Trong nắng chiều xuân muộn
* Truyện ngắn của Hương Văn
Gã chong mắt lên nhìn đêm. Nhớ nhà. Nhớ mẹ. Nhớ em. Không biết mẹ có còn giận mình không? Em đã ngoan hơn chưa? Cuộc sống hai người từ khi vắng gã sẽ như thế nào? Chưa bao giờ gã dám liều lĩnh rời xa những người thân như thế. Nhưng cuộc sống mờ mịt nơi quê nhà đã khiến gã trở thành người có lỗi. Vì thế mà trăn trở, thao thức mãi.
Bước chân đến thành phố, gã đã mất mấy hôm lang thang đầu đường xó chợ, nhưng rồi cũng tìm được chỗ trọ trong một gác xép nhỏ và theo nghề đạp xích lô mướn. Dân chợ rất quý gã nhưng họ ngại cái tính lầm lì, lạnh lùng, ít nói cười...
Thấy gã thật thà, chăm chỉ, một chị buôn hoa quả thuê gã chở theo mối. Ấy là người từng chỉ dẫn gã đường đi lối lại trong trận đồ rối nhắng như mạng nhện giăng tơ của thành phố. Ngồi trên xe, chị ta hỏi gì, gã nói nấy. Có những câu gã chỉ ậm ờ cho qua chuyện. Hoặc im lặng. Lâu ngày thành thân. Ðàn bà con gái miền Nam, hễ ưng là không ngán ngại gì hết, chiều hôm ấy, chị hỏi thẳng đuột:
- Này, đã có ai chưa?
Gã chỉ cười cái hậc:
- Nghèo như tui nuôi thân không nên, ai mà thèm!
Nhưng chị ta vẫn không buông tha:
- Sao không. Cho tui về ở cùng đi!
…
Rồi một quãng lặng thinh thật dài. Chiếc xích lô như bon bon xuống dốc không cần đạp. Gã thấy lòng nhẹ thênh. Gã hăng hái hơn, tằn tiện hơn, càng không chịu bỏ một đồng xu cắc bạc nào để tàu xe về quê. Có tiền, gã sẽ tu sửa lại nhà, tậu mấy vật dụng cần thiết để mẹ và em được vui. Có tiền, gã sẽ tổ chức một đám cưới thật linh đình, để làng trên xóm dưới nể nang. Tiền sẽ đem lại cho gã hạnh phúc!
Nhưng gã không có được niềm vui khi lần đầu ra mắt nhà vợ tương lai. Gã giật nảy mình trước ngôi nhà hai tầng mới xây, sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi. Người ta giàu có là thế, còn gã, mấy mẹ con sống trong ngôi nhà nát... Trên tường nhà họ còn treo toàn những giấy khen, huân chương. Còn gã, gã là kẻ thất học. Ôi chao! Biết ăn nói thế nào? Biết giấu mặt đi đâu khi người ta hỏi tới? Lòng dạ gã nôn nao. Một kí ức thẳm sâu những vết thương cào cấu tâm can gã...
* * *
Nhà xa trường, lại quá nghèo, vất vả lắm mới được đi học nhưng tấm áo mới luôn nằm trong giấc mơ xa vời của gã. Ngồi cuối lớp cứ lóng la lóng ngóng, cái Tí thằng Tèo ở gần nhà vẫn gọi gã bằng anh vì gã lớn tuổi nhất lớp. Gã từng phải lủi ra một góc, ngồi khóc thút thít. Thầy giáo luôn động viên, làm dịu nhưng chẳng bao giờ gã dám ngước mắt lên. Bụng cồn cào, chỉ thấy chữ nghĩa nhòe nhoẹt, nhảy nhót đâu đâu. Gã trả bộ sách lớp ba còn học dở, theo cha cùng mấy người đàn ông trong xóm xách bao đi lượm nhặt mảnh bom, vỏ đạn về bán.
Một hôm gã đang lui cui đào đào, bới bới bỗng nghe một tiếng nổ như xé trời, mặt đất rung lên, người này gọi người kia í ới. “Ông Bảy đâu?” Gã vội bỏ cuốc, chạy về hướng có tiếng nổ. Trời đất ơi! Một cái xác đang nằm giữa vũng máu, chân tay lìa ra, vài miếng thịt văng lên tận ngọn cây. Mấy con người xúm xít nhặt nhạnh. Gã trợn tròn mắt, ré lên một tiếng rồi bịt mồm bịt miệng, ba chân bốn cẳng chạy về báo với mẹ. Cái chết của cha choán lấy gã, len vào những giấc ngủ chập chờn. Ðâu đây như có mùi đất khét. Mưa lắc rắc. Hoàng hôn loang lổ... Có đào được vàng cục, đồng đen, không bao giờ gã dám đi như thế nữa.
Bẵng một dạo, gã thường để ý đến mẹ, sao bụng mẹ lum lum, đi đứng khó nhọc, mấy người đàn bà trong xóm bắt đầu đàm tiếu xa gần. Thì ra, mẹ gã lại vướng khổ khi tằng tịu với ông bác họ... Ông bác họ đi làm ăn kinh tế trên Tây Nguyên, mười mấy năm nay mới trở về tìm gặp họ hàng, tìm đứa cháu họ mồ côi. Bà góa với đàn ông xa vợ gặp nhau lúc đầu hôm, chạng vạng, tình cảm không nảy sinh mới lạ! Cuộc gặp gỡ ấy biến thành một cuộc tình chóng vánh nhưng mẹ gã cứ chờ mãi mà không hề thấy tin ông ta li dị vợ!
Sinh đứa con gái, chút nữa mẹ gã mất mạng do băng huyết. Qua cơn nguy kịch thừa sống thiếu chết, bệnh viện trả mẹ gã về. Vậy mà vài kẻ độc miệng còn chế giễu: “Già đầu còn ham!”. Chỉ loáng thoáng nghe gã đã muốn hét toáng lên cho hả dạ, ghét đời oái ăm, nghiệt ngã, cho thỏa căm tức. Nhìn mẹ tiều tụy, ốm yếu, xơ xác gã lại thấy xót xa thương.
“Má mình sinh ra trúng ngày giờ gì mà toàn rước nợ vào thân bởi đàn ông như thế?” Mà quả thật, cả một quãng đời dài, mẹ gã chưa bao giờ biết đến cảnh giường ấm chăn êm là gì. “Làm sao trách má? Má đi thêm bước nữa cũng chỉ vì mong được thay đổi số phận của một người đàn bà mà thôi!”. Gã ôm lấy mẹ, run run an ủi: “Thôi má à, chuyện cũ qua rồi. Má còn con và em...”
Cuộc sống vẫn chưa thể thoát khó nên gã bàn tới bàn lui với mẹ, gã phải rời khỏi nơi này. Bị mẹ phản đối kịch kiệt, gã tự lên kế hoạch. Chân rón rén thật khẽ, mắt nhìn qua cửa sổ, em gã đã lên bốn tuổi rồi mà khóc ngặt nghẽo. Một tay mẹ gã đưa đưa cánh võng, tay kia quệt nước mắt sụt sùi. Gã chỉ muốn ngồi thụp xuống, buông thõng. Nhưng không thay đổi gì nữa. Gã cúi người lúp xúp sát chân tường chuồn đi.
***
Nhưng chuyện đời lại hay rẽ sang những lối không ai ngờ. Vừa thấy gia cảnh người ta, tự ái lại dồn lên, gã phải tránh xa nơi ấy, phải khá lên mới được chứ.
Gã viện cớ về quê, rồi biệt âm vô tín. Nhưng quanh quẩn được vài tháng, đùng đùng, người đàn bà hoa quả xuất hiện. Vừa thấy gã đang cặm cụi chẻ củi dừa trước sân, chị ta đã xăng xái trách móc:
- Người vậy mà xạo nghe! Thăm nhà người ta rồi mất dạng vậy sao, đồ xạo...!
Gã ngẩn người ra, thả vội cái rựa xuống đất, đứng bật dậy nhưng chôn chân, nghẹn ứ giọng:
- Sao tìm được tới tận đây?
Chị ta vùng vằng quay gót, gã vội chạy theo nắm lấy tay, nài nỉ ra ngồi cạnh bờ ao, bảo dù gì cũng phải nghe nói một lần cho hết.
Gã cười như mếu khi soi thẳng mắt xuống đáy nước:
- Tui kể hết rồi đó, còn thương tui hông?
Ðôi môi người đàn bà mấp máy, hớp lấy từng giọt nước mằn mặn. Chỉ một cái gật đầu ưng ý là đủ để chị ta bất chấp sự ngăn cản của gia đình, mười ngày sau về ở hẳn với gã.
Ngày cưới, không khách khứa, không pháo nổ đì đùng, không nhẫn vàng, không áo mới, gã tặng vợ duy nhất một bó hoa giấy màu hồng xác pháo hái bừa ngoài bờ rào.
“Má tui đã khổ nhiều rồi, cố gắng đừng làm buồn lòng má. Sống với nhau mà có chuyện xô xát thì đừng trách tui.” Không hiểu sao người đàn bà vốn sẵn sàng đá cá lăn dưa ngoài chợ nhưng nghe cái giọng gã răn khô khô đanh đanh, đã im lặng gật đầu. Tịnh không hỏi đi hỏi lại một tiếng. Vợ khoe có chút của. Gã bảo cứ để đấy, làm vốn mua bán, khi nào vợ chồng tích cóp kha khá hãy xây lại nhà.
Một năm làm nhà ba năm trả nợ. Nợ thì đã nợ rồi, gã sẽ tìm cách xoay sở. Vợ chồng đèo nhau đi mua dừa già, dừa nạo, mua cả vỏ dừa khô, gom lại rồi đem bán cho mấy nhà buôn. Mùa dừa hết thì đến vụ lúa, vụ khoai mì, vợ chồng lại lên chiếc xe máy cùng nhau rủi rong hết làng này xóm kia…
Nhưng sức người có hạn. Càng mong hết nợ, càng nai lưng ra làm, càng tằn tiện ăn uống... gã đã bị nhiễm thương hàn một trận nhừ tử. Mấy chục tuổi chưa phải uống một liều thuốc nào nhưng lần này gã đối mặt với tử thần thật. Mấy đêm liền, gã lên cơn sốt cao, nằm mê man. Trong đầu nghe như có tiếng ma hú, tiếng bom nổ rền trời, tiếng la thét kinh hoàng. Thịt người tung lên không trung. Toàn máu đỏ ối chảy ra lênh láng....Gã nằm mớ, ú ớ nói sảng, tay chân quờ quạng, mồ hôi nhễ nhại, rồi thao láo mắt nhìn khi vợ hốt hoảng lay gã dậy.
Dứt được những cơn sốt, gã xuống người ghê lắm. Da xạm đen. Mắt trũng sâu. Môi miệng khô nẻ. Chân tay như dài thêm ra. Dáng cao lêu khêu như bóng dừa trước ngõ. Cũng bởi cơm áo gạo tiền đã hút hết sức lực của gã. Bởi gã luôn dầm nắng dãi gió gánh vác việc nặng. Bởi nỗi ám ảnh dằng dặc đã cướp đi của gã những giấc ngủ ngon...
Còn ốm rề rề, nằm bẹp trên giường, gã lại nghĩ: Cưới nhau ngót ba năm mà nhà vẫn vắng tiếng trẻ thơ. Mẹ gã đang trông đứng trông ngồi. Ừ, mà lúc mới về ở với nhau, hì hục chăn gối suốt, cũng đâu có động tĩnh gì? Không khéo… Ðiên thật! Gã từng có những suy nghĩ tồi tệ, gàn dở như thế... Chờ mãi, vợ chồng định dẫn nhau đi khám phụ khoa. Lại sợ tốn. Ấy thế mà, trời phật run rủi, cuối cùng vợ gã có mang. Gã vừa mừng vừa lo. Mừng là vì sắp được làm cha. Mẹ gã có cháu ẵm bồng, khỏi phải ai xì xào, dòm ngó. Lo là vì vợ nhỏ người thế, có đủ sức sinh nở hay không, gã loáng thoáng nghĩ đến lần mẹ sinh em gái. Nhưng dù gì gã cũng đã có một mụn con. Có món gì ngon gã cũng dành cho vợ. Ðến ngày ngồi chờ con cất tiếng khóc chào đời, gã hồi hộp lắm. Nữ hộ sinh ẵm con ra, gã hí ha hí hửng đỡ lấy, đi lại loăng quăng nựng nịu con, vuốt ve, âu yếm.
Con lên hai tuổi, mẹ giục vợ chồng gã sinh thêm, kiếm thằng con trai cho có nếp có tẻ, có người nối dõi tông đường. Lần đầu tiên gã nặng lời với mẹ: “Má không hoảng chuyện con cái của má sao? Một lần sinh nở, mẹ tròn con vuông là may mắn lắm rồi!”
Mẹ gã chựng lại, rồi im bặt. Gã vuột miệng lớn tiếng với mẹ vì chất chứa trong lòng nhiều cái khó không dám nói. Thôi, không sinh thêm được lại nhẹ gánh cho cả gia đình. Mẹ gã cũng sắp già yếu rồi, cần phải được nghỉ ngơi, dưỡng sức. Còn con gái, nó không thể theo vết xe đổ của cha. Gã cần đầu tư. Nó phải được ăn học đàng hoàng, tử tế. Phải để cho cha mẹ nó được mở mày mở mặt với thiên hạ...
Con dốc nhỏ thoai thoải chiếu những tia nắng đỏ quạch len vào hai bên rặng rào. Gió dưới vùng sông hồ bắt đầu vi vút lên rồi vờn reo từ ngoài ngõ. Màn trời bắt đầu chập choạng. Gã ngồi trầm ngâm như đang chờ đợi điều gì quan trọng lắm...
Tiếng nói cười giòn giã của con qua điện thoại khiến khuôn mặt khô cằn của người đàn ông trở nên tươi tắn lạ thường. Lại chuyện nó vừa nhận học bổng. Chuyện nó quyết sẽ cầm được tấm bằng loại giỏi để về quê tìm việc làm để được gần ba má. Ruột gan cứ múa cả lên. Chà! Con của mụ buôn loắt choắt mà ra dáng gớm! Nó học vừa giỏi lại vừa chăm, mà sự hiếu thảo thì cũng nhất. Dịp nào về quê cũng mua đủ thứ quà. Người thì được lọ thuốc bổ, người thì được bộ quần áo mới... Mỗi dịp con về, gã lại rủ mấy ông bạn đến dùng mồi nhậu ngon, thứ đặc sản con mua từ nơi xa. Phải mà được ngay bây giờ, gã sẽ ngồi thư thả, rung rung đùi, vuốt vuốt tóc, giọng tự hào kể về cuộc đời, về mẹ, về em, về con gái và nhiều dự định khác...
Gã đưa mắt kiếm tìm bóng mẹ. Ðã bao nhiêu năm trôi qua từ cái ngày không còn phải lo chạy cái ăn từng bữa, làm bữa nào xào nữa ấy, nhưng cái dáng bà vẫn khổ khổ sở sở. Biết làm sao khác được. Gần như bà chỉ cười bên cháu nội hoặc những khi thì thầm tính toán, toan lo gì đó với con dâu. Gã vẫn mong được nghe mẹ cười thành tiếng nhưng điều ấy có lẽ còn lâu mới thành. Trong mắt bà ngóng cháu, ánh lên tia sáng như nắng chiều xuân muộn.
H.V