Lặng thầm những dấu chân
Tự nhận làm việc chân tay bình thường, có gì đâu mà kể, nhiều hộ lý, y công cứ lắc đầu nguầy nguậy khi tôi gặp, đề nghị viết bài. Thực tế, rất ít người biết, hiểu được nỗi vất vả và những đóng góp thầm lặng của họ.
BVĐK tỉnh đã 2 lần tổ chức tuyên dương hộ lý, y công tiêu biểu. Trên thực tế, cơ hội được tuyên dương, khen thưởng của họ rất hiếm. Dù vậy, nhiều người trong số họ vẫn âm thầm làm tốt công việc được giao.
Chị Võ Thị Khánh Vân (giữa) chia sẻ về công việc, cuộc sống tại Hội nghị tổng kết 5 năm phong trào thi đua của hộ lý, y công BVĐK tỉnh.
Vất vả
Sáng 12.8, như thường lệ, phòng Hồi sức cấp cứu của khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức (BVĐK tỉnh) lại tất bật với rất nhiều bệnh nhân nặng. Trên giường đầu tiên ngay cửa ra vào, cụ bà Nguyễn Thị D. (91 tuổi, ở TX An Nhơn) vừa nôn ói dữ dội, ướt từ đầu đến chân. Hộ lý Nguyễn Thị Kim Huệ cùng 2 người khác nhanh tay làm vệ sinh cho bệnh nhân. Từ mặt xuống ngực, chân tay, ngay cả vùng kín cũng lau chùi thật kỹ. Rồi thay ga giường, gội đầu cho bà cụ.
“Giữ vệ sinh cho bệnh nhân là việc chính của hộ lý. Ngoài ra, còn đủ thứ việc linh tinh không tên, từ đưa bệnh nhân đi xét nghiệm, chụp phim, đến dọn rác, rửa nhà vệ sinh, lau chùi từng cái giường... Cứ thế chẳng ngơi tay, làm hoài, làm miết” - chị Huệ kể.
Làm hộ lý, yêu cầu quan trọng là chịu khó, chấp nhận vất vả. Nhưng để làm hộ lý ở khoa Lão cần nhiều hơn thế. Bệnh nhân ở đây toàn người già, bình thường đã chẳng dễ tính, ốm đau lại càng khó chịu. 10 năm gắn bó với khoa Lão, hộ lý Lê Thị Thanh Thiện bảo rằng, ai cũng đáng tuổi cha mẹ nên phải tế nhị, hết sức nhẫn nhịn nếu xảy ra “va chạm”. Làm việc thì lúc nào cũng chú ý nhìn trước ngó sau, nhẹ nhàng để không gây ra tiếng động mạnh.
Bà Huỳnh Thị Nay bảo, rất quý hộ lý Lê Thị Thanh Thiện bởi chị chu đáo, vui vẻ.
Song vất vả nhất là chăm sóc những người già lang thang, không có thân nhân chăm nuôi. Vừa rồi, có cụ ông Lê Kẹo, 85 tuổi, quên quên nhớ nhớ, chẳng biết nhà mình ở đâu, lâu lâu lại đi lạc khắp nơi. Chị Thiện và đồng nghiệp phải lo cho ông cụ “từ A đến Z”, vệ sinh hàng ngày, bón cơm, cho uống thuốc. Khỏe lại, ông được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, cười hề hề, nói cám ơn các cô!
Vào BVĐK tỉnh, nhiều người dễ nhận ra Đội trưởng Đội bảo vệ Lưu Văn Còn bởi thân hình to lớn và vẻ mặt có phần “bặm trợn”. Ngoại hình ấy rất hợp với công việc ở môi trường phức tạp, đông người ra vào, nhiều lần phải đối diện với bọn côn đồ nhào vào viện đòi đánh người sau những trận “thư hùng” bên ngoài.
Cách đây 2 năm, mùa World Cup 2014, anh Còn góp công quan trọng để lực lượng Công an bắt được một tên cướp nguy hiểm. Nhận được tin báo có đối tượng bị Công an tỉnh Phú Yên truy nã đang lảng vảng trong Bệnh viện, lúc đi tuần, anh Còn hết sức lưu ý. Thấy một thanh niên cởi trần, nằm ở hành lang khoa Hồi sức Nội có vẻ khả nghi, anh lân la hỏi chuyện. Sau đó, đợi đối tượng ngủ say, anh bật đèn pin quan sát, thấy đúng trên cánh tay trái có 3 vết sẹo liền nhau, anh báo Công an, tiếp tục theo dõi. Ngay trong đêm, đối tượng bị tóm gọn.
Đảm bảo cảnh quan sạch sẽ là nhiệm vụ của Tổ Ngoại cảnh, nơi bà Phan Thị Ninh gắn bó 18 năm qua.
Vững bước
Năm 1998, bà Phan Thị Ninh vào làm việc ở khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn. Tổ Ngoại cảnh của bà lo đảm bảo vệ sinh cho cả khuôn viên Bệnh viện. Trước, chỉ có 7 người làm việc “bở hơi tai”, mới đây được tăng lên 13 người, chia thành 6 khu vực quét dọn và 1 khu vực thu gom rác - nơi làm việc của 3 người đàn ông trong tổ. Những khi có ai đau ốm hay nghỉ phép, bà Ninh phải tăng cường phụ đẩy xe rác nặng nề, dù người tổ phó này đã 58 tuổi.
“Lúc mới vào nghề, lương tháng chỉ 300 ngàn đồng, Bệnh viện chưa xây dựng khang trang, công việc vất vả, nên nhiều lúc nản, cũng muốn bỏ việc. Thế rồi cũng vượt qua hết, bám trụ đến hôm nay. Mình làm việc đơn giản vậy thôi nhưng cũng phải có tinh thần trách nhiệm, quan trọng nhất là đừng để ai nhắc nhở, phê bình vì nơi này, chỗ kia chưa sạch sẽ” - bà Ninh trải lòng.
Nói về ý chí vượt khó, tôi lại nhớ đến câu chuyện về cuộc sống đầy gian nan của hộ lý Nguyễn Thị Kim Huệ. Quê ở xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn, nhà nghèo lại có đến 12 anh chị em; học hết lớp 9, chị Huệ phải bươn chải nuôi các em. Tất tả mãi, đến năm 35 tuổi, chị mới lập gia đình. Cưới nhau được mấy năm thì anh phát bệnh thoát vị đĩa đệm nặng, bỏ việc, ở nhà hẳn. Vậy là hai người hoán đổi, chồng làm việc nhà, vợ cáng đáng kinh tế. Và chiều nào cũng vậy, rời bệnh viện, chị Huệ thành người giúp việc, làm liên tục đến gần nửa đêm. Hiện tại, chị nhận dọn dẹp cho 4 nhà, mỗi đêm làm ở 2 nơi.
Nhìn vóc dáng nhỏ nhắn của người phụ nữ 51 tuổi này, chẳng hiểu ở đâu chị có nhiều sức lực để làm việc quần quật đến thế. “Mùa nắng còn đỡ, chứ mùa mưa thì cực vô cùng. Nhiều đêm, chủ nhà thương bảo, hay là ngủ
lại cho đỡ mệt, nhưng tui vẫn về. Được cái, tiền công đêm nào trả đêm nấy, thường thì tám chục ngàn, có khi lên trăm ngàn đồng, có cái để lo chợ búa ngày hôm sau” - chị Huệ chia sẻ.
Cùng có lựa chọn như chị Huệ là chị Võ Thị Khánh Vân, hộ lý khoa Nội Tổng hợp. Để đảm bảo kinh tế gia đình, chị cũng nhận làm giúp việc vào ban đêm, khi hoàn thành công việc ở bệnh viện. Ngoài 2 nhà cố định trong tuần, thứ Bảy, Chủ nhật chị nhận thêm “mối” khác. “Là việc phụ, nhưng thu nhập là chính!” - chị bảo vậy.
Đằng sau vẻ ngoài “bặm trợn” của một bảo vệ, anh Lưu Văn Còn còn là một người thích văn nghệ, hát vọng cổ rất ngọt.
Điểm tựa
Con đường vào nghề của chị Vân đầy trắc trở, bởi chị từng thấy máu là muốn xỉu. Ông ngoại chồng quyết liệt ngăn cản, vì “nhà đâu để con thiếu ăn”; người anh họ ở quê vào viện thấy chị làm hộ lý, bảo “Cô mầy bôi bác dòng họ”… Thế nhưng, chị vẫn quyết bám trụ. Vì muốn tự mình lo cho tương lai con cái, vì nghĩ hộ lý cũng là việc giúp ích cho nhiều người. Chị từng trả lời người anh họ: “Em đâu có ăn cắp, ăn trộm gì đâu anh!”.
Chị Vân được nhiều người khen ngợi vì cách ứng xử khéo léo với bệnh nhân. Gặp người phải truyền tiểu cầu, chị hỏi thăm: “Bữa nay xài mấy con mực vậy bác?” (bịch tiểu cầu có hình dạng giống con mực); với bệnh nhân COPD, chỉ bình ôxy, chị đùa: “Mấy bữa nữa là “ly dị” với em này đây?”… Chị chia sẻ rằng, bên cạnh gia đình đầm ấm, chị còn có những điểm tựa khác để mạnh mẽ bước qua những nhọc nhằn hàng ngày. Đó là tình cảm của đồng nghiệp, là cái nắm tay thật chặt của những bệnh nhân nặng không thể nói nên lời “Cảm ơn”...
“Chính sự nhanh nhẹn, nhiệt tình, trách nhiệm của những hộ lý như chị Thiện góp phần quan trọng vào công việc của các điều dưỡng cũng như hiệu quả điều trị”
Bà TRẦN THỊ THO - Điều dưỡng trưởng của khoa Lão, BVĐK tỉnh
Người ngoài nhìn vào cứ nghĩ người hộ lý sẽ nhàm chán với những công việc lặp đi lặp lại. Nhưng không, công việc của các chị cũng thiên biến vạn hóa, phụ thuộc vào các nhóm bệnh nhân, công việc khác nhau. Và quan trọng nhất là các chị biết tìm cho mình niềm vui sống từ những công việc hàng ngày.
Cũng như chị Vân, chị Lê Thị Thanh Thiện rất gần gũi với bệnh nhân nhờ cái nết vui vẻ, hòa đồng. Tiếng cười của chị như xua đi mùi thuốc sát trùng nơi bệnh phòng. Cụ bà Huỳnh Thị Nay, đang điều trị chứng đau khớp ở khoa Lão, nhận xét: “Cái cô Thiện này hay lắm, không chỉ chu đáo mà còn rất hay chuyện. Cổ nói là tụi tui cười, quên hết đau”.
Điều dưỡng trưởng của khoa Lão Trần Thị Tho cho hay, chính sự nhanh nhẹn, nhiệt tình, trách nhiệm của những hộ lý như chị Thiện đã góp phần quan trọng vào công việc của các điều dưỡng cũng như hiệu quả điều trị.
Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Phạm Thị Oanh cho rằng, đóng góp thầm lặng của các hộ lý, y công rất cần được trân trọng, tôn vinh. Bác sĩ Oanh cũng cho biết, kể từ ngày 1.5.2016, hơn 300 nhân viên hợp đồng của BVĐK tỉnh đã được nâng lương, trong đó có 183 hộ lý, y công. “Điều đó thể hiện sự ghi công đối với hộ lý, y công, tạo động lực để họ yên tâm công tác, gắn bó với bệnh viện và làm tốt hơn nữa công việc của mình” - bác sĩ Oanh khẳng định.
Tăng lương rồi, mỗi tháng chị Huệ được nhận 3,2 triệu đồng. “20 năm làm việc, nay được tăng lương. Mừng, mừng ghê lắm!” - chị cười giòn tươi.
***
Nhiều người bảo, vào bệnh viện sợ nhất là hộ lý, bởi nhiều người hay nổi nóng, cộc cằn. Làm đủ việc, tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân và người nhà, trong đó không phải không có những người quá quắt trong sinh hoạt, giao tiếp, rõ ràng không tránh khỏi những lúc hộ lý lớn tiếng. Tôi vẫn nghĩ, quan trọng nhất là mọi người cùng hiểu và thông cảm cho công việc, hoàn cảnh của nhau…
NGUYỄN VĂN TRANG