Bỏ việc lương cao, theo đuổi dự án giáo dục vì cộng đồng
Ðó là anh Huỳnh Hạnh Phúc (29 tuổi, ở phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn), cựu học sinh chuyên Anh, Trường THPT chuyên Lê Quý Ðôn; thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Ðại học (ÐH) Missouri và thạc sĩ Chính sách công ÐH Harvard (Hoa Kỳ). Khi đang làm việc cho một doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh với mức lương trên 100 triệu đồng/tháng, anh Phúc xin nghỉ việc để theo đuổi dự án vì cộng đồng “Teach for Vietnam” (tạm dịch: Giảng dạy vì Việt Nam).
Hạnh Phúc sinh ra trong một gia đình có bố làm công chức, mẹ là giảng viên tiếng Anh Trường ĐH Quy Nhơn, nên việc học của anh rất được gia đình quan tâm. Sau khi tốt nghiệp xuất sắc ngành Quản trị kinh doanh Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), Hạnh Phúc trải qua đợt phỏng vấn khắt khe và được nhận vào làm kế toán cho Intel Việt Nam. Làm đúng 1 năm, anh xin nghỉ việc.
Huỳnh Hạnh Phúc (thứ hai từ trái sang) cùng các đồng môn trong ngày nhận bằng thạc sĩ Chính sách công tại ĐH Harvard.
Có duyên với học bổng du học
* Được làm cho Intel Việt Nam là mơ ước của nhiều người, vậy mà anh xin nghỉ việc khi mới làm được 1 năm?
- Với tôi, làm được 1 năm ở Intel Việt Nam cũng đủ để mình học hỏi được nhiều kinh nghiệm. Quan trọng hơn, tôi muốn có thời gian để trang bị cho mình đầy đủ các chứng chỉ cần thiết để xin học bổng du học. Sau khi nghỉ việc ở Intel Việt Nam, tôi vừa học để thi lấy các chứng chỉ, vừa làm tình nguyện viên chương trình Operation Smile Việt Nam (Phẫu thuật nụ cười Việt Nam). Tháng 6.2010, tôi làm tình nguyện viên trên tàu Bệnh viện USNS Mercy (Hoa Kỳ) cập Cảng Quy Nhơn để thực hiện các chương trình về y tế, hỗ trợ cộng đồng.
* Và sau hơn 1 năm “săn” học bổng du học, anh đã đạt kết quả như mong muốn?
- Thực sự tôi không “săn” học bổng du học mà phải nói là tôi có duyên với học bổng du học. Cuối năm 2011, tôi chỉ nộp một đơn duy nhất xin học bổng vào ĐH Missouri, thời điểm nộp đơn cũng gần hết hạn. Sau đó, tôi nhận được tin ĐH Missouri chấp nhận cấp cho tôi học bổng thạc sĩ Quản trị kinh doanh.
Dù học chưa xong, nhưng tháng 10.2012, tôi sáng lập và điều hành Thư quán doanh nhân ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội; cung cấp các khóa học GMAT, CFA và IELTS chất lượng cao với giá thấp nhất thị trường, tư vấn du học miễn phí cho các bạn trẻ muốn lấy các chứng chỉ để đi du học. Và rất nhiều bạn quê ở Bình Định đã được nhận học bổng.
* Tháng 6.2013, anh mới học xong chương trình ở ĐH Missouri nhưng tháng 12.2012 lại tiếp tục nộp đơn xin học bổng ĐH Harvard. Vì sao anh lại quyết định như vậy?
- Hay tin tôi nộp đơn xin học bổng vào ĐH Harvard, gia đình và bạn bè ngăn cản, bởi nghĩ sẽ không có kết quả. Động lực để tôi nộp đơn vào Harvard, kể ra mọi người tưởng đùa, nhưng rất thật. Chẳng là đang học ở ĐH Missouri, tôi có xem bộ phim Hàn Quốc “Chuyện tình Harvard”. Phim nói về chuyện tình của một anh chàng sinh viên khoa Luật với một cô sinh viên Y tại ĐH Harvard. Cả hai đều có khát khao bảo vệ công lý và chữa bệnh cho người nghèo. Câu chuyện rất nhân văn của phim đã thôi thúc tôi vào học ĐH Harvard.
Hôm nhận được email thông báo đơn của tôi được chấp nhận và được cấp học bổng ngành Chính sách công tại ĐH Harvard, mức học bổng 88.000 USD/2 năm học, tôi vỡ òa trong niềm vui và người đầu tiên nhận tin vui này là mẹ. Tháng 6.2013, tốt nghiệp thạc sĩ ĐH Missouri xong, tháng 8.2013, tôi nhập học tại ĐH Harvard.
Huỳnh Hạnh Phúc (ngồi, thứ ba từ phải qua) cùng các tình nguyện viên Chương trình Operation Smile Việt Nam.
Ðánh thức tiềm năng trong học sinh
Sau 2 năm học, tháng 6.2015, Hạnh Phúc tốt nghiệp thạc sĩ ĐH Harvard và được nhiều công ty, ngân hàng nước ngoài chào đón vào làm việc. Tuy nhiên, anh quyết định về Việt Nam. Hạnh Phúc nhận lời mời vào làm quản lý chiến lược tại Công ty GRAB (TP Hồ Chí Minh) với mức lương trên 100 triệu đồng/tháng. Nhưng làm được 3 tháng, Hạnh Phúc xin nghỉ việc để bắt tay gầy dựng Teach for Vietnam - dự án giáo dục phi lợi nhuận trong nước.
“Teach for Vietnam hiện có 11 thành viên. Qua 2 buổi giới thiệu tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhiều bạn trẻ có nguyện vọng trở thành giáo viên của dự án để cống hiến cho cộng đồng; cũng như để được học hỏi, thực hành các kỹ năng lãnh đạo, quản lý.
Dự án đang trong quá trình lên kế hoạch gây quỹ và hiện có một số cá nhân đóng góp cho dự án hàng tháng; một số doanh nghiệp ngỏ lời đóng góp hỗ trợ khi dự án hoạt động chính thức.
Chúng tôi dự kiến đặt trụ sở Teach for Vietnam tại 493/23 Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, để có thể tuyển được nhiều nhân tố trẻ có tố chất xuất sắc tham gia; cũng vì các thành viên dự án hiện đang sinh sống ở TP Hồ Chí Minh”.
Thạc sĩ HUỲNH HẠNH PHÚC
* Vậy Teach for Vietnam là gì, thưa anh?
- Teach for Vietnam là dự án nhằm góp phần đem lại một nền giáo dục hoàn thiện, bình đẳng và thực tiễn trong thời đại mới tại trường học cho trẻ em Việt Nam, thông qua việc tuyển chọn các hạt giống xuất sắc nhất từ đa ngành nghề nhưng giỏi tiếng Anh. Dự án sẽ đào tạo đội ngũ này kỹ năng sư phạm và kỹ năng mềm; sau đó sẽ đưa đến dạy một số môn học toàn thời gian, bước đầu là môn Tiếng Anh, tại các trường tiểu học và THCS ở các vùng khó khăn trong 2 năm. Tính đa ngành nghề được chúng tôi nhấn mạnh, nhằm tạo ra một hệ sinh thái rộng hỗ trợ cho giáo dục. Nếu nhiều nhân lực giỏi từ đa ngành cùng hướng vào giúp đỡ giáo dục, thì tôi tin giáo dục Việt Nam sẽ có nhiều bước tiến rất lớn.
Kinh phí để dự án hoạt động là từ quỹ dự án, do các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp. Khi triển khai dự án, địa phương chỉ đóng góp một phần kinh phí để chi trả thêm cho giáo viên.
* Ý tưởng của Teach for Vietnam đến với anh từ đâu và có gì mới trong phương pháp giảng dạy theo chương trình của dự án này?
- Khi học ở ĐH Harvard, một người bạn chung lớp với tôi tham gia dự án Teach for America (đối tác của Teach for All- tổ chức giáo dục phi lợi nhuận quốc tế thành lập năm 1989, hiện có 40 đối tác trên toàn cầu), một dự án mà tôi nghĩ rất phù hợp với Việt Nam. Từ đó, tôi bắt tay “Việt hóa” dự án này để thực hiện tại Việt Nam. Tôi cũng vừa ký kết hợp tác giữa Teach for Vietnam với Teach for All.
Trong phương pháp giảng dạy truyền thống hiện nay, giáo viên là trung tâm, hệ quả là học sinh thụ động, dẫn đến chán học, mất dần tư duy sáng tạo. Với dự án này, chúng tôi đặt học sinh vào trung tâm, giúp các em phát huy hết tiềm năng của mình, đánh thức trong các em đam mê học tập và giúp các em định hướng, xây dựng mục tiêu, tăng khả năng suy luận, sáng tạo, các kỹ năng mềm thiết yếu và ngoại ngữ.
* Chương trình giảng dạy của dự án có bám sát chương trình của Bộ GĐ&ĐT hay là theo chương trình riêng?
- Tất nhiên là bám sát chương trình của Bộ GD&ĐT. Trong 2 năm, giáo viên của dự án sẽ dạy các môn học trong khung chương trình của Bộ GD&ĐT để giúp các em cải thiện về kiến thức và kết quả học tập. Giáo viên của chúng tôi sẽ hợp tác, trao đổi với các giáo viên khác ở trường; chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy và làm việc với học sinh. Trong 2 năm ấy, đội ngũ của dự án sẽ luôn luôn theo sát và hỗ trợ các giáo viên; giúp họ nâng cao chuyên môn và nghiệp vụ. Danh sách các môn học phù hợp sẽ cùng được thảo luận với trường và địa phương.
Huỳnh Hạnh Phúc, cùng các thành viên dự án, đang giới thiệu dự án Teach for Vietnam cho các bạn trẻ tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 7.2016.
Hướng về cộng đồng
* Trong quá trình xây dựng và khởi động dự án Teach for Vietnam, vì sao anh chọn Bình Định làm thí điểm?
“Nếu nhiều nhân lực giỏi từ đa ngành cùng hướng vào giúp đỡ giáo dục, thì tôi tin giáo dục Việt Nam sẽ có nhiều bước tiến rất lớn”
- Thật sự là tôi muốn đóng góp một phần cho công tác giáo dục của quê hương. Vả lại, Bình Định có một số tiêu chí để tôi lựa chọn: Du lịch của tỉnh đang phát triển; các hội thảo khoa học quốc tế được tổ chức thường xuyên; chưa có nhiều dự án về giáo dục; nhiều địa phương, trường lớp trên địa bàn tỉnh còn khó khăn.
Theo kế hoạch của dự án, trong năm học 2017-2018, chúng tôi sẽ tuyển chọn, đào tạo và đưa 27 giáo viên về các trường để dạy môn Tiếng Anh. Tuy nhiên, giữa tháng 8.2016, tôi đã làm việc với Sở GD&ĐT Bình Định với mong muốn được triển khai dự án tại tỉnh. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở từ chối vì tỉnh đang thừa giáo viên. Vì vậy, chúng tôi đang tìm kiếm địa phương khác để triển khai. Cũng xin nói thêm, trong lần gặp Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Quy Nhơn để giới thiệu về dự án, Bộ trưởng có đề xuất làm thí điểm ở Bình Định vì một số dự án giáo dục của Bộ cũng đang được thí điểm ở đây.
* Đang làm việc với mức lương khá cao, giờ bỏ tiền túi đi làm dự án vì cộng đồng. Vậy anh có được gia đình ủng hộ và có gặp khó khăn gì trong quá trình triển khai hay không?
- Lúc đầu, gia đình tôi ngăn cản nhưng khi hiểu được ý nghĩa của dự án thì bố mẹ và vợ rất ủng hộ. Nhất là vợ tôi đang làm trưởng phòng cho một công ty kiểm toán nước ngoài, là bạn học chung lớp chuyên Anh thời cấp 3 nên rất hiểu và chia sẻ với tôi. Về kinh tế, tôi có ít tiền tiết kiệm được lúc đi làm cũng như từ học bổng. Số tiền này đang được đầu tư vào lĩnh vực tài chính, hàng tháng tiền lãi đủ cho tôi chi tiêu cá nhân, thực hiện dự án và trả lương cho một số thành viên dự án làm việc toàn thời gian.
* Cảm ơn anh. Chúc anh cùng các cộng sự thành công với dự án của mình!
NGUYỄN PHÚC (Thực hiện)
"Tuy nhiên, giữa tháng 8.2016, tôi đã làm việc với Sở GD&ĐT Bình Định với mong muốn được triển khai dự án tại tỉnh. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở từ chối vì tỉnh đang thừa giáo viên. Vì vậy, chúng tôi đang tìm kiếm địa phương khác để triển khai." -- Cơ hội chẳng đến lần 2 bao giờ.
Không ai hiểu rõ hiện trạng ngành giáo dục của tỉnh hơn ông giám đốc sở tại : thừa (tương đối) giáo viên, thiếu ngân sách và dụng cụ giảng dạy. Khi hợp tác với dự án TFV : giáo viên các trường sẽ được nâng cao và bổ sung về chuyên môn và kỹ năng giảng dạy, địa phương về cơ bản không phải chi ngân sách cho dự án. Đây cũng là một trong những giải pháp xã hội hóa giáo dục đồng thời phục vụ cho mục tiêu cải cách giáo dục trên cả nước. Do đó Bộ trưởng BGD rất đồng tình. Theo tôi thì tỉnh nhà nên mở cửa. Bài hay ảnh đẹp.