Thư viện tuyến cơ sở: nỗi niềm ai tỏ
16:25', 12/5/ 2003 (GMT+7)

Tại phòng đọc Thư viện tỉnh

Một cán bộ công tác ở Thư viện tỉnh, tâm sự với chúng tôi: “Mỗi lần xuống kiểm tra hoạt động các thư viện huyện là thấy... hết yêu nghề luôn”! Thư viện là một thiết chế văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa và tinh thần của người dân ở các địa phương. Vậy mà...

* Buồn như… thư viện huyện

Bà Hoàng Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh tỏ ra không mấy vui vẻ khi nói về hoạt động của hệ thống thư viện huyện trong tỉnh hiện nay, vì hầu hết đều đang hoạt động một cách cầm chừng. Hãy nhìn vào số lượng người đọc. Năm 2002, toàn bộ 10 thư viện huyện trong tỉnh chỉ phục vụ cho hơn 103.000 lượt người đọc. Trừ thư viện huyện An Nhơn có hơn 10.000 lượt người, còn lại các thư viện khác đều phục vụ cho chưa tới 10.000 lượt người đọc. Riêng thư viện huyện Vĩnh Thạnh cả năm chỉ có 4.158 lượt người đọc. Tất nhiên, đây cũng chỉ là những “con số báo cáo” (!)

Một trong những nguyên nhân làm cho bạn đọc ít mặn mà với thư viện tuyến huyện (dù có nhu cầu học tập, nâng cao trình độ) là do nguồn sách các thư viện đã quá cũ. Tổng số sách hiện nay của các thư viện huyện là 59.375 bản sách, nhưng hầu hết đều là sách mua từ nhiều năm trước. Hàng năm, mỗi thư viện chỉ được bổ sung bình quân khoảng 300 bản. Lượng sách ít ỏi này không thể đáp ứng được nhu cầu bạn đọc. Bên cạnh đó, trang thiết bị của hệ thống thư viện khá lạc hậu.

Thư viện tuyến huyện hiện do Trung tâm Văn hóa-Thông tin các huyện quản lý, Thư viện tỉnh chỉ quản lý về mặt chuyên môn. Các Trung tâm ít quan tâm đến hoạt động của thư viện dù đây được xác định là một thiết chế văn hóa ở cơ sở. Địa phương nào quan tâm thì thư viện được đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung nguồn sách. Chẳng hạn: Thư viện Hoài Nhơn đã bổ sung hơn 10 triệu đồng để mua sách, xây trụ sở khang trang và xử lý lại toàn bộ kho sách; thư viện An Nhơn có trụ sở khang trang, hệ thống tài liệu tương đối phong phú. Còn lại, các thư viện huyện đều đang trong tình trạng chỉ tồn tại một cách hình thức.

* Thư viện cơ sở: khá hơn nhờ xã hội hóa

Bên cạnh 10 thư viện huyện, toàn tỉnh hiện có 40 thư viện xã, 20 tủ sách làng văn hóa, khu phố văn hóa. Nếu thư viện huyện đang hoạt động cầm chừng thì hệ thống thư viện, tủ sách ở các làng, khu phố này lại đang góp phần tích cực vào việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ở các địa phương. Thông qua phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, hệ thống thư viện cơ sở dần được củng cố.

Một trong những nét nổi bật trong hoạt động của các thư viện ở cơ sở là công tác xã hội hóa được triển khai tích cực. Những cựu chiến binh, cán bộ nghỉ hưu, như: Nguyễn Duy Nam (xã Nhơn Phúc- huyện An Nhơn), Nguyễn Trọng Kề (thị trấn Ngô Mây- huyện Phù Cát), Võ Triết Luận (phường Lê Lợi- thành phố Quy Nhơn)… do ham thích sách vở, đã tình nguyện đứng ra thành lập thư viện, phòng đọc sách phục vụ nhân dân. Nhân dân một số địa phương tích cực đóng góp bổ sung nguồn sách cho các thư viện cơ sở. Ngoài ra, tại một số địa phương, các chiến sĩ bộ đội Biên phòng còn tăng cường mượn sách từ Thư viện tỉnh, đã bổ sung nguồn sách cho tủ sách của bộ đội và mở rộng phục vụ cho nhân dân địa phương.

Phòng đọc sách báo của khu vực 4 phường Lê Lợi- TP Quy Nhơn là một ví dụ. Buổi đầu hoạt động, phòng đọc được Thư viện tỉnh đầu tư 300 đầu sách. Không chờ vào cấp trên, Ban vận động Xây dựng khu phố văn hóa của khu vực đã vận động bà con trong khu phố đóng góp cho thư viện của mình. Có gia đình đã tự nguyện đóng góp tới 3 đầu sách. Bà con tự nhắc nhở nhau gìn giữ sách cho thư viện. Rất nhiều độc giả, trong và ngoài phường Lê Lợi, đã tìm đến với Thư viện khu vực 4, từ các em học sinh các trường, đến các cụ già của câu lạc bộ người cao tuổi phường. Số bạn đọc có những ngày lên đến trên 30 lượt người.

Tuy nhiên, không phải thư viện cơ sở nào cũng có được cách làm hay như vậy. Khó khăn về kinh phí và nguồn sách đang làm hạn chế hiệu quả của các tủ sách, thư viện làng, khu phố văn hóa. Khi một thư viện cơ sở được xây dựng, Thư viện tỉnh chỉ có thể đầu tư số sách ban đầu trị giá khoảng 1 triệu đồng. Với thời giá sách như hiện nay thì số đầu sách đầu tư ban đầu này là rất ít. Nếu thư viện nào không vận động được nhân dân đóng góp thì nguồn sách ít ỏi này không thể đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Để phần nào giải quyết tình trạng trên, Thư viện tỉnh cho mỗi tủ sách được mở một sổ mượn tập thể và được mượn từ 100-150 quyển/lần để luân chuyển, tăng cường thêm vốn sách cho thư viện. Đồng thời, trong năm 2003 này, Bộ Văn hóa- Thông tin đã quyết định đầu tư 25 triệu đồng xây dựng tủ sách lưu động nhằm luân chuyển cho tủ sách các làng văn hóa, khu phố văn hóa.

* Cần những bước đi tích cực hơn

Thực trạng trên cho thấy, nếu không đẩy mạnh xã hội hóa thì thư viện cơ sở sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng cầm chừng. Bên cạnh đó, đổi mới cơ chế quản lý, đầu tư kinh phí, bổ sung nguồn sách, nhằm tăng cường hoạt động với thư viện huyện, cơ sở là điều hết sức cần thiết.

Ngoài ra, việc tin học hóa thư viện huyện cần được tiến hành trong một thời gian ngắn nhất. Nếu không sớm tin học hóa, để tiến tới xử lý dữ liệu trên máy, không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc trong tương lai gần và tất nhiên, không thể nâng cao hiệu quả phục vụ, khai thác nguồn tư liệu của thư viện hiệu quả. Hiện nay, phần mềm quản trị dữ liệu thư viện đã được UNESCO tài trợ, việc chuyển giao công nghệ không phải là chuyện quá khó khăn hay cần đầu tư lớn. Trước mắt, theo bà Thủy, Thư viện huyện Hoài Nhơn sẽ là thư viện huyện đầu tiên trong tỉnh được tin học hóa.

Thư viện huyện, cơ sở đang cần những bước đi tích cực để sớm thoát khỏi tình trạng cầm chừng như hiện nay.

. Lê Viết Thọ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập của cán bộ, đảng viên  (12/05/2003)
An Lão - sốt nấm “linh chi”  (11/05/2003)
Người hết lòng vì sự nghiệp khuyến học  (09/05/2003)
Xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà  (08/05/2003)
Ghi nhận từ hội thi “Văn hóa ẩm thực các món chay”  (07/05/2003)
Đánh bại cuộc hành quân Atlăng   (06/05/2003)
Luân chuyển cán bộ - bước đột phá mới  (06/05/2003)
Cơm bụi   (05/05/2003)
Karl Marx - một vĩ nhân  (05/05/2003)
Ý thức chấp hành Luật Giao thông được nâng lên  (04/05/2003)
Điểm sáng Phụng Sơn  (02/05/2003)
Ổ cờ bạc Vân Hà   (01/05/2003)
Chị Đâu…  (30/04/2003)
Phụ nữ và những điều kỳ diệu sau chiến tranh  (30/04/2003)
Khí thế Bình Định trong những ngày tháng 4-1975  (29/04/2003)