Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập của cán bộ, đảng viên
16:23', 12/5/ 2003 (GMT+7)

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Những tư tưởng của Người về công tác này đã và đang chứng tỏ nhiều giá trị to lớn, nó quyết định năng lực, phẩm chất cán bộ, đảng viên để đảm đương trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó, nhất là trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, CNH-HĐH đất nước nói chung và ở mỗi địa phương, đơn vị nói riêng.

Về mục đích học tập của cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh chỉ rõ: học để làm việc, làm người, làm cán bộ, để phụng sự đoàn thể, giai cấp, nhân dân và cho Tổ quốc; học để sửa chữa tư tưởng, tu dưỡng đạo đức cách mạng, kiên định bản lĩnh, củng cố niềm tin và hành động sáng suốt, nghĩa là học tập để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác của Đảng trong từng thời kỳ, từng giai đoạn. Mục đích học tập được xác định như vậy, rõ ràng là mang tính cách mạng, để phục vụ nhân dân tốt hơn, hiệu quả hơn. Do đó, học tập còn mang giá trị đạo đức, nếu xem nhẹ một trong các mặt tư tưởng, cách mạng, đạo đức thì đều là thiếu sót. Bởi vì, học tập không phải chỉ để có bằng cấp, tuy bằng cấp là rất quan trọng, nhưng bằng cấp chỉ có giá trị khi người học xác định đúng đắn mục đích học tập, chứ không vì động cơ học để khoe khoang, “trang trí”, phục vụ cho mục đích cá nhân, để vinh thân, để làm “ông thông, ông phán”, mà học để nâng cao trình độ hiểu biết, để phục vụ công tác tốt hơn. Vì vậy, Người nói: cán bộ phải có động cơ học tập trong sáng và phải luôn “chính tâm” trong học tập.

Về nội dung học tập, Hồ Chí Minh đòi hỏi người cán bộ, đảng viên, ngoài việc học tập các môn lý luận chính trị, còn phải học đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và học chuyên môn. Bác Hồ đặt ra yêu cầu: ai làm lãnh đạo ngành nào, thì phải biết chuyên môn về ngành ấy. Người nói rất cụ thể, chẳng hạn như những đồng chí lãnh đạo ngành hỏa xa, thì phải biết chuyên môn về hỏa xa, ngành tài chính thì phải hiểu biết kinh tế để tính toán chính xác, sát hợp. Nghĩa là cùng với việc học các môn lý luận cơ bản, người cán bộ cần học những môn liên quan đến công việc mà mình phụ trách. Vì kiến thức chuyên môn có vai trò, tác dụng rất quan trọng, đó là một phần tri thức không thể thiếu trong mỗi người cán bộ, đảng viên để thực thi tốt nhiệm vụ được giao. Vấn đề này được Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX) của Đảng nêu rõ: “Tích cực đào tạo, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở, phấn đấu từ nay đến năm 2005 đạt khoảng 70 – 80% cán bộ giữ chức vụ qua bầu cử được đào tạo bồi dưỡng đạt tiêu chuẩn quy định; khoảng 80% cán bộ công chức chuyên môn có trình độ trung cấp trở lên đối với đồng bằng và sơ cấp trở lên đối với miền núi”. Như vậy là không còn tình trạng cán bộ làm việc thiếu kiến thức về chuyên môn.

Về thái độ trong học tập, Người căn dặn “phải học hỏi quần chúng, không giấu dốt, không được kiêu ngạo, phải khiêm tốn, ham học, cầu tiến. Thái độ học tập phản ánh động cơ học tập đúng đắn hay sai lệch và tác động trực tiếp đến kết quả học tập, đến sự thành bại trong công tác của mỗi cán bộ, đảng viên. Do đó, Hồ Chí Minh đòi hỏi phải có thái độ học tập nghiêm túc, đúng mực, cầu thị. Đó là điều mà Bác Hồ luôn luôn quan tâm nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên.

Trong học tập, vấn đề cực kỳ quan trọng là phương pháp học. Bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào của con người cũng cần phải có phương pháp, cách thức tiến hành hoạt động tốt thì mới đạt được kết quả tốt. Đó chính là phương pháp học tập khoa học, giúp cho người học tiếp cận và thu nhận được tri thức mới một cách chắc chắn. Vấn đề này, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế; sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác Lênin. Bác Hồ giải thích: Học mà không hành thì vô ích, hành mà không học thì không trôi chảy, tránh lối học tập tầm chương trích cú, học thuộc lòng một cách thụ động, lối học đó đem lại những kiến thức phiến diện, sáo mòn, giáo điều, và khi áp dụng vào thực tế, thường là máy móc, có khi gây tác hại khôn lường. Do đó, Hồ Chủ tịch yêu cầu phải có ý thức học tập thường xuyên, học suốt đời, học ở sách vở, học lẫn nhau, học từ thực tiễn phong trào, học ở nhân dân.

Những quan điểm đó, đã và đang soi đường cho nhiệm vụ học tập hiện nay đối với cán bộ, đảng viên. Bác Hồ chỉ rõ: Không có thực tiễn là không có sách, không có sách là không có tri thức, không có tri thức là không có CNXH. Vì vậy, muốn có tri thức thì phải ra sức học tập không ngừng, như Lênin đã từng chỉ giáo: “Học, học nữa, học mãi”.

. Th.S Nguyễn Bá Trà

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
An Lão - sốt nấm “linh chi”  (11/05/2003)
Người hết lòng vì sự nghiệp khuyến học  (09/05/2003)
Xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà  (08/05/2003)
Ghi nhận từ hội thi “Văn hóa ẩm thực các món chay”  (07/05/2003)
Đánh bại cuộc hành quân Atlăng   (06/05/2003)
Luân chuyển cán bộ - bước đột phá mới  (06/05/2003)
Cơm bụi   (05/05/2003)
Karl Marx - một vĩ nhân  (05/05/2003)
Ý thức chấp hành Luật Giao thông được nâng lên  (04/05/2003)
Điểm sáng Phụng Sơn  (02/05/2003)
Ổ cờ bạc Vân Hà   (01/05/2003)
Chị Đâu…  (30/04/2003)
Phụ nữ và những điều kỳ diệu sau chiến tranh  (30/04/2003)
Khí thế Bình Định trong những ngày tháng 4-1975  (29/04/2003)
Những “Yết Kiêu” diệt Mỹ   (29/04/2003)