|
Ông Nguyễn Văn Học, nguyên Đại đội trưởng Đặc công nước 598 |
Từ sau năm 1970, gắn với cảng Quy Nhơn là hàng loạt chiến công vang dội của Đại đội Đặc công nước 598. Những chàng “Yết Kiêu” thời hiện đại đã đánh 25 chiếc tàu giặc và một số cứ điểm có tính chất quan trọng trên khô.
Anh Nguyễn Văn Học, nguyên Đại đội trưởng, kể cho chúng tôi về một trong số những chiến công đó. Đó là vào tháng 11-1970, sau hai năm liền kể từ ngày vào chiến trường Bình Định nhận nhiệm vụ, Đại đội chưa hoàn thành nhiệm vụ trung tâm, chưa đánh được một chiếc tàu nào. Ngày 18-11, sau khi 3 chiến sĩ đi trinh sát về báo cáo tình hình là có thể đánh được, Đại đội xác định quyết tâm và giao nhiệm vụ cho hai đồng chí Học và Liễn. Hôm sau, họ cùng hành quân xuống tập kết ở núi Đen. 16 giờ ngày 20-11, tất cả đã được chuẩn bị sẵn sàng để ra vị trí chiến đấu. 21 giờ, hai đồng chí được giao nhiệm vụ vào vị trí và xuất phát lúc 22 giờ. Họ phải bơi cắt ngang qua đầm Thị Nại. Trên đường hành quân, dây nối kéo khối thuốc bị bo bo tuần tra cắt đứt. Hai chiến sĩ phải quay lại tìm và đến 24 giờ 30, mới vào đến mục tiêu. Sau khi họ đã buộc kíp vào cầu cảng, chuẩn bị gắn kíp, thì phát hiện khối thuốc nằm cao, chưa đúng vị trí khoang máy, phải hạ khối thuốc xuống. Sau khi gắn kíp, trên đường bơi về, các chiến sĩ gặp bo bo địch đậu ở mũi tàu. Phải chờ đến 1 giờ sáng, bo bo bỏ đi, hai đồng chí mới bơi ra được. Trên đường về, nghe một tiếng nổ rất lớn phía sau. Khi về đến đơn vị thì đã 4 giờ sáng. Sáng hôm sau, Đài BBC loan tin cầu cảng đã bị phá 30m, chiếc tàu 15.000 tấn bị một lỗ thủng ở thân tàu cao 1,6m, dài 8m.
Sau chiến thắng khai mào trên đây, Đại đội liên tục giành chiến công, đánh đâu thắng đấy. Tính ra, từ năm 1968, thời điểm Đại đội vào Bình Định đóng quân, cho đến ngày toàn thắng 1975, Đại đội đã đánh được 25 chiếc tàu giặc. Ngoài ra, Đại đội còn tham gia đánh một số cứ điểm quan trọng trên khô như khu Hải Minh, nơi đóng quân của một đại đội Mỹ trên bán đảo Phương Mai, cầu Đôi... Có thời điểm, Đại đội nhận ba nhiệm vụ cùng một lúc: đánh sập Cầu Đôi, đánh tàu trên Cảng Quy Nhơn, đánh vào chốt ở ngã ba Đống Đa và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong khi đó, quân số của Đại đội cao nhất cũng chỉ trên dưới 40 đồng chí, tất cả đều là người các tỉnh phía Bắc. Có lúc, Đại đội chỉ còn chưa tới chục người.
Những chi tiết trên đây chỉ là những tường thuật “thô”. Còn để làm nên một chiến công như vậy, là bao mồ hôi, xương máu và quyết tâm của những chiến sĩ đặc công. Với một chiến sĩ đặc công nước, không chỉ cần bơi, lặn giỏi, mà quan trọng không kém là sức chịu đựng. Phải ngâm hàng mấy tiếng đồng hồ dưới nước mà không có áo bơi hay bất cứ thứ gì đại loại như vậy. Trời càng lạnh, trời mưa thì càng phải đánh và dễ đánh. Để chống lại cái lạnh, mỗi người lính khi xuất phát phải uống nước mắm, càng nhiều càng tốt. Trên đường hành quân, vừa bơi, họ vừa kéo theo khối thuốc nổ không dưới 150 kg.
Chiến sĩ đặc công nước rất cần một quyết tâm cao. Anh Học khẳng định: “Chỉ cần anh trù trừ một chút, thiếu quyết tâm một chút là không dám vào. Cứ 15 phút là bo bo chạy thả mìn một lần, vào đến cảng thì đèn sáng trưng như ban ngày. Nếu những cuộc chiến đấu trên khô, ác liệt hơn nhưng bên ta có cả đại đội; thì dưới nước sự ác liệt chỉ diễn ra với một người lính. Tính độc lập càng cao, thì càng đòi hỏi người lính phải quyết tâm hơn để hoàn thành nhiệm vụ”.
Những chiến công vang dội của Đại đội đã làm địch khiếp sợ; đặc biệt, đã làm cản trở đường vận tải của địch thông qua cảng Quy Nhơn, góp phần vào chiến thắng chung của quân và dân Bình Định. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đại đội 598 đã được tuyên dương anh hùng.
Hoàn thành nhiệm vụ, những người lính đặc công, một số phục viên trở về quê hương, một số chuyển sang các đơn vị khác. Tuy vậy, Đại đội 598 cùng chiến công của những chàng “Yết Kiêu” thời nay vẫn mãi mãi ghi một dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử cuộc chiến tranh nhân dân và trong lòng mỗi người Bình Định.
. Khải Nhân
|