Từ hình ảnh cô dâu trong đám cưới của đồng bào Bana K’riêm:
Vai trò quan trọng của người phụ nữ
Khi thâm nhập, nghiên cứu về trình tự tổ chức đám cưới truyền thống của người Bana K’riêm ở huyện Vĩnh Thạnh, chúng tôi bắt gặp một số quan niệm khá lý thú về cô dâu. Cô dâu là một chủ thể xuyên suốt, có mặt ở hầu như tất cả các nghi thức. Vai trò quan trọng trong gia đình của cô dâu được thể hiện khá rõ nét ngay từ đám cưới và những ngày đầu sau khi chính thức trở thành vợ chồng.
Cô dâu người Bana K’riêm (ở làng K8, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh) đang thực hiện nghi lễ đi xúc cá ở suối.
Đám cưới truyền thống của người Bana K’riêm ở Vĩnh Thạnh thường được tổ chức tại hai địa điểm, đó là lễ cưới ở nhà trai và lễ cưới ở nhà gái. Hai lễ cưới này được tổ chức song hành và có khá nhiều nét tương đồng nhau nhưng tựu chung đều trải qua khá nhiều phân đoạn và nghi thức khác nhau. Lễ cưới gồm nhiều lễ nhỏ, và quan trọng nhất là lễ rước dâu và lễ cúng cô dâu, chú rể chính thức thành vợ chồng.
Lễ rước dâu là một nghi thức quan trọng. Khi đoàn rước đi ngang qua cổng nhà cô dâu thì cô dâu và đoàn người nhà gái nhập vào phía sau đoàn rước (không có chú rể đi cùng). Lúc này, cô dâu phải đeo sẵn một gùi củi sau lưng để đem về nhà chồng. Điều này hàm ý cô dâu là người siêng năng, làm nương rẫy giỏi. Bó củi cũng chính là lễ vật ra mắt nhà trai của cô dâu.
Theo phong tục của người Bana K’riêm, trong đám cưới, cô dâu phải mặc bộ trang phục cũ, thậm chí là bị rách cũng được; không được mặc bộ đồ mới, sặc sỡ. Theo quan niệm của đồng bào, mặc như vậy, chú rể sẽ thấy cô dâu bình dị, khi chính thức trở thành vợ chồng, người chồng sẽ thấy vợ mình đẹp hơn trong trang phục mới...
Khi đoàn nhà gái vào đến nhà trai, nhà trai sẽ làm lễ mời trầu. Ngay sau đó thì cô dâu tương lai phải thực hiện các nghi lễ đi múc nước và giã gạo. Cô dâu mang quả bầu khô ra suối múc nước, rồi đem về đổ vào nồi đồng. Nước này sẽ được dùng để rót vào các ghè rượu cần, sử dụng cho các nghi thức tiếp theo.
Tái hiện lại nghi lễ cô dâu giã gạo, trong một đám cưới truyền thống của người Bana K’riêm ở làng K8, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh.
Thực hiện nghi lễ múc nước xong, cô dâu sẽ ra ngoài sân để thực hiện nghi lễ giã gạo. Một chiếc cối và lúa đã được chuẩn bị sẵn ngoài sân, cô dâu sẽ phải tự tay giã số lúa đó thành gạo. Sau khi giã xong thì sàng sảy gạo và đổ vào một chiếc gùi. Việc giã lúa, sàng gạo trong chừng mực nào đó là một cách thẩm định khả năng lao động và sự khéo léo của cô dâu.
Sau khi thực hiện xong các nghi lễ này, nhà trai sẽ tổ chức một số nghi lễ nhỏ khác như: lễ uống rượu cần mừng cô dâu, lễ cúng rượu mời nhà gái ăn cơm, lễ cúng dãy ghè rượu để mời bà con dòng họ… Thực hiện xong các nghi lễ này, hai bên sẽ thực hiện nghi lễ quan trọng nhất - lễ cúng cô dâu chú rể chính thức thành vợ chồng. Phải đến nghi lễ này, chú rể mới xuất hiện cùng cô dâu. Thầy cúng đọc bài cúng báo tin cho Giàng, dòng họ chứng kiến cô dâu, chú rể chính thức thành vợ chồng.
Ngay sáng sớm hôm sau ngày cưới, đôi vợ chồng mới cưới phải tiến hành nghi lễ đi xúc cá ngoài suối. Đây được xem là một hoạt động lao động chung đầu tiên kể từ khi hai người chính thức thành vợ chồng. Cá xúc được sẽ được xem là thành quả lao động đầu tiên của đôi vợ chồng trẻ. Tiếp sau lễ đi xúc cá, cô dâu và chú rể sẽ cùng với thầy cúng, bố mẹ và anh em nhà trai lên rẫy lao động. Đây được xem là hoạt động lao động đầu tiên mà cô dâu cùng làm chung với gia đình nhà trai. Điều này sẽ giúp cô dâu sớm làm quen và bắt nhịp với cuộc sống của nhà chồng.
Ở đây, có thể thấy rằng, khác với quan niệm truyền thống của đồng bào Kinh - phụ nữ chủ yếu là nội trợ, lo những việc trong nhà, chăm sóc con cái… - với đồng bào Bana, phạm vi lao động, khối lượng lao động của phụ nữ như đã thấy qua các nghi lễ, cũng như từ thực tế đời sống sau này, lớn hơn nhiều.
Việc nghiên cứu phong tục đám cưới truyền thống của người Bana K’riêm ở Vĩnh Thạnh giúp ta có cái nhìn tổng quan và sâu sắc về văn hóa truyền thống của cộng đồng này. Từ kết quả nghiên cứu, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh sẽ có hướng bảo lưu và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của người Bana K’riêm đúng và chính xác.
NGUYÊN VIỆT