nào thì đều theo học bất cứ lúc nào, điều này giúp bác sĩ trẻ học được rất nhiều thứ, trong một thời gian ngắn có thể bước được bước rất dài. Tôi hay nói với họ: “Một năm ở trong bệnh viện bằng 3 - 4 năm ở bên ngoài” là vậy!
Chưa hết, hiện khoa có 108 giường bệnh, bệnh nhân luôn vượt công suất, trong khi khoa chỉ có 14 bác sĩ, thiếu 4 bác sĩ. Nhưng tiêu chí của tôi là tuyển bác sĩ diện thu hút theo chính sách của tỉnh từ 3 trường ĐH Y Hà Hội, TP Hồ Chí Minh, Huế. Tôi chấp nhận thiếu bác sĩ, còn đã tuyển thì phải tinh nhuệ, còn hơn là tuyển nhiều mà “thiếu vẫn thiếu, thừa cứ thừa”.
▪ Ông vừa được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú, hẳn đây là một hành trình dài với rất nhiều niềm vui?
- Đúng, như chị nói. Đây là một hành trình dài, rất vui, rất hạnh phúc. Nhưng tôi cũng còn có niềm vui lớn hơn. Đó là mổ được một ca thành công, cứu được bệnh nhân, đưa họ trở lại với cuộc sống thì đó là hạnh phúc! Cứ cứu được người là tôi hạnh phúc, niềm hạnh phúc ấy kéo dài rất nhiều ngày sau ca mổ thành công!
Cũng chia sẻ thêm, tôi còn có một niềm hạnh phúc nữa là hai con trai của tôi đang theo học trường y ở TP Hồ Chí Minh.
▪ Tôi đang rất tò mò, ngoài công việc, ông có sở thích nào?
- (Cười). Tôi là người rèn luyện thể thao rất bền bỉ đấy. Chạy bộ, bơi lội, đạp xe, tập gym đều rèn tất. Từ hồi học đại học cho tới giờ, rất ít khi tôi bỏ bữa tập nào. Phải rèn luyện sức khỏe bền bỉ để tạo cho mình ý chí, năng lượng tích cực, hay đơn giản là có thể “đứng được ở phòng mổ cả ngày”.
▪ Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
MAI HOÀNG (Thực hiện