Người Bình Ðịnh làm giàu ở Tây Nguyên
Rời quê hương Bình Ðịnh với hai bàn tay trắng, hàng trăm hộ gia đình đã chọn vùng đất Cung Kiệm (trước đây là xã Ðoàn Kết, huyện Krông Búk; nay là hai phường Ðoàn Kết và An Bình, TX Buôn Hồ, tỉnh Ðắk Lắk) làm quê hương thứ hai. Với bản tính cần cù, siêng năng, đa số họ đã vươn lên làm giàu ở vùng đất mới.
Trước năm 2009, xã Đoàn Kết của huyện Krông Búk có trên 90% dân số là người Bình Định. Sau khi nhập về TX Buôn Hồ và được chia tách, phường Đoàn Kết có 4/6 tổ dân phố (tổ 1, 2, 3, 4), với gần 700 hộ dân, đều là người Bình Định; còn phường An Bình thì có 2/12 tổ dân phố (tổ 11, 12), với 220 hộ dân, quê Bình Định.
Tổ dân phố 12, phường An Bình, có hầu hết người dân đang sinh sống là người gốc Bình Định.
Khởi đầu gian nan
Người Bình Định bắt đầu lên vùng đất Tây Nguyên lập nghiệp từ trước giải phóng, trong đó, nhiều nhất là thời điểm năm 1959. Gia đình ông Nguyễn Văn Đặm (62 tuổi, quê ở xã Ân Tín, huyện Hoài Ân; hiện ở tổ 2, phường Đoàn Kết) là một trong số đó.
Ông Đặm kể lại, thời điểm đó, cha mẹ ông dẫn theo 5 người con (lúc đó ông mới 5 tuổi), cùng nhiều gia đình khác ở các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước, An Nhơn kéo nhau lên vùng đất mới có tên gọi Cung Kiệm này lập nghiệp. Lúc ấy, vùng đất này còn hoang sơ, toàn cây rừng, tranh, tre, nứa; thời tiết lại khắc nghiệt; những người mới đến lại không rành đường đi nước bước nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Nhưng với suy nghĩ, đã ra đi thì phải thành công, dù khó khăn cũng không lùi bước, những người Bình Định bắt tay nhau đoàn kết, quyết tâm khai phá vùng đất mới này và hứa hẹn sẽ cùng nhau làm giàu.
Ông Nguyễn Hữu Lộc bên vườn hồ tiêu 3,5 ha, mỗi năm thu về 2-3 tỉ đồng.
Vậy là, ngoài diện tích đất được khoán 3 sào/hộ, bà con đã khai phá, cải tạo rừng hoang để có thêm diện tích trồng lúa và các loại cây hoa màu như bắp, đậu xanh. Đất không phụ lòng người. Nhờ đất tốt, cộng với bàn tay cần mẫn chăm sóc, mùa nào người dân cũng có sản phẩm thu hoạch. Dẫu vậy, thời điểm đó, nông sản làm ra chỉ để dùng là chính chứ không bán được. Mãi đến năm 1968-1969, khi cây cà phê được đưa về trồng, người dân nơi đây mới có thu nhập ổn định nhờ giá trị kinh tế cao mà cây cà phê mang lại. Sau cây cà phê đến cây tiêu và các loại cây ăn trái như: bơ, sầu riêng, bưởi… đã giúp nhiều hộ dân nơi đây vươn lên làm giàu.
Ông Nguyễn Hữu Lộc (62 tuổi, quê ở xã Nhơn Phong, TX An Nhơn; hiện ở tổ 12, phường An Bình) theo gia đình lên vùng đất này lập nghiệp năm 1965, cho biết thêm: “Lúc mới lên đây, đời sống thiếu thốn đủ bề. Việc khai hoang, trồng trọt bằng sức người là chính. Đất rộng, người ít nên nhiều hộ chịu khó khai hoang, mỗi hộ có vài đến cả chục ha đất để trồng trọt”.
Vươn lên làm giàu
Ông Nguyễn Văn Đặm bảo, nhờ vùng đất mới này mà 5 anh em ông nay đã có cuộc sống ổn định, có người khá giả. Riêng gia đình ông có trên 10 ha cà phê, mỗi năm thu về hàng tỉ đồng. Năm 2002, khi cây cà phê không còn mang lại giá trị kinh tế cao ông bán bớt đất, còn lại chia cho các con. Vợ chồng ông chỉ giữ lại 3 sào để trồng tiêu, trồng bơ, thu nhập chừng 100 triệu đồng/năm, đủ chi dùng.
Là tổ trưởng tổ dân phố 2, phường Đoàn Kết, ông Đặm đọc vanh vách tên từng hộ gia đình quê Bình Định được xem là giàu có ở vùng đất này. Tổ có khoảng 150 hộ dân thì 60% số hộ thuộc diện khá, giàu của phường. Nhiều hộ mỗi năm thu về vài từ trăm triệu đến vài tỉ đồng từ trồng cà phê, tiêu và cây ăn trái.
Vườn ươm của ông Nguyễn Lắm mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 30.000 cây giống.
Cũng vậy, thu nhập từ 10 ha cà phê đã giúp gia đình ông Nguyễn Hữu Lộc lo cho 5 người con ăn học, hiện đều tốt nghiệp đại học. Nay ông chỉ giữ lại 3,5 ha và đầu tư hơn 1 tỉ đồng để chuyển từ trồng cà phê sang trồng tiêu, mỗi năm thu lãi 2-3 tỉ đồng. Ông Lộc cho hay: “Những năm gần đây, người Bình Định lên đây lập nghiệp không còn chuyên canh cà phê như trước nữa mà thay bằng những giống cây trồng khác sinh lợi nhiều hơn như hồ tiêu và các loại cây ăn trái”.
Rời vườn tiêu xanh bạt ngàn của ông Lộc, tôi tìm đến nhà của ông Nguyễn Lắm (55 tuổi, quê ở xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân; hiện ở tổ 1, phường Đoàn Kết), là một trong số ít hộ còn giữ lại diện tích đất lớn để canh tác. Với 11 ha đất, ông Lắm đang trồng tiêu, bơ, sầu riêng, bưởi và một vườn ươm mỗi năm cung ứng cho thị trường khoảng 30.000 cây giống; tổng doanh thu khoảng 7 tỉ đồng/năm, lợi nhuận đạt 4-5 tỉ đồng/năm. Ông Lắm đúc kết: “Trồng cây ăn trái loại có giá trị kinh tế cao thì chi phí chăm sóc thấp hơn nên thu lãi cao hơn so với trồng cà phê”.
Vợ chồng anh Hà Ngọc Cẩn (46 tuổi, quê ở xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân) và chị Nguyễn Thị Thanh Diệu (42 tuổi, quê ở xã Nhơn Hạnh, TX An Nhơn), hiện ở tổ 2, phường Đoàn Kết, được xem là thế hệ người Bình Định thứ ba lập nghiệp ở vùng đất Tây Nguyên này. Dù vậy, khi tiếp xúc, cả gia đình anh, chị vẫn rặt giọng Bình Định. Chị Diệu nói với vẻ tự hào: “Xung quanh đây đều là dân Bình Định hết trơn nên giọng nói không thể nào thay đổi được. Mà giọng nói cũng là đặc sản của quê hương, làm sao mà quên được”.
Hiện vợ chồng chị Diệu trồng được 2,5 ha cà phê, 2,5 ha tiêu và mở đại lý phân bón, mỗi năm thu nhập cả tỉ đồng. Nhờ vậy, vợ chồng chị đã xây được ngôi nhà mới khang trang với chi phí hơn 1,5 tỉ đồng, nuôi 2 con ăn học đến nơi đến chốn. Con gái lớn của anh chị đã tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh và đang làm giáo viên gần nhà; con trai út đang học năm thứ ba Trường Đại học Tôn Đức Thắng, TP Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Lắm (thứ hai từ trái sang) đang chia sẻ với các chủ vườn người Bình Định, về kỹ thuật chăm sóc cây bơ cho hiệu quả kinh tế cao.
Đoàn kết, giúp nhau
Xa quê lập nghiệp ở vùng đất mới, nên người Bình Định thường xuyên quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống và phát triển kinh tế. Ông Nguyễn Hữu Lộc bộc bạch: “Dù đi đâu, làm gì, chúng tôi luôn nhớ mình là con cháu của quê hương Bình Định. Vì vậy, chúng tôi đã thành lập Hội đồng hương Bình Định ở TX Buôn Hồ, mỗi năm tổ chức gặp mặt một lần để chia sẻ, giúp nhau trong cuộc sống; cũng như nắm bắt những thông tin về sự đổi thay của quê hương. Đặc biệt, chúng tôi thường xuyên giúp đỡ nhau trong định hướng trồng trọt, kỹ thuật chăm sóc các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, để cùng nhau vươn lên làm giàu”.
Ông Nguyễn Văn Đặm thì thổ lộ: “Nhiều người đã xa quê từ lâu lên đây lập nghiệp nhưng năm nào cũng đưa cả gia đình về thăm quê hương, để con cháu vẫn biết được nguồn cội, gốc gác của mình”.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Đoàn Kết, tất cả các hộ dân quê Bình Định đang sinh sống trên địa bàn phường rất cần cù, chịu khó, giúp đỡ nhau trong sản xuất; nhờ đó nhiều hộ đã làm giàu. Không những làm kinh tế giỏi, các hộ này còn hưởng ứng rất tích cực các phong trào thi đua do phường phát động, góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển về mọi mặt.
Ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND phường An Bình, cũng chung nhận xét và cho biết thêm: “Vừa rồi, phường vận động người dân đóng góp kinh phí làm đường, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo thì các hộ gia đình là người Bình Định luôn đi đầu. Không những góp tiền, họ còn đóng góp cả ngày công”.
NGUYỄN PHÚC