Đi tìm ngôn ngữ của nghệ thuật múa
Sáng 7.8 tại TP Quy Nhơn, Chi hội Nghệ sĩ múa Bình Định (Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh) tổ chức tọa đàm “Ngôn ngữ của nghệ thuật múa”. Từ các ý kiến tại buổi sinh hoạt chuyên môn này, chặng đường phát triển hơn mười năm qua của múa Bình Định được nhìn nhận rõ hơn…
Chi hội Nghệ sĩ múa Bình Định tổ chức buổi tọa đàm nói trên trùng vào một dịp đặc biệt với nhiều biên đạo múa trong tỉnh, đó là cuộc hội ngộ xúc động sau 12 năm của thầy và trò Lớp tập huấn các biên đạo múa toàn quốc, tổ chức tại Bình Định năm 2004. Buổi sinh hoạt chuyên môn của chi hội nhờ thế, có sự hiện diện của những tên tuổi trong làng múa cả nước: NSND Vũ Hoài, NSƯT Ngọc Hiển, NSƯT Hoàng Dùng, cùng một số biên đạo múa ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Biểu diễn tiết mục “Hương dừa” (biên đạo Châu My) tại Tọa đàm (Tiết mục từng đoạt Huy chương Vàng Liên hoan Múa không chuyên toàn quốc năm 2013).
Chi hội Nghệ sĩ múa mới được thành lập tháng 1.2013, thuộc diện “sinh sau đẻ muộn”, mới chỉ có 11 hội viên, thuộc vào loại ít nhất so với các chi hội chuyên ngành khác thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Định.
“Chi hội mới thành lập được 3 năm, hội viên ít; địa phương không có đoàn múa chuyên nghiệp. Hoạt động múa ở Bình Định - từ người sáng tạo đến biểu diễn - tất cả đều bươn chải làm nghề tự do. Tuy nhiên, các bạn đã cho thấy ý thức làm nghề thật sự cầu thị khi mạnh dạn tổ chức những hoạt động mang tính lý luận, chuyên môn cao như thế này” - NSND Vũ Hoài phát biểu tại tọa đàm.
“Có một tình trạng hiện nay là khi biên đạo một tác phẩm, hay nói giản dị là một bài múa, một tiết mục múa, nhiều biên đạo cứ chăm chăm đi tìm động tác múa. Chúng ta phải để tâm đi tìm ý tưởng, nội dung, cảm xúc cho bài múa trước đã. Biên đạo múa hãy luôn nhớ, ngôn ngữ múa là phương tiện chứ không phải là mục đích trong sáng tác múa. Trước khi sáng tác, tôi khuyên các bạn hãy dừng lại vài phút và trả lời một số câu hỏi sau: bài múa này nói về ai, nội dung gì; nhân vật trong bài múa là người dân tộc, vùng miền nào, họ đang làm gì (trong bài múa ấy)? Tâm trạng, cảm xúc, tình cảm của họ như thế nào?... Trả lời được những câu hỏi này rồi, không chỉ động tác, ngôn ngữ múa phù hợp sẽ từ từ hiện ra mà các bạn còn tìm ra âm nhạc, trang phục phù hợp…”
NSND VŨ HOÀI
Có lẽ vì Chi hội Nghệ sĩ múa Bình Định còn non trẻ nên chỉ có 2 tham luận ngắn của hội viên (Hồ Việt Quốc và Minh Hà) đề cập trực tiếp đến chủ đề tọa đàm - “Ngôn ngữ của nghệ thuật múa”. Tuy nhiên, hiệu quả của tọa đàm còn đến từ những phát biểu mang tính chia sẻ, trao đổi nghề nghiệp giữa những biên đạo múa với nhau, nhất là giữa “thầy” Vũ Hoài và các “học trò” - như ông đã từng đứng lớp ở Quy Nhơn 12 năm trước.
Theo NSND Vũ Hoài, tìm hiểu về ngôn ngữ của nghệ thuật múa là công việc nhập môn và cũng là nghiên cứu suốt đời của người theo đuổi nghệ thuật múa. Đây là vấn đề vừa căn bản, vừa nâng cao; càng hiểu rõ ngôn ngữ của múa để vận dụng thật đúng, thật đắt vào sáng tác, biểu diễn, thì càng thành công, đạt chất lượng nghệ thuật cao.
Trò chuyện bên lề tọa đàm, các biên đạo Vũ Hoài, Khắc Hiệu, Hoàng Dùng - những người từng tham gia giảng dạy tại Lớp tập huấn biên đạo múa toàn quốc năm 2004 tại Bình Định - có chung nhận xét rằng, họ không ngạc nhiên trước sự phát triển của phong trào múa Bình Định. Bởi tiềm lực của múa Bình Định đã chứng tỏ từ hơn 10 năm trước. Tại Lớp tập huấn năm 2004, Bình Định đã khiến nhiều địa phương khác ngạc nhiên khi trình làng lớp tới hơn 20 tác phẩm múa; cả những người ngoại đạo đến với lớp tập huấn theo kiểu “học cho biết” cũng có tác phẩm sau 20 ngày vỡ lòng!
Số lượng biên đạo, diễn viên múa của Bình Định từ con số ít ỏi năm 2004 đến nay đã đông đảo hơn về số lượng, chất lượng tay nghề cao và quan trọng hơn là có sự nối nghề.
“Bình Định tuy không có đoàn múa chuyên nghiệp nhưng là mảnh đất có nhiều điều kiện thuận lợi để nghệ thuật múa phát triển và đa dạng: có văn hóa Chămpa, văn hóa Tây Sơn, văn hóa dân gian miền núi, miền biển; hàng năm có nhiều lễ hội, các dịp kỷ niệm truyền thống cách mạng, đặc biệt là các sự kiện văn hóa lớn như Lễ hội Đống Đa, Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền… Đây chính là đất làm nghề lý tưởng cho các biên đạo” - biên đạo múa Hoàng Dùng chia sẻ.
SAO LY