“Thủ phủ” bưởi da xanh
Tuy đưa vào trồng chưa được 10 năm nhưng cây bưởi da xanh ở xã Hoài Ðức (huyện Hoài Nhơn) đã dần bén rễ, mượt mà xanh trên vùng đất phù sa ven sông Lại. Nơi đây đã thành “thủ phủ” bưởi da xanh của huyện Hoài Nhơn. Sản vật nổi tiếng bưởi Bồng Sơn năm xưa giờ đã hồi sinh trên đất Hoài Ðức hôm nay.
Một vườn bưởi da xanh ở thôn Lại Khánh Tây, xã Hoài Đức.
Từ bưởi Bồng Sơn - “vang bóng một thời”
Từ những năm 80 của thế kỷ XX, người dân Bình Định nói chung, huyện Hoài Nhơn nói riêng, mỗi khi nói về bưởi ngon, hầu như ai cũng nằm lòng đất bưởi Bồng Sơn với thương hiệu quen thuộc - bưởi Bồng Sơn. Một thời gian dài sau đó, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, đã khiến những vườn bưởi thưa dần. Nếu còn sót lại thì giống bưởi cũ cũng đã thoái hóa, hiệu quả kinh tế không cao, nên người dân không còn mặn mà chăm sóc. Từ đó, đặc sản bưởi Bồng Sơn dần đi vào quên lãng.
Cụ Nguyễn Bá Phát (85 tuổi, ở Phụ Đức, thị trấn Bồng Sơn) cho biết: Vài chục năm trước, bưởi được trồng ở khắp nơi. Trồng nhiều nhất là ở 2 thôn Phụ Đức và Trung Lương, với những vườn bưởi cả trăm gốc. Trong đó, nổi tiếng là bưởi nhà ông Hai Tựu, ông Bốn Thuật (thôn Trung Lương); ông Ba Mẫn, ông Hai Triều, ông Sáu Huân (thôn Phụ Đức)... Ông Lê Trung Thành, người dân gốc Trung Lương, hiện là Chủ tịch Hội Người cao tuổi thị trấn Bồng Sơn, nhớ lại: “Đó là giống bưởi Thanh Trà, ruột trắng, quả tròn vừa phải, nước nhiều, ngọt lịm, không chê vào đâu được”.
Vâng, “tên tuổi” bưởi Bồng Sơn đã một thời được khẳng định. Nhiều người xuôi ngược Bắc - Nam vẫn còn nhớ những quầy bưởi cao chất ngất với nhộn nhịp tiếng mời gọi ở đầu cầu Bồng Sơn cũ. Còn có giai thoại, con gái Trung Lương xinh đẹp, tóc dài da trắng nhờ... tắm nước hoa bưởi!
Còn nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, một người con của đất Bồng Sơn, thể hiện nỗi nhớ quê hương, dòng sông, sản vật quê mình bằng một ca khúc trữ tình với những ca từ da diết: “Mời cùng về Bồng Sơn, ghé thăm chợ quê mình, chợ trên cao ven sông có mùa trái cây đầu thu, ngọt hương thơm hương mít gợi nhắc nhở người xa, bưởi Trung Lương ta đó ngon thơm hương mật dòng sông…”.
Ông Hồ Ngọc Thuận, chủ vườn bưởi da xanh ở thôn Lại Khánh, bên sản phẩm của mình.
Đến “thủ phủ” bưởi da xanh Hoài Đức
Nếu như trước đây, đất bưởi ở bờ Bắc sông Lại thì bây giờ, đã dời sang phía bờ Nam. Đi dạo ven bờ Nam sông Lại, ở 2 thôn Lại Khánh và Lại Khánh Tây của xã Hoài Đức, chúng tôi nghe được cách ví von pha lẫn chút tự hào của người dân địa phương, rằng nơi đây là “thủ phủ” bưởi da xanh của huyện Hoài Nhơn và của tỉnh Bình Định.
“Dù hiệu quả kinh tế của cây bưởi da xanh ở đây đã quá rõ nhưng để phát triển thành một vùng bưởi đặc sản thì phải có một lộ trình dài, bước đi bài bản, kế hoạch cụ thể, phù hợp”
Chị Võ Thị Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoài Đức, phấn khởi cho biết: “Phong trào trồng bưởi da xanh (giống bưởi đưa về từ miền Tây Nam bộ) ở địa phương bắt đầu từ năm 2009, với hơn 10 hộ tham gia mô hình “trồng cây có múi” do Hội Nông dân xã phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện triển khai thực hiện. Sau 3 năm xuống giống, những vườn bưởi da xanh trong mô hình bắt đầu cho quả ngọt, chất lượng có thể ngon hơn cả bưởi đầu dòng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thuận lợi cho việc nhân rộng diện tích trồng bưởi trên vùng đất này”.
Để minh chứng cho cây bưởi da xanh thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất phù sa ven sông Lại, chị Hoa đưa chúng tôi đến tham quan vườn bưởi 7 năm tuổi của ông Nguyễn Ngọc Ánh (ở thôn Lại Khánh Tây).
Ông Ánh chia sẻ: “Bưởi da xanh rất thích hợp với vùng đất ven sông, nếu đủ điều kiện quang hợp và chăm sóc tốt, trồng chỉ hơn 2 năm, bưởi sẽ ra trái chiến; từ năm thứ ba trở đi, cây cho trái ổn định, mùa sau sai hơn mùa trước. Nếu canh tác đúng quy trình kỹ thuật, cây sẽ cho năng suất rất cao. Tôi có một người bạn sở hữu một vườn bưởi trên 4.000 m2 với hơn 80 cây bưởi đang độ sung sức và đã cho thu hoạch hơn 3 năm. Ngoài ra, ở đây còn có chục hộ trồng bưởi da xanh từ 30 - 40 gốc trở lên, cho hiệu quả kinh tế khá cao. Riêng vườn bưởi 50 gốc của tôi cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng/năm, với giá bán sỉ cho thương lái ổn định 25.000 - 30.000 đồng/kg loại một”.
Vườn bưởi da xanh 40 gốc của ông Hồ Ngọc Thuận (ở thôn Lại Khánh), trên mỗi cây có gần trăm trái bưởi xanh tròn, lúc lỉu. Có những cây, do có nhiều trái to kéo cả nhánh sà chạm đất. Dù hiện nay chưa đến thời điểm xuất bán nhưng vườn bưởi của ông Thuận đã có thương lái đến đặt cọc. Ông Thuận bộc bạch: “Do được đầu tư chăm sóc đúng quy trình, cộng với nguồn giống tốt, liên tục trong 4 vụ thu hoạch vừa qua, mỗi cây bưởi cho thu nhập bình quân khoảng 2 triệu đồng; cá biệt có cây đạt trên 3 triệu đồng/năm”.
Liền kề vườn bưởi của ông Thuận là vườn bưởi da xanh hơn 60 gốc của 3 anh em Huỳnh Văn Tín, Huỳnh Văn Mười và Huỳnh Văn Dư. Những cây bưởi 10 năm tuổi sum suê, cho thu nhập khá từ nhiều năm qua.
Anh Tín chia sẻ: “Trồng bưởi da xanh cho hiệu quả kinh tế khá cao, mỗi cây có thể cho thu nhập vài triệu đồng là bình thường. Nuôi con gì hoặc trồng cây gì cũng vậy, nếu không vượt qua những khó khăn, trắc trở ban đầu và không tận tâm, tận lực với nó thì không thể thành công được. Anh em tôi đã đầu tư nhiều công sức cho vườn bưởi và hiệu quả mang lại đến giờ không nhỏ”.
Điều đặc biệt hơn là vườn bưởi của các anh không cho trái chín vào đầu mùa Thu như bình thường, mà trái được “sắp xếp” chín vào đúng dịp Tết Nguyên đán đặng bán được giá cao. “Các siêu thị ở Quy Nhơn và Quảng Ngãi đề nghị hợp đồng đặt hàng nhưng anh em chúng tôi chưa dám nhận vì sợ không đủ hàng cung cấp”- anh Tín cho biết.
Tại một vườn bưởi ở thôn Bình Chương, những gốc bưởi giống cũ được cấy ghép giống bưởi da xanh.
Để Hoài Đức trở thành vùng bưởi đặc sản
Chị Võ Thị Hoa tâm sự: “Tôi đã có hơn 15 năm triển khai, thực hiện nhiều chương trình khuyến nông giúp nông dân quê mình vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng với hàng chục mô hình cây, con nhưng chưa mô hình nào có sức sống bền lâu và tự thân nhân rộng như mô hình bưởi da xanh. Hiện trên địa bàn xã đã có 28 hộ trồng bưởi da xanh trên diện tích xấp xỉ 4 ha, trong đó có hơn 10 hộ trồng từ 40 gốc trở lên. Đó là chưa kể nhiều vườn bưởi đang được cấy ghép, cải tạo lại giống theo thị hiếu của người tiêu dùng và trồng mới theo quy mô gia đình với tổng diện tích hơn 2 ha tại các thôn: Bình Chương, Văn Cang và Văn Khánh Đức. Dự kiến thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tham mưu với cấp trên và chính quyền địa phương thành lập CLB trồng bưởi da xanh để người trồng bưởi được hỗ trợ kỹ thuật canh tác, hạn chế rủi ro, nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần tăng thu nhập”.
Qua trò chuyện của chúng tôi với các chủ vườn bưởi da xanh và lãnh đạo xã Hoài Đức, hầu như ai cũng khẳng định hiệu quả kinh tế khá cao của loại cây này hiện nay. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thắm, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Đức, vẫn còn nhiều trăn trở: “Dù hiệu quả kinh tế của cây bưởi da xanh ở đây đã quá rõ nhưng để phát triển thành một vùng bưởi đặc sản thì phải có một lộ trình dài, bước đi bài bản, kế hoạch cụ thể, phù hợp. Chúng tôi cũng mơ ước điều này sớm trở thành hiện thực. Thế nhưng, trên thực tế, cây bưởi da xanh đã được trồng ở nhiều nơi trong nước, liệu cung có vượt cầu khi sản lượng ngày một tăng. Cần phải tiếp tục theo dõi, đánh giá năng suất, chất lượng quả bưởi trên nhiều chân đất ở địa phương, nếu ổn định thì chúng tôi sẽ vận động bà con thực hiện các bước tiếp theo”.
DIỆP BẢO SƯƠNG