Bảo tàng Tổng hợp tỉnh: Sưu tầm và lưu giữ nhiều vật dụng sinh hoạt truyền thống
Nhiều năm qua, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã sưu tầm nhiều hiện vật văn hóa truyền thống của người Việt, trong đó có cả những vật dụng sinh hoạt truyền thống. Trong số đó, đáng chú ý là các đồ dùng sinh hoạt bằng đồng từng thịnh hành một thời.
Trước đây, đồ dùng sinh hoạt bằng đồng tương đối thịnh hành, nhất là với các gia đình khá giả. Hầu như ở bất kỳ lĩnh vực sinh hoạt nào cũng có sự hiện diện của đồ đồng. Từ khi các đồ dùng bằng nhôm, nhựa, inox xuất hiện nhiều và ngày càng rẻ, đồ đồng mới dần mất chỗ đứng. Chính vì vậy, việc sưu tầm các hiện vật là đồ dùng sinh hoạt bằng đồng có ý nghĩa quan trọng.
Các loại khuôn đúc bánh in, bánh thuẫn bằng đồng của người Kinh ở Bình Định.
Bộ sưu tập đồ dùng sinh hoạt bằng đồng mà Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã sưu tầm được hiện khá đa dạng về loại hình và công năng. Có thể kể đến các loại nồi đồng, mâm đồng, chảo đồng, ấm đồng, bát đồng, muỗng đồng, khuôn đúc bánh tai yến, khuôn đúc bánh in, khuôn đúc bánh thuẫn, ống xoáy trầu, ống nhổ trầu, đèn đồng… Từ những đồ dùng sinh hoạt này, ta có thể hình dung một phần đời sống vật chất, cũng như phản ánh trình độ, kỹ thuật đúc đồng của người Bình Định xưa. Có thể nói, một phần không gian của người Bình Định xưa được dựng lại từ đây.
Nồi đồng là vật dụng khá quan trọng trong gia đình, thậm chí trong nhiều trường hợp, nó còn là vật dụng phản ảnh năng lực kinh tế của gia đình sở hữu. Sưu tập nồi đồng của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh hiện gồm 11 chiếc, kích thước từ nhỏ đến lớn (nồi 1 đến nồi 7). Nồi đồng dáng tròn, lòng rỗng, miệng loe xiên, cổ cao, thân phình to. Đế nồi vê tròn hình lòng chảo, giữa phần cổ và thân có trổ 2 chiếc quai. Vật dụng này dùng để nấu đồ ăn, thức uống trong sinh hoạt gia đình. Những nồi đồng này có niên đại khoảng đầu thế kỷ XX.
Sưu tập chảo đồng gồm 5 chiếc, dáng tròn, lòng sâu vê tròn đều, thành uốn cong, miệng hơi loe xiên. Trên vành miệng có trổ 2 quai cong hình chữ C. Quai chạm trổ dạng xoắn như sợi dây thừng. Chảo đồng thường được sử dụng để xào đồ ăn hoặc để rang chín các loại ngũ cốc. Những chiếc chảo đồng này cũng có niên đại vào khoảng đầu thế kỷ XX.
Sưu tập thau đồng gồm 5 chiếc, kích thước từ nhỏ đến lớn. Thau dáng tròn, bề mặt được tạo thành từ 3 đường tròn giật cấp. Mép ngoài cùng nhô cao so với vành miệng. Từ vành miệng, lòng thau được làm sâu xuống để chứa nước. Thành thau uốn cong, đế thau hơi bằng. Thau đồng là vật dụng dùng để đựng nước rửa mặt và tay chân trong sinh hoạt gia đình.
Trong những thau đồng thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, có một thau được đúc khá đẹp, dáng tròn, thấp; thành khum, thu nhỏ về đáy; bên trong và bên ngoài thành thau tạo hình múi bưởi; đáy tương đối bằng; vành miệng bẻ ngang, rộng. Thành thau đúc mỏng nhưng khá chắc chắn. Mặt trong của đáy thau chạm hình bông sen cách điệu đang nở với các vòng chấm tròn chạy viền xung quanh. Phần vành miệng bẻ ngang chạm hoa văn uốn lượn nhưng bị mờ đi rất nhiều. Về cách chế tác, thoạt đầu, thau được đúc; sau đó, được mài tu chỉnh, đánh bóng để thành sản phẩm.
Sưu tập đèn đồng gồm 3 chiếc. Đèn có dáng tròn, cấu tạo từ hai bộ phận là thân đèn và nắp đèn. Thân đèn dáng tròn, phần trên phình to, bên trong rỗng để chứa dầu thắp, miệng có tiện ren để lắp phần nắp đèn. Khúc giữa của thân đèn tóp nhỏ lại, có tác dụng như trụ đỡ của phần bình dầu phía trên. Chân đèn choãi rộng ra dạng hình nón rất vững chắc. Nắp đèn dáng tròn, bên trong rỗng; một đầu có tiện ren để lắp vào thân đèn, đầu kia trổ một ống tròn nhỏ để lắp dây bấc vào, xung quanh cột dây bấc này là 8 mảnh lá đồng chụm vào nhau như 8 cánh hoa. Trên nắp còn lắp một chiếc khóa điều chỉnh sợi dây bấc lên xuống. Sợi dây bấc có tác dụng dẫn dầu từ bình chứa lên phía trên để cung cấp dầu cho ngọn lửa cháy. Đèn dầu loại này từng được sử dụng khá phổ biến trong các gia đình người Việt, dùng để thắp sáng trước khi có bóng đèn điện.
Ngoài những vật dụng trên, trong bộ sưu tập đồ đồng gia dụng truyền thống mà Bảo tàng Tổng hợp tỉnh sưu tầm được còn có sưu tập mâm đồng gồm 6 chiếc; sưu tập bát đồng gồm 7 chiếc; khuôn làm bánh in (3 cái); khuôn làm bánh thuẫn (4 cái); khuôn làm bánh tai yến, cối xoáy trầu (3 cái); ấm đồng, ống nhổ trầu (2 cái), muỗng đồng… Đây là những hiện vật quý, góp phần bảo lưu những nét văn hóa trong sinh hoạt hàng ngày của cư dân Việt trên đất Bình Định trong tiến trình lịch sử.
NGUYÊN VIỆT