Phồn vinh Vĩnh Lợi
Có những làng chài các thế hệ nối tiếp nhau gắn đời mình với dập dềnh sóng, mặn mòi biển và cả những cơ cực, hiểm nguy khi vươn khơi giữa mênh mông sóng nước. Biển không phụ lòng người, sự cần cù, chịu khó được đền đáp bằng những khoang thuyền đầy tôm cá. Làng biển Vĩnh Lợi (xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ) là một nơi như thế.
Trên con đường bê tông dẫn vào thôn Vĩnh Lợi 1, Vĩnh Lợi 2, Vĩnh Lợi 3, những ngôi nhà cao tầng mới tinh tươm mọc lên nơi vùng biển từng một thời nghèo khó, chúng cứ vươn mình trong gió và cát như một nét chấm phá trong bức tranh thiên nhiên hòa quyện giữa biển xanh, mây trời.
Một góc sự trù phú của làng chài ven biển Vĩnh Lợi hôm nay.
“Phố” trong làng
Đưa chúng tôi đi qua những con đường làng, hai bên ken dày những ngôi nhà khang trang, lão ngư Trần Văn Phó - Trưởng thôn Vĩnh Lợi 2, kể về làng chài của mình với giọng đầy hãnh diện. Mà không hãnh diện sao được, khi ở nơi miệt biển này số lượng nhà cao tầng như thế đâu dễ đếm hết được. Đó là minh chứng cho sự cần cù, chịu thương, chịu khó, vượt qua những hiểm nguy của biển cả, vươn ra biển lớn để khai thác kinh tế biển, làm giàu cho gia đình và cho quê hương của người dân nơi đây.
Dù Vĩnh Lợi phải tách ra làm 3 thôn, nhưng làm cư dân của làng biển từ thuở nhỏ nên ông Phó thuộc nằm lòng. Ông nhẩm tính gộp cả 3 thôn Vĩnh Lợi có hơn 1.000 hộ dân, nhưng sở hữu trên 230 tàu đánh bắt công suất lớn hành nghề ngang dọc Biển Đông. Đội tàu chưa hẳn lớn nhất huyện Phù Mỹ, nhưng đã vươn tầm ra khỏi vùng đất này. Trước đây, dân Vĩnh Lợi chỉ đánh bắt gần bờ, với tàu nhỏ thì nay đều đóng tàu lớn vươn khơi xa. “Từ ngư trường miền Trung ra tận đảo Côn Sơn, Bạch Long Vĩ, rồi Hoàng Sa, Trường Sa đều có tàu của dân Vĩnh Lợi. Mấy năm nay, dân đánh bắt ở ngư trường miền Trung trúng nhiều luồng cá lớn, có đêm được năm bảy trăm triệu đồng. Làm xong một “con trăng” có khi kiếm bạc tỉ” - ông Phó kể.
Nghề biển đi lên, thu nhập của dân Vĩnh Lợi bình quân 40 triệu đồng/người/năm, trong khi tính chung cả xã Mỹ Thành “ăn theo” làng biển này cũng mới ngấp nghé 29 triệu đồng/người/năm. Sự trù phú của Vĩnh Lợi kéo theo công ăn việc làm cho người dân, phụ nữ làng biển giờ lập thành từng nhóm “tối mặt” với nghề làm lưới, buôn bán.
26 năm rời Mỹ Châu vào Vĩnh Lợi 1 định cư, Trưởng thôn Vĩnh Lợi 1 Lê Văn Khá cảm nhận rõ rệt sự thay đổi trên quê hương thứ hai của mình. “Đời sống kinh tế của người dân phát triển ghê lắm. Điểm khác biệt của người dân Vĩnh Lợi là sự cố gắng làm lụng, chắt chiu, chịu khó mày mò học nghề nên cứ ngày càng vươn xa. Cái cơ bản là ngư dân giờ chỉ đi tàu lớn, ra khơi quanh năm, toàn áp dụng công nghệ đánh bắt hiện đại” - ông Khá đúc kết.
Ông Khá bảo ở thôn này những tỉ phú trẻ nhiều lắm! Tôi “cà khịa” ngư dân có kê khai tài sản đâu, ông lý giải rất đơn giản nhưng rành mạch: “Kinh tế phát triển thì đời sống của người dân cũng khá hơn. Trúng mùa cá, dành dụm chừng vài năm là đủ sắm thêm tàu mới. Nhà cửa khang trang, có những hộ xây nhà chỉ riêng “vỏ” không thôi đã vài tỉ đồng rồi; ô tô, xế nổ toàn đồ xịn. Tính chi nhiều, trung bình mỗi nhà có 1 tàu công suất lớn, vậy họ là tỉ phú rồi còn gì!”. Nói rồi, ông lại cười, âm vang của nụ cười hào sảng như lan tỏa cùng những con sóng đang đùa nghịch xô nhau dưới biển.
Thợ đóng tàu của cơ sở Hữu Hòa tất bật để kịp giao tàu ra khơi.
“Chịu chơi” với biển
Trong cái nắng gay gắt ban trưa mặn mòi vị biển, khoảng 30 công nhân của cơ sở đóng tàu duy nhất của huyện Phù Mỹ - cơ sở Hữu Hòa đóng tại xã Mỹ Thành - căng sức làm việc để kịp giao 5 chiếc tàu mới từ 400 CV trở lên cho các chủ tàu. “Nghề đóng tàu có tồn tại được hay không đều phụ thuộc vào nghề biển “no” hay “đói”. Mấy năm nay biển “no”, tụi tui đóng mới trên dưới 10 chiếc/năm cho các chủ trong và ngoài tỉnh, nhưng hết 70% đơn hàng là của dân Vĩnh Lợi đấy” - đưa mắt nhìn con tàu cỡ lớn hình hài, vóc dáng đang hoàn thiện, ông chủ cơ sở đóng tàu Nguyễn Hữu Hòa nói chắc nịch.
Vĩnh Lợi đi lên thấy rõ chừng năm bảy năm nay, đương nhiên nhờ biển là chính. Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành Huỳnh Trọng Đông cho rằng, với các chính sách vay vốn “mở”, ngư dân có điều kiện đầu tư tàu to công suất lớn để ra khơi đánh bắt. Giờ cũng không ai làm biển kiểu “may nhờ rủi chịu”, họ áp dụng công nghệ, rồi tính toán kỹ ra khơi ngư trường nào, mùa gió nào. Nên, nói ngư dân ở đây làm biển “no” nhiều hơn, làm quanh năm là thế. “Cả huyện Phù Mỹ có 5 tàu vỏ sắt được hỗ trợ theo Nghị định 67 thì hết 4 chiếc nằm ở Vĩnh Lợi. Cũng không có sự ưu tiên nào ở đây mà chủ yếu là dân mạnh dạn làm và sẵn sàng vốn đối ứng” - ông Đông cho hay.
Nói về độ “chịu chơi” trong làm nghề của dân Vĩnh Lợi, không thể không nhắc đến ngư dân Đỗ Chí Dũng - một trong những tỉ phú từ khi còn khá trẻ của thôn Vĩnh Lợi 1. Xuất thân làm bạn chài khi 14 - 15 tuổi với đôi tay trắng, chưa đầy 20 năm, anh Dũng đã trở thành ông chủ sở hữu đội tàu khơi xa 3 chiếc, mỗi chiếc trên dưới 10 tỉ đồng, đều từ tài sản của gia đình mà không hề vay mượn. 7 năm trước, anh Dũng xây căn nhà trị giá gần 2 tỉ đồng, thuê cả công ty kiến trúc ở Quy Nhơn về thiết kế, riêng bản vẽ đã hơn 20 triệu đồng - khối tài sản đáng mơ ước thời ấy.
Tôi nhắc lại câu nói “biển giả như bọt nước” của dân biển, ngư dân Đỗ Chí Dũng cho rằng, ở giai đoạn trước, điều ấy thật đúng. Và ngư dân Vĩnh Lợi cũng “thấm đòn” từ những mùa biển thất bát ngày trước. Nên họ hiểu phải nắm lấy cơ hội áp dụng vào việc khai thác thì sẽ được nhiều cá tôm hơn, rủi ro cũng giảm bớt. Năm 2014, anh Dũng là người bắt máy đo nước đầu tiên của cả nước, tậu hẳn máy đo nước của Nhật. Trước đó, từ năm 2009, anh đã bắt đầu áp dụng công nghệ trong đánh bắt, bắt đầu từ máy quét, máy chụp, ra-đa, dò nước...
“Giờ còn 3 cái máy nữa tui nghĩ là hết cỡ cho công nghệ để làm nghề đánh bắt rồi. Nghề biển Vĩnh Lợi này đi lên cũng từ chỗ chịu chơi đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại. Tui cứ tính bài toán thế này: bỏ ra cả tỉ bạc để đầu tư mua máy hiện đại thì năng suất đánh bắt tăng cao; khi làm ăn ngon lành, bạn tàu cũng nhiều lên thì mình thu hút được nhiều người giỏi. Vậy là đủ cho 3 yếu tố thành công của nghề biển: sự may mắn, công nghệ và người làm giỏi” - anh Dũng chia sẻ.
Thay lời kết
Bây giờ, anh Đỗ Chí Dũng không còn đi biển nữa mà chỉ đào tạo cho những người trẻ hơn làm nghề và điều khiển 3 tàu cá đánh bắt ngoài khơi xa. Không dám nói là biển lúc nào cũng “no”, nhưng anh Dũng bảo thu nhập từ biển vẫn luôn ổn định. 3 người em, con trai và 2 người cháu của anh Dũng giờ cũng “nối nghề” tài công đi biển. “Thời gian gần đây có nhiều sự cố xảy ra trên biển, nhưng dẫu thế nào đi nữa, chúng tôi vẫn bám biển đến cùng vì đây là chén cơm, manh áo của ngư dân miệt biển. Và hơn hết đó là vùng biển của đất nước mình, cớ sao mình phải sợ!” - ngư dân này khẳng định chắc nịch.
Chờ ngày thêm “áo mới”
Trong câu chuyện với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành Huỳnh Trọng Đông cho biết 3 thôn Vĩnh Lợi đã có chủ trương quy hoạch lên thị trấn đạt chuẩn đô thị loại 5. Theo quy hoạch tổng thể của tỉnh, đến năm 2020, tại thị trấn Vĩnh Lợi sẽ xây dựng 5 bến tàu có chiều dài 1.000 m, khả năng tiếp nhận tàu 20.000 DWT, xây dựng cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền tránh bão quy mô 20 ha. “Tin rằng khi ấy Vĩnh Lợi sẽ còn có điều kiện phát triển hơn nữa” - ông Đông khẳng định.
Cũng cần nói thêm rằng, ở Vĩnh Lợi có 2 tàu từng tham gia vào đoàn thuyền đánh bắt cá của nước ta ở Hoàng Sa thời điểm 3 năm trước, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào gần đảo. Lúc chúng tôi đến nhà lão ngư Huỳnh Văn Trích - một trong 2 người đi chuyến tàu đánh bắt ở Hoàng Sa năm ấy - ông đang đi đám giỗ, bà Nguyễn Thị Cụt - vợ ông - hào sảng cho biết nghề biển là nghề gia truyền của gia đình mình. Ban đầu là chiếc xuồng, sau lên tàu nhỏ 20 CV, tiếp nữa là tàu 80 - 90 CV, rồi tàu 300 - 420 CV. Giờ thì gia đình bà đã có cơ ngơi 2 chiếc tàu vỏ thép trị giá 16 tỉ đồng/chiếc, vốn góp đối ứng 5%.
Bà Cụt bảo, ở đây “trước nước, sau động”, phía trước bênh lênh báng láng nước, sau lưng toàn động cát. Nên chỉ có thể bám biển, mà cơ ngơi nhà bà cũng là từ biển. Nhà có đến 8 người con, chỉ 2 người làm nghề khác, còn lại đều bám biển. “Biển giả mà, đứa nào học được cũng chỉ mong nó học cho sướng thân” - bà nói.
Cùng chung nỗi niềm như bà Cụt là chị Phạm Thị Lan - làm nghề lưới ở thôn Vĩnh Lợi 2 từ năm 16 tuổi. Nhà có cậu con trai, chị Lan bảo cũng ráng đầu tư cho con học hành, nhưng rồi sức cám dỗ từ biển quá lớn nên mới hết cấp ba thì bỏ đi biển.
Từng đến nhiều làng biển, thấu hiểu biển cho ngư dân sự phồn thịnh, song cũng lấy đi của họ không ít mồ hôi và mất mát. Ông Trần Văn Phó bảo, cả 3 thôn Vĩnh Lợi đến giờ chừng 300 - 400 sinh viên đang theo học khắp cả nước. Đời sống phát triển hơn nhiều, người dân đã biết chăm lo chuyện học hành của con cái, song số học hành đến nơi đến chốn vẫn chưa thật nhiều. “Sức hấp dẫn của biển quá lớn, nên mấy đứa nhỏ cứ tầm 17 - 18 tuổi ngán học thì đi biển” - ông lo lắng thở dài.
THU HIỀN - XUÂN LỘC