Tự hào “chim én” anh hùng
Là một trong hai nữ Anh hùng LLVT nhân dân của tỉnh tham dự cuộc gặp mặt giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và 138 nữ Anh hùng LLVT, nữ Anh hùng Lao động, nữ tướng nhân kỷ niệm 115 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ, 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), “chim én” anh hùng Võ Thị Huy cho rằng đây không chỉ là niềm tự hào của riêng bản thân mà còn là sự ghi nhận của Ðảng - Nhà nước về đóng góp của đội Chim Én trong sự nghiệp cách mạng bảo vệ quê hương đất nước.
Bà Võ Thị Huy (bìa phải) cùng đồng đội trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: NVCC
Tự hào về vai trò của phụ nữ
Theo bà Võ Thị Huy, đây là lần đầu tiên bà được vinh dự tham dự buổi gặp mặt với nguyên thủ quốc gia. Ngoài sự tiếp đón chu đáo, những lời nhắn nhủ, gởi gắm của Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của phụ nữ không chỉ ở LLVT mà còn ở mọi lĩnh vực của xã hội trong xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước.
● Lần đầu tiên đến thủ đô và cũng là lần đầu gặp mặt Thủ tướng Chính phủ với vai trò là nữ Anh hùng LLVT, hẳn buổi gặp mặt đã mang lại cho bà nhiều cảm xúc?
- Chúng tôi đến và lưu lại thủ đô Hà Nội chỉ khoảng một ngày đêm, dù vậy, đối với tôi, đây là kỷ niệm thật đẹp, không bao giờ quên. Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhắc lại lời khẳng định của Bác Hồ rằng “Dân tộc Việt Nam là dân tộc anh hùng, phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng”. Thêm nữa, Thủ tướng đã khẳng định phẩm chất “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam luôn được chứng minh trong suốt chiều dài lịch sử vẻ vang của dân tộc ta.
Chúng tôi còn được biết thông tin để nắm bắt kỹ hơn về tình hình phát triển KT-XH, vị thế của đất nước hiện nay. Điều này làm chúng tôi rất xúc động, tự hào và cảm thấy những hy sinh của mình thật xứng đáng khi chứng kiến đất nước ngày càng tươi đẹp, phát triển mạnh mẽ.
● Còn với vai trò là nguyên Chủ tịch Hội LHPN TX Hoài Nhơn, bà nhận thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về phụ nữ và công tác phụ nữ thời gian qua như thế nào thưa bà?
- Dù bây giờ tôi đã nghỉ hưu, trở về vui vầy với gia đình nhưng được biết công tác chăm lo cho phụ nữ ngày càng toàn diện. Không đâu xa xôi, tại Bình Định nói chung và Hoài Nhơn nói riêng, Hội LHPN vừa làm chỗ dựa tinh thần cho nhiều phụ nữ, giải quyết các vấn đề cấp thiết liên quan đến giới và bình đẳng giới, đồng thời tích cực hỗ trợ phụ nữ nghèo khó vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, làm điểm tựa cho các ý tưởng khởi nghiệp... Cùng với đó, tỷ lệ cán bộ quản lý, lãnh đạo trong các cơ quan Đảng và Nhà nước dần nâng cao về số lượng lẫn chất lượng.
Điều đó thật đúng với lời Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định tại buổi gặp mặt rằng Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của phụ nữ và công tác phụ nữ với nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cường vai trò và quyền của phụ nữ.
● Bà có thể chia sẻ đôi nét về không khí của buổi gặp mặt với nguyên thủ quốc gia?
- Dù chương trình tổ chức rất long trọng tại thủ đô nhưng không khí lại rất ấm áp, gần gũi. Ngoài được Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành thăm hỏi, chị em chúng tôi được trò chuyện với nhau như những người thân tình dù mỗi người đến từ mỗi địa phương, mỗi vị trí, vai trò, lĩnh vực.
Bà Võ Thị Huy lần đầu tiên được tham gia buổi gặp mặt với Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Hội LHPN tỉnh
Tại đây, không chỉ có nữ Anh hùng LLVT mà còn có nữ Anh hùng lao động, nữ tướng, các nhà khoa học, nữ doanh nhân. Gác lại những đau thương của quá khứ, chúng tôi kể cho nhau cuộc sống hiện tại của mỗi người. Chúng tôi còn lưu thông tin liên hệ của nhau để có thể tiếp tục chia sẻ những niềm vui đời thường, động viên nhau nuôi dạy con cháu trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội.
Gìn giữ, tiếp nối
Trước tình cảnh giặc giày xéo trên mảnh đất quê hương, mang đến nhiều cái chết thương tâm, năm 1969, khi vừa tròn 15 tuổi, cô gái nhỏ Võ Thị Huy quyết định tham gia đội du kích quyết tử mang tên Chim Én (Huyện đội Hoài Nhơn). Ngoài nhiệm vụ trừ gian diệt ác, bà cùng đồng đội còn làm liên lạc hợp pháp, theo dõi tình hình địch, trinh sát mục tiêu. Đến cuối năm 1971, đội Chim Én đã diệt 9 tên ác ôn, làm bị thương nhiều tên khác, phá 2 khu dồn dân góp phần đưa dân về làng cũ.
● Thưa bà, trong bom đạn chiến tranh, có phải mọi người đều phải ở trong tình thế “tuổi nhỏ làm việc lớn”?
- Chúng tôi lớn lên trên quê hương anh hùng cách mạng, ngọn lửa ý chí giữ gìn quê hương đất nước được nung nấu qua nhiều đời. Năm 1969, trong công cuộc “bình định cấp tốc”, kẻ thù đã giết hại 18 thanh niên địa phương để đe dọa, ngăn chặn phong trào đấu tranh của nhân dân. Căm thù bọn địch, năm ấy, đội Chim Én được thành lập có tất cả 15 thành viên. Hầu như ai cũng bé xíu khoảng từ 12 - 15 tuổi nhưng ý chí chiến đấu bảo vệ người thân, xóm làng, quê hương luôn hừng hực cho nên ai nấy cũng đều cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao cho bằng được.
Sau khi gia nhập đội, tôi được phân công nhiệm vụ luồn sâu vào lòng địch để diệt ác, trừ gian. Tất nhiên, có những nỗi sợ nhưng lòng căm thù giặc, mong ước về một ngày hòa bình quá lớn lao đã tiếp thêm sức mạnh giúp tôi và đồng đội “quyết tử vì Tổ quốc quyết sinh”!
● Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại đội Chim Én, giây phút nào bà cảm nhận được rõ ràng sự khốc liệt, mất mát nhất?
- Chiến tranh thì luôn khốc liệt nhưng trận phục kích diệt tên Nguyễn Hưng, ấp trưởng Ngọc An, kiêm giám thị trại giam Chi khu quân sự Tam Quan tại ga Ngọc An vào năm 1970 đã cướp đi 3 người đồng đội là Phạm Thị Đào, Ngọc Thị Yến và Võ Phước khiến chúng tôi cảm nhận được sự mất mát vô cùng to lớn.
Bà Võ Thị Huy (SN 1954, ở phường Hoài Thanh, TX Hoài Nhơn) tham gia đội du kích quyết tử Chim Én vào năm 1969; được phong danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vào năm 1978. Từ năm 1982 - 2009, bà công tác tại Hội LHPN TX Hoài Nhơn. Năm 2015, đội Chim Én được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Sau sự kiện đó, bọn ngụy quân khiếp sợ nên rất đề phòng cảnh giác, đặc biệt với các thiếu niên. Còn về phía ta, trong không khí đau thương không làm cho các thiếu niên sờn lòng nản chí mà càng quyết tâm trả thù cho đồng đội, quyết tâm giành lại hòa bình cho quê hương.
Cuối năm 1971, ngoài các đội viên đã thương vong trong chiến đấu, các đội viên khác đã đến tuổi trưởng thành. Đội viên thanh niên được bổ sung về các đơn vị chiến đấu, tôi được điều động về Huyện đội và sau đó lại tiếp tục được điều động về các đơn vị chiến đấu khác cho đến ngày hòa bình. Dù ở vị trí nào, chúng tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, chờ mong đến ngày giải phóng.
● Sau tất cả những hy sinh, cống hiến, bà có thể nhắn nhủ đôi lời với thế hệ trẻ, đặc biệt là phụ nữ trẻ, thưa bà?
- Tôi không biết những điều tôi nhắn nhủ có cũ so với nhịp sống hiện tại không. Nhưng với tâm thế là một người đã đi qua thời chiến, tôi mong muốn thế hệ trẻ nói chung và phụ nữ trẻ nói riêng cố gắng phát huy truyền thống Bà Trưng - Bà Triệu, nỗ lực hoàn thiện, phát triển bản thân học tập, làm việc thật tốt để góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp.
Thời chúng tôi đã hy sinh xương máu để gìn giữ nền độc lập, tự do của dân tộc, mong rằng thế hệ trẻ, thế hệ tương lai chung tay xây dựng Tổ quốc ngày càng phát triển. Hơn nữa dù chiến tranh đã đi qua nhưng phải nâng cao tinh thần cảnh giác, tỉnh táo trước mọi âm mưu của các thế lực thù địch, góp phần chung tay giữ vững hòa bình dân tộc.
● Xin chân thành cảm ơn bà!
THẢO KHUY (Thực hiện)