HLV đội tuyển võ cổ truyền Bình Ðịnh Trần Ðình Ðô:
“Máu nghề giữ tôi gắn bó với võ”
Từng có thời điểm muốn chia tay đời VÐV chuyên nghiệp, nhưng rồi quyết tâm và niềm đam mê đã níu chân Trần Ðình Ðô đến tận hôm nay, để anh cùng các cộng sự góp phần duy trì được vị thế của võ cổ truyền Bình Ðịnh ở đấu trường quốc gia.
Mê võ từ khi còn là cậu bé 11 tuổi, ban đầu Trần Đình Đô mon men học lóm vài đòn từ người anh ruột rồi chập chững tự tập. Phải đến năm 1993, khi đã 16 tuổi, chàng trai quê Phước Thắng (Tuy Phước) mới khởi đầu con đường “tầm sư học… võ”.
HLV Trần Đình Đô (thứ tư từ trái sang) tại Giải võ cổ truyền Đại hội TDTT toàn quốc năm 2014.
Con đường võ thuật đầy chông gai
Sau khi nắm bắt được những kỹ thuật cơ bản từ võ sư Hồ Bảo Sơn (người Phước Thuận, nhưng mở phòng tập tại Phước Thắng, Tuy Phước), Trần Đình Đô đến với võ đường Lê Bảo Thoại (Phước Quang, Tuy Phước) để được tập những đòn thế áp dụng cho thi đấu. Ngày lại ngày, cứ đến xế chiều, cậu võ sinh mê võ lại cọc cạch vượt ngót 10 cây số đến nhà thầy tập luyện. “Hồi đó tại địa phương cũng có một số thầy dạy võ nổi tiếng, nhưng tôi không muốn những người xung quanh biết mình tập võ nên chọn thầy ở xa. Thường được xem những võ sĩ nổi tiếng thời bấy giờ thi đấu võ đài, lại xem phim ảnh thấy nhiều pha đấu võ ngoạn mục, tôi thực sự thích thú nên quyết tâm tập luyện để được như họ” - HLV Trần Đình Đô kể về suy nghĩ ngây ngô của mình khi bước chân vào nghiệp võ.
“HLV Trần Ðình Ðô là người tâm huyết với võ cổ truyền, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, chịu khó học hỏi nên đã nắm bắt được những phương pháp huấn luyện mới, góp phần quan trọng trong việc giữ vững thành tích của đội tuyển võ cổ truyền Bình Ðịnh trên đấu trường quốc gia”
Võ sư BÙI TRUNG HIẾU, Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Ðịnh
Bắt đầu cứng cáp sau những tháng ngày cần mẫn tập luyện, Trần Đình Đô được thầy đưa đi khắp nơi đấu đài. Thời đó, mỗi trận đấu đài võ sĩ được nhận 7.000 - 8.000 đồng, chỉ đủ để dẫn bạn bè đi ăn vài ly chè. Trong vòng 3 năm, anh tham gia hàng chục trận võ đài, thắng thua đều nếm trải, và cái được lớn nhất là tên tuổi dần được biết đến. Cũng vì vậy mà khi vừa tròn 19 tuổi, Trần Đình Đô được võ sư Đoàn Quý gọi vào đội tuyển võ cổ truyền Bình Định. Được chỉ nhiều đòn thế của môn võ cổ truyền, nhưng giải đầu tiên mà Trần Đình Đô tham gia lại ở môn… pencak-silat. Chưa quen với luật thi đấu của môn võ có xuất xứ từ Indonesia, anh bị loại ngay ở lượt trận thứ hai, do lỗi đấm vào vùng mặt đối phương (đòn cấm trong môn pencak-silat).
Khi quyết định rời quê xuống Quy Nhơn vào đội tuyển, Trần Đình Đô hứng chịu phản ứng dữ dội từ gia đình. Chỉ có duy nhất người cha xuôi theo lựa chọn của anh, nhưng cũng kèm theo một câu: “Con đã quyết định thì thành hay bại là do con chịu trách nhiệm”. Khối lượng tập luyện ở đội tuyển lớn, có lần gần đến ngày thi đấu, phải ép cân từ 60kg xuống 54kg, Trần Đình Đô trông xanh rớt, yếu ớt. Đến ngày về quê đám giỗ, mọi người thấy diện mạo xanh xao của anh không khỏi xót xa, xúm vào hỏi: “Xuống dưới bị đánh dữ lắm, bịnh luôn hay sao trông thảm hại vậy”. Thu nhập VĐV thời cách đây gần 20 năm không đủ trang trải chi phí sinh hoạt, mỗi tháng 600 ngàn đồng, đóng tiền ăn hết phân nửa. Vài tháng lại phải về quê nhận “chi viện” để bồi bổ thêm, hơn 20 tuổi đầu còn phải xin tiền cha mẹ, anh không tránh khỏi buồn tủi. HLV Trần Đình Đô nhớ lại: “Hồi đó tôi chủ yếu dùng tiền mua thêm đồ ăn để tăng cường sức khỏe, đáp ứng giáo án do thầy đưa ra và thi đấu đạt kết quả cao. Cũng vì vậy mà suốt thời VĐV tôi không thể tích cóp đủ để mua một chiếc xe đạp. Năm hết tết đến, mua được ít trà, bánh về quê đã cảm thấy hài lòng lắm rồi”.
HLV Trần Đình Đô (trang phục trắng) làm trọng tài tại chương trình “Đêm võ đài xứ Nẫu”.
HLV giàu tâm huyết
Chưa bén duyên với đội tuyển được bao lâu, Trần Đình Đô đã suýt nói lời chia tay với đồng đội sau “sự cố” trong một buổi tập. Anh kể về khoảnh khắc “tự đấu tranh tâm lý với chính mình” khi đó: “Đưa hai tay đỡ đòn đá của võ sư Đoàn Quý, hai cùi chỏ của tôi thúc mạnh vào vùng bụng, đau suốt một tuần không bớt. Vừa đau vừa cảm nhận những khó khăn ở môi trường mới, tôi quyết định thu xếp hành lý về quê. Nhưng khi ra đến cầu thang, nhìn thầy tập cho các đồng đội khác, đột nhiên tôi lại suy nghĩ: chả lẽ mình dân võ mà cứ bị đau là nản chí sao? Nghĩ vậy, tôi quay trở lại với quyết tâm nhiều hơn và chuyên tâm tập luyện nhiều hơn trước”.
Đội tuyển võ cổ truyền Bình Định thời võ sư Kim Đình phụ trách sở hữu lực lượng VĐV hùng hậu, luôn được đánh giá rất cao ở các giải vô địch quốc gia. Những võ sĩ như: Bùi Trung Hiếu, Phan Trường Hận, Võ Đông Sơ, Lê Công Bút, Trần Đình Đô, Phan Thị Diệu Hằng… luôn khiến các đối thủ phải e dè.
Sở hữu đòn đá chân trái cực nhanh và uy lực, trong suốt 8 năm thi đấu đỉnh cao (từ 1999 đến 2006), Trần Đình Đô giành được nhiều thành tích ấn tượng ở giải vô địch quốc gia và các giải đấu tầm khu vực. Ban ngày tập luyện, đêm về tranh thủ học thêm bổ túc, sau đó theo đại học, đến năm 2006, Trần Đình Đô được phân công trợ lý huấn luyện cho HLV trưởng Bùi Trung Hiếu, cũng là lúc anh nhận tấm bằng tốt nghiệp Khoa giáo dục thể chất ở Trường Đại học Quy Nhơn.
Nói về những ngày đầu làm công tác huấn luyện, HLV Trần Đình Đô cho biết: “Từ VĐV chuyển sang huấn luyện mọi thứ thay đổi khá nhiều, trước đây chỉ lo cho bản thân mình, giờ phải theo dõi, nắm bắt tâm sinh lý từng học trò; phải hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của từng VĐV để có phương pháp huấn luyện phù hợp, đạt hiệu quả cao. Nhưng nhờ được những đàn anh như võ sư Bùi Trung Hiếu dìu dắt, tôi dần nắm bắt được công việc”. Tuy nhiên, quản lý những võ sĩ đối kháng vốn đầy cá tính không phải là điều đơn giản. Không ít lần học trò phạm sai lầm, đích thân HLV Trần Đình Đô phải thay mặt gia đình xử lý. Anh luôn tìm cách uốn nắn, động viên để học trò nhận thức được vấn đề, quay lại chuyên tâm tập luyện. Nhờ đó, thành tích của đội tuyển võ cổ truyền Bình Định luôn được duy trì ổn định, nằm trong tốp đầu ở các giải vô địch quốc gia.
HLV Trần Đình Đô (ngoài cùng bên trái) cùng 2 võ sĩ Bình Định giành đai vô địch Let’s Việt năm 2014.
Vững tâm nhờ “hậu phương” ủng hộ
Quan tâm nhiều đến học trò, không ít lần HLV Trần Đình Đô nhận những lời trách móc từ chính người bạn đời của mình, bởi “chồng gì lo cho trò còn sốt sắng hơn cả con ruột”. Nói là nói vậy, nhưng nếu không nhận được sự chia sẻ, động viên của bà xã, HLV Trần Đình Đô rất khó hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Cưới nhau về với hai bàn tay trắng, hai vợ chồng chật vật nghĩ kế mưu sinh, để rồi đến nay tạo dựng được cơ ngơi tương đối ổn định, HLV Trần Đình Đô phải nể nang “nửa còn lại của mình” về khoản quán xuyến gia đình. Không chỉ là hậu phương vững chắc cho chồng tham gia công tác huấn luyện, chị Nguyễn Thị Thu Thùy - vợ HLV Trần Đình Đô - còn nhiều lần cùng anh đến các địa điểm thi đấu, cổ vũ cho đội nhà. HLV Trần Đình Đô chia sẻ: “Thử nghĩ xem, nhiều thời điểm tôi dẫn học trò đi thi đấu hết giải này đến giải nọ gần cả tháng trời, một tay cô ấy lo con cái, quán xá. Chưa kể nhiều lúc tôi còn phải ôm tiền nhà đi lo cho học trò, nếu gặp phải người không hiểu công việc của chồng thì rất khó thông cảm. Tôi rất hạnh phúc và cảm thấy may mắn vì điều đó”.
HLV Trần Ðình Ðô sinh năm 1977, tham gia thi đấu trong màu áo đội tuyển võ cổ truyền Bình Ðịnh từ năm 1999 đến năm 2006, giành được 3 HCV, 2 HCB, 3 HCÐ ở các giải vô địch quốc gia. Ngoài ra, anh còn giành được nhiều huy chương ở các giải khu vực. Từ năm 2014, anh là HLV đội tuyển đối kháng võ cổ truyền Bình Ðịnh, cùng học trò luôn giành vị trí cao ở các giải quốc gia.
LÊ CƯỜNG