• Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Thể thao
  • Pháp luật
  • Văn hóa - Nghệ thuật
  • Hội nhập quốc tế
  • Du lịch
  • Tòa soạn - Bạn đọc
  • Tấm gương HCM
  • Biển đảo quê hương
  • Báo in
EnglishEnglish
Quốc Hội|Quốc phòng toàn dân|Xây dựng Đảng - Chính quyền|Hội - đoàn thể
Giáo dục|Sức khỏe|Hôn nhân - Gia đình|
An ninh - Trật tự|Pháp Luật
Giải trí|Sáng tác
Bạn đọc viết|Nhịp cầu nhân ái
Bút ký - Phóng sự - Nhân vật

Theo chân thợ giếng mùa hạn

Mùa hạn, thợ giếng vào mùa. Ở đỉnh hạn, nhiều nhóm thợ đào, khoan không ngớt việc. Theo chân họ, chúng tôi hiểu thêm về bức tranh hạn hán, câu chuyện “khát” nước của người dân và những nỗi niềm riêng của nghề tìm nước. 

Anh thợ đào Huỳnh Thúc Cường đu dây thoát khỏi đáy giếng.

Mong thợ như mong mưa

Sau nhiều năm sống trong cảnh chật vật vì giếng nhà cạn nước, phải câu nước nhờ từ giếng nhà hàng xóm, năm nay, ông Nguyễn Đình Hiểu (52 tuổi, xóm 7, thôn Trung Hậu, xã Mỹ Chánh Tây, huyện Phù Mỹ) quyết định tìm thợ khoan giếng. Mãi mới tìm được một anh thợ khoan vừa ý mọi nhẽ. Đến lúc nói đến chuyện bao giờ khoan thì biết phải hơn nửa tháng nữa. Sốt ruột, ông Hiểu nhờ người quen giới thiệu thêm. Té ra, muốn khoan giếng ai cũng phải đợi, chí ít là mười ngày, nửa tháng. Thậm chí, có nhóm thợ kín lịch khoan cho đến thời điểm giáp với mùa mưa! Chuyện xảy ra không chỉ ở Phù Mỹ mà còn có ở các huyện Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Ân, Vân Canh...

“Bà nhà tôi mong thợ đến sớm để có nước dùng, chăm cho đàn bò và đám ớt sau nhà. Nhưng mình vội, người khác cũng vội chẳng kém. Mấy đứa con đang làm việc ở TP Hồ Chí Minh biết tin quê nhà đang nắng hạn, nóng ruột, gọi về hỏi cha mẹ đã khoan giếng chưa. Tôi lắc đầu nói vui: tao với má mày đang chờ thợ giếng như quê mình chờ mưa” - ông Hiểu tâm sự.

Đợi chờ rồi khoan được giếng đã là may, chứ như anh Nguyễn Văn Long (44 tuổi, ở thôn Hội Nhơn, xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân) mới gọi là khổ trăm bề. Tìm được thợ, thợ nhận lời khoan; lúc đến khảo sát, thợ lại không nhận nữa mà còn khuyên anh Long không nên khơi sâu thêm giếng làm gì. “Anh thợ đó phân tích, nhà tôi sát núi, lại là vách núi cao. Giếng cũ đã gần chạm nền đá rồi, giờ đào thêm, sợ gặp đá bàn, đào mất công mà lại chẳng có nước, uổng tiền” - ông Long kể.

Thợ đào giếng sợ nhất là người quay xô để đưa đất, cát lên xuống giếng không chú ý, để đất đá rơi xuống, làm chấn thương người đào giếng.

- Trong ảnh: Nhóm thợ đào giếng cẩn thận đưa xô cát xuống lòng giếng để lắp bộng giếng.

Thợ khoan “đắt sô”

3 năm trước, anh Huỳnh Trọng Duy (49 tuổi, thôn Thủ Thiện Hạ, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) đầu tư gần 200 triệu đồng để sắm một giàn máy khoan giếng. Vào mùa khô, anh Duy và thợ bận rộn hơn hẳn bởi những chuyến chuyên chở giàn khoan đến “đóng chân” tại vùng thiếu nước. Tuy nhiên, chưa có năm nào mà nhu cầu khoan giếng của người dân trong vùng lại nhiều như năm nay.

“Từ tháng Giêng, nhiều gia đình đã kêu thợ khoan giếng phục vụ tưới tiêu hoặc làm nhà mới. Nhiều lúc, để kịp có nước phục vụ nhu cầu của khách, thợ và máy khoan phải làm việc thâu đêm, vậy mà vẫn không đáp ứng kịp” - anh Duy cho hay.

Thời tiết khắc nghiệt, nguồn nước ngầm suy giảm, nên để khoan trúng mạch nước cũng khó hơn trước. Có giếng, phải khoan gần một tuần mới xong. Thậm chí, nhiều giếng khoan xuống cả trăm mét cũng đành bỏ vì không lần ra mạch nước.

Chuyến công tác về xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân, vừa qua, chúng tôi cứ nhớ mãi câu chuyện khoan giếng của hộ gia đình ông Mai Xuân Hoành (59 tuổi, ở xóm Bàu Sen, thôn Phú Khương). Mất 2 tuần liền và phải khoan đến cái giếng thứ 6, nhà ông Hoành mới có được nước để dùng. “Kỳ lạ là cũng cùng trong sân nhà nhưng cả 5 cái giếng khoan trước, xuống đến độ sâu 20 - 30m vẫn không thấy nước. Đến mũi khoan thứ 6, tới độ sâu 20m thì nước trồi lên. Đợt ấy, ông thợ khoan giếng cho nhà tôi cũng méo mặt vì mấy lần bị gãy mũi khoan” - ông Hoành nhớ lại.

Anh thợ khoan Huỳnh Trọng Duy cho biết: Thợ khoan giếng sợ nhất là gặp phải đá bàn. Vào mùa này, một giếng khoan thường phải sâu đến 20m, 30m thì mới có nước dùng. Với địa hình của tỉnh ta, phần lớn chỉ cần khoan xuống 12m, 13m là gặp phải đá bàn rồi. Mũi khoan mà gặp đá dễ gãy lắm. Mà một mũi khoan hiện nay có giá tới hơn 2 triệu đồng - anh Duy chia sẻ.

Nếu không cẩn thận, thợ khoan giếng dễ bị chấn thương bởi những va chạm trong lúc lắp ráp giàn khoan.

Làm việc nơi... “âm phủ”

Có tiếng cực nhọc, hiểm nguy hơn cả là cánh thợ đào giếng. Mùa hạn, thợ đào ít có “sô” đào giếng mới nhưng lại nhiều sô cảo, vét giếng và đào sâu thêm giếng cũ. Nói về nghề của mình, cánh thợ đào giếng khái quát bằng câu: “Ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ”. Bởi “nhất thổ, nhì mộc”, nghề gì liên quan đến đất, càng đi sâu vào lòng đất thì càng cực nhọc, nguy hiểm.

Một ngày giữa tháng 6, nhóm ông Lê Văn Nhiều (71 tuổi, ở thôn Hiệp Vinh 2, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh) đào giếng tại nhà bà Trần Thị Tám (77 tuổi, cũng ở thôn Hiệp Vinh 2). Nằm gần dòng sông Hà Thanh, giếng nước sâu 8m này đào cách đây 40 năm và chưa một ngày thiếu nước. Nhưng 2 năm trở lại đây, giếng bắt đầu kiệt dù đã cảo, vét thường xuyên.

Ngoi lên từ cái giếng sâu thăm thẳm, anh thợ đào Huỳnh Thúc Cường (48 tuổi, con rể của ông Nhiều) thở dốc. Mồ hôi đổ ra như tắm trên tấm lưng đen bóng, dính đầy đất cát của anh. Anh Cường bảo, mỗi lần xuống giếng, nhất là giếng sâu, giếng cũ, ai cũng có cảm giác như bị tảng đá nặng đè lên người, tức thở. Việc đào giếng, cạo vét, lắp bộng làm mất sức gấp đôi, gấp ba trên mặt đất.

“Làm thợ đào giếng sợ nhất là người quay xô để đưa đất, cát lên - xuống giếng không chú ý, để đất đá rơi xuống. Ở độ sâu mười mấy mét, chỉ một viên đá nhỏ bằng đầu ngón tay rơi xuống trúng người cũng dẫn đến chấn thương. Mà thường thì thợ đào đều ở trần, đội nón vải vì bên dưới rất nóng, nên nếu xảy ra trường hợp như vậy thì dễ dẫn đến mất mạng hoặc tàn phế” - anh Cường nhấn mạnh.

Để theo được nghề đào giếng, ngoài sức khỏe dẻo dai, người thợ cần phải cẩn thận. Nguy hiểm rình rập ở mọi khâu, nhất là khi thợ đào giếng ở nông thôn không hề được trang bị dụng cụ bảo hộ. Ông Nguyễn Văn Thanh (55 tuổi, cũng là thợ đào giếng ở xã Canh Vinh) kể: “Có người thợ bị đất dưới đáy giếng sạt lở, lấp mất nửa người, phải chôn chân dưới lòng sâu lạnh lẽo một lúc lâu. Được đồng nghiệp cứu lên, anh khẳng định, đó là lần chết hụt và đâm ra ám ảnh, rồi bỏ nghề từ đó”.

* * *

Dù vất vả, nguy hiểm nhưng thợ đào giếng, cảo giếng và cả thợ khoan đều được chủ nhà xem trọng và chăm lo đặc biệt như cái vị trí đặc biệt của giếng nước trong gia đình. Tuy nhiên, việc khoan giếng tự phát về lâu dài sẽ dẫn đến những hậu quả xấu.

“Việc khoan giếng tự phát, không đảm bảo kỹ thuật là nguyên nhân dẫn đến nhiều giếng không cung cấp nước ổn định. Nhiều giếng khoan không thấy nước, hoặc giếng không sử dụng và không được gia cố hoặc trám lấp, đã gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Bà con cần biết rằng, thiếu nước thì còn có thể tiết kiệm lượng nước dùng hằng ngày nhưng nếu chất lượng nước giảm, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Tỉnh ta đang khảo sát và sắp tới sẽ có định hướng kịp thời cho người dân trong việc đào, khoan giếng sao cho hợp lý, sử dụng bền vững”- ông Hồ Văn Hiệp, Phó Trưởng phòng Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn, Sở TN-MT, cho biết.

NGUYỄN MUỘI

Ông Nguyễn Văn Dư (57 tuổi), thôn An Hậu, xã Ân Phong, huyện Hoài Ân, một thợ đào giếng có gần 40 năm trong nghề, cho biết: “Làm thợ đào giếng bao nhiêu năm nhưng chưa năm nào lịch kín như năm nay; từ cải tạo giếng cũ đến đào giếng mới, người ta gọi liên tục. Không những nhóm của tôi mà hầu hết cánh thợ đào giếng ở huyện từ đầu năm đến giờ, ai cũng tất bật, hết chỗ này đến chỗ khác.

Nếu nhận trọn gói từ đào đến đúc bộng bằng xi măng hay xây đá ong, xây gạch thì 900 ngàn đồng/m; nếu chỉ nhận khoán công đào, tùy sâu cạn, đất mềm hay đất cứng, mỗi cái giếng nhận từ 1,5 - 3,5 triệu đồng; nếu làm tính công thì 350 ngàn đồng/ngày, cơm ăn nước uống chủ nhà lo hết.

Đầu năm đến nay, bình quân mỗi tháng, tui thu nhập trên 8 triệu đồng. Đấy là tui làm dưỡng sức vì đã có tuổi; còn như trai trẻ, có sức cày, mỗi tháng chí ít cũng được 10 triệu đồng”.

TỐNG BÌNH

 

email
email
Chia sẻ:
Images/bookmark/facebook_48.png Images/bookmark/yahoo.jpg Images/bookmark/twitter_48.png Images/bookmark/google_48.png
top
(0)
(*) Đề nghị bạn đọc sử dụng tiếng Việt có dấu và ghi rõ địa chỉ email để Tòa soạn liên hệ khi cần thiết. Tòa soạn cảm ơn và xin tiếp thu tất cả các ý kiến mang tính xây dựng của bạn đọc.
(*)
Các tin bài khác
Khởi sắc làng biển Tam Quan Bắc  (12/6/2016)  
Ghi chép từ các quán cà phê Quy Nhơn  (5/6/2016)  
O2 - vẫn còn xa lắm  (29/5/2016)  
Một nghị lực phi thường & mênh mông tình mẹ  (22/5/2016)  
Sức sống một con đường  (15/5/2016)  
“Tính mạng của dân là trên hết”  (1/5/2016)  
Kỹ sư Ðào Trần Bằng: Luôn tìm cách để giỏi hơn hiện tại  (24/4/2016)  
Nuôi heo thời hiện đại  (17/4/2016)  
Khi người trẻ khởi nghiệp  (10/4/2016)  
Mây “hồi sinh” trên đất rừng An Lão  (3/4/2016)  
TẤM GƯƠNG HCM
ĐƯA NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG VÀO CUỘC SỐNG
CHUYỂN  ĐỔI SỐ
BÁO BÌNH ĐỊNH XUÂN QUÝ MÃO 2023
Liên hệ quảng cáo
Quảng cáo Báo Bình Định
bidiphar
Đầu tư vào Bình Định
Công báo
 
Chính trị | Kinh tế | Xã hội | Thể thao | Pháp luật | Văn hóa - Nghệ thuật | Du lịch | Khoa học - Công nghệ | Trong nước | Thế giới | Đất nước - Con người
Góp ý - Liên hệ
Đặt Báo Bình Định làm trang chủ
Font Unicode
[ Back to top ]
Bản quyền thuộc về Báo Bình Định
Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 96/GP-BTTTT của Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 25.2.2016
Tổng biên tập: TRẦN THANH HẢI
Tòa soạn: 84 Phạm Hùng, TP.Quy Nhơn
Điện thoại: 0256.3821867 - 3813573 - 3818664
E-mail:baobinhdinh1@gmail.com. Website:https://baobinhdinh.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang