Nơi in dấu tình hữu nghị Việt - Lào
Ðó là căn nhà loang lổ rêu phong của cụ Trần Nhiên ở thôn An Xuyên 1, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ. Ở nơi này, nhạc phụ và 3 con của Hoàng thân Souphanouvong được gia đình cụ Trần Nhiên chăm nuôi, bảo vệ trong 2 năm 1947-1948.
Ông Trần Vĩnh Khiêm là người lưu giữ những kỷ vật của gia đình.
Ký ức một thời
Năm nay 78 tuổi, lúc nhớ lúc quên, nhưng nhắc lại sự kiện trọng đại của gia đình, bà Trần Thị Điểu (thôn An Xuyên 1, xã Mỹ Chánh) lại rành rọt hẳn. Năm 1947, lúc này bà 8 tuổi, gia đình đón những vị khách đặc biệt từ nơi xa đến. Mãi sau này, lớn lên, bà mới biết người già nhất là ông Nguyễn Văn Sung - nhạc phụ của Hoàng thân Souphanouvong, 3 đứa trẻ có tên thường gọi là cậu Xây (7 tuổi), cậu Đường (5 tuổi) và cô Nga Hoàng (3 tuổi). Còn người đàn ông đến nhà, giao nhiệm vụ cho gia đình là Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. “Cả 3 đứa đều kháu khỉnh, dễ thương lắm”, bà Điểu vui vẻ nói.
Em trai bà Điểu - ông Trần Vĩnh Khiêm là người giữ các tài liệu quan trọng liên quan đến sự kiện này: Tờ khai sơ yếu lý lịch của ông Trần Nhiên, Thư thăm hỏi của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thư của cố Chủ tịch UBND tỉnh Tô Đình Cơ gửi cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng... Theo ông Khiêm, cha mình là Trần Vĩnh Ký cùng anh trai Trần Nhiên là “chủ công” được Cách mạng giao nhiệm vụ nuôi giấu 4 nhân vật đặc biệt. “Bác gái tôi - bà Lương Thị Kim Phụng, là người gốc Hoa, nấu ăn rất ngon. Có lẽ, đó là một trong những lý do khiến nhà tôi được giao nhiệm vụ quan trọng này”.
Ngôi nhà cấp 4 của cụ Trần Nhiên nay nằm sát đường 639, đã xuống cấp dù từng được tu sửa. Cách đó chừng một cây số là nhà người mẹ - cụ Đặng Thị Tình, nép mình bên bờ sông La Tinh. “Nghe kể lại, có lần nhận được tin cấp báo, mọi người cùng rồng rắn kéo qua nhà nội. Chỉ 30 phút sau, lính Pháp càn tới, đốt nhà bác tôi”, ông Khiêm bồi hồi kể.
Thư chúc Tết của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi cụ Trần Nhiên năm 1983.
Cần giữ gìn một “địa chỉ đỏ”
Theo tờ khai sơ yếu lý lịch có xác nhận của chính quyền, cụ Trần Nhiên sinh năm 1911, từng là Chủ tịch đầu tiên Ủy ban Hành chính thôn An Xuyên, năm 1947-1948 là Chủ tịch Mặt trận Liên hiệp Quốc dân xã Mỹ Chánh. Sau 1975, cụ Nhiên sinh sống ở nhà số 292 đường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn. Sau đó, chuyển vào TP Hồ Chí Minh và mất cách đây hơn 10 năm. Cụ Nhiên có 4 người con, đều đã mất.
Hoàng tử của Hoàng gia Lào Souphanouvong là người chiến sĩ cách mạng đầy nhiệt huyết. Với biệt danh “Hoàng thân Ðỏ”, Souphanouvong là Chủ tịch đầu tiên của nước Cộng hòa DCND và được Ðảng, Nhà nước Lào trao giữ nhiều trọng trách khác. Tháng 7.1937, Souphanouvong nhận công tác tại Sở Công chính An Nam (Trung kỳ, đóng tại Nha Trang). Tại khách sạn Bon Air, Hoàng thân đã gặp bà Nguyễn Thị Kỳ Nam, con gái của ông chủ Nguyễn Văn Sung. Bà Nam là nữ sinh trường Ðồng Khánh (Huế), từng là hoa khôi Trung bộ. Ông bà Hoàng thân có tất cả 10 người con.
Ghi nhận công lao của gia đình cụ Trần Nhiên, nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Hợi năm 1983, ngày 29.1.1983, cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng có thư gửi ông bà cụ Trần Nhiên. Nội dung bức thư như sau: “Nhân dịp Tết Nguyên đán (năm Quý Hợi), tôi thân mến gửi lời thăm và chúc cụ ông, cụ bà năm mới có đầy đủ sức khỏe mới, giúp đỡ con cháu tiến bộ mới. Tôi vẫn nhớ ông bà cụ có công nuôi cụ Nhạc phụ và 3 cháu con cụ Hoàng thân Souphanouvong năm 1947 và 1948 tại An Xuyên, Phù Mỹ, Nghĩa Bình. Cuối thư xin cảm ơn hai cụ, một lần nữa chúc hai cụ và gia đình mạnh khỏe có nhiều tiến bộ mới”.
Ngày 8.2.1983, cố Chủ tịch UBND tỉnh Tô Đình Cơ gửi thư cho đồng chí Phạm Văn Đồng, báo cáo đã chuyển thư cùng quà tặng (rượu lúa mới và trà Thanh Hương) đến cụ Trần Nhiên. Qua đó, có thể thấy đóng góp của gia đình cụ Trần Nhiên đã được ghi nhận và đánh giá cao. Ngôi nhà của cụ như một “địa chỉ đỏ”, in dấu quan hệ hữu nghị Việt - Lào bền chặt suốt chiều dài lịch sử đấu tranh bảo vệ và dựng xây đất nước. “Địa chỉ đỏ” này rất cần được bảo tồn, gìn giữ, trở thành một di tích cách mạng để giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau...
Năm đoàn kết hữu nghị Việt - Lào 2017 đã khép lại. Song, còn mãi là những ân tình. Như lời Chủ tịch Souphanouvong sinh thời từng nói: “Tình hữu nghị đó cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm, ngát hương hơn bất cứ đóa hoa nào thơm nhất. Tình hữu nghị cao đẹp đó đã được vun trồng, xây đắp với tất cả tấm lòng thành thật của chúng ta. Do đó, không thể có hung thần nào, không thể có kẻ thù nào phá vỡ nổi”.
N.V.TRANG