Bác sĩ "kiêm" dược sĩ, "kiêm" trình dược viên!
10:45', 4/6/ 2004 (GMT+7)

* Từ một vụ án

Trong khoảng thời gian từ tháng 10-1998 đến tháng 3-2003, bà P.T.Đ, với tư cách là một người buôn bán thuốc tây và là khách hàng thường xuyên của hiệu thuốc tây Thanh Dũng (số nhà 30- Mai Xuân Thưởng - Quy Nhơn) do vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Hùng làm chủ. Bà Đ. thường mua chịu (trả sau) thuốc của vợ chồng ông Hùng với số lượng khá nhiều. Trong thời gian đầu (từ tháng 10-1998 đến 7-2002) bà Đ. làm ăn rất đàng hoàng. Khi nhận thuốc từ ông Hùng (hoặc vợ), bà Đ. tự ghi nhận các loại thuốc, số lượng, ngày nhận thuốc vào một quyển sổ. Sau khi tiêu thụ hết thuốc, thu được tiền, bà Đ. đem trả cho ông Hùng, bảo ông đưa sổ để bà tính tiền, ghi vào sổ số tiền đã trả đến ngày nào, bao nhiêu thuốc, bảo ông Hùng ký nhận vào sổ mà bà đã thanh toán. Với cách làm ăn sòng phẳng như thế, vợ chồng ông Hùng hoàn toàn tin tưởng vào bà Đ.

Thế nhưng, lòng tin này của vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Hùng đã bị bà P.T.Đ lợi dụng. Từ tháng 6-2002, những lần giao sổ để tính tiền trả nợ, bà Đ. đã lén sửa lượng thuốc từ nhiều thành ít, như Nevarmin là một loại biệt dược đắt tiền, bà đã sửa số lượng ít đi, sửa loại viên có giá trị cao thành loại chích có giá trị thấp hơn để chiếm đoạt tiền của vợ chồng ông Hùng. Khi phát hiện ra thủ đoạn này của bà P.T.Đ, vợ chồng ông Hùng đã khuyên bà nên trả lại số tiền mà bà đã chiếm đoạt, nhưng bà Đ. không chịu, còn thách thức, buộc ông Hùng phải thưa đến cơ quan pháp luật. Công an thành phố Quy Nhơn đã xác minh được từ ngày 26-6-2002 đến 20-3-2003, bà Đ. đã 12 lần sửa chữa vào sổ, chiếm đoạt của vợ chồng ông Hùng một số lượng thuốc có giá trị 18.383.000 đồng. Ngày 9-3-2004, Công an Quy Nhơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với bà P.T.Đ với tội danh: "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Ngày 17-5-2004, Viện KSND thành phố Quy Nhơn cũng đã ra cáo trạng truy tố bà P.T.Đ ra tòa cùng với tội danh trên. Mặc dù bà P.T.Đ đã "khắc phục hậu quả" đã nộp cho cơ quan điều tra để trả lại cho vợ chồng ông Hùng số tiền trên, nhưng bà không tránh được việc phải ra trước vành móng ngựa.

* Bà P.T.Đ: Bác sĩ "kiêm" dược sĩ, "kiêm" trình dược viên!

Mặc dù đây chỉ là một vụ án hình sự nhỏ, vì với tội danh "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" của bà Đ. theo Bộ Luật hình sự có mức án 3 năm cải tạo không giam giữ, hoặc 3 tháng đến 3 năm tù. Nhưng, vấn đề lại không nhỏ chút nào nếu chúng ta tìm hiểu thêm về bà P.T.Đ.

Bà P.T.Đ. không phải là một người buôn bán thuốc tây bình thường mà là một bác sĩ. Bà Đ. được chính thức tuyển dụng vào biên chế từ tháng 2-1996 và công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định từ đó cho đến nay. Là bác sĩ nhưng đi buôn bán thuốc tây, nghĩa là "kiêm" luôn dược sĩ là điều mà Bộ Y tế đã nghiêm cấm. Không những thế, bà P.T.Đ còn là một trình dược viên chuyên nghiệp. Từ tháng 11-2001, khi đang là một bác sĩ tại một bệnh viện công, bà Đ. đã ký "hợp đồng lao động" làm "nhân viên tiếp thị" (còn gọi là trình dược viên) với ông Paramjit Singh Sawhney, quốc tịch Ấn Độ, Tổng Giám đốc công ty TNHH sản phẩm MEGA, có địa chỉ tại 2A - 4A đường Tôn Đức Thắng, phường 702, Q1-TP.HCM, là một công ty liên doanh với nước ngoài chuyên kinh doanh dược phẩm. Theo hợp đồng, bà P.T.Đ phải làm việc (tiếp thị sản phẩm thuốc tây) cho Công ty MEGA mỗi ngày 8 giờ, với mức lương rất hấp dẫn: Từ 1-11-2001 đến 1-7-2002 là 4.040.189 VNĐ/tháng, từ tháng 7-2002 đến 30-6-2003 là 4.156.000 VNĐ/tháng…

Chúng ta đều biết, việc bác sĩ vừa khám bệnh vừa bán thuốc hoặc làm trình dược viên dẫn đến một hệ quả tất yếu là cho toa thuốc vượt mức chỉ định, buộc bệnh nhân phải mua những loại thuốc không cần thiết do mình bán hoặc do mình "tiếp thị" với giá cắt cổ để ăn lãi, ăn hoa hồng là trái với y đức đang gây bức xúc trong toàn xã hội. Nhiều năm trước Bộ Y tế và các Sở Y tế đều có chỉ thị, quyết định cấm bác sĩ "kiêm" dược sĩ và "kiêm" trình dược viên. Chẳng hạn, ngày 8-11-1999 Sở Y tế Bình Định có Quyết định số 1228/QĐ-YT "cấm cán bộ, công chức có trình độ đại học y, dược trở lên trong ngành y tế hành nghề trình dược viên". Và cuối tháng 5 vừa qua, Sở lại có công văn nhắc lại lệnh cấm trên. Thế nhưng, những lệnh cấm này xem ra kém hiệu lực, bằng chứng như trường hợp bà P.T.Đ đang là biên chế của một bệnh viện công lại ký "hợp đồng lao động", làm trình dược viên gần như chuyên nghiệp cho một công ty chuyên doanh dược phẩm trong một thời gian dài mà cả bệnh viện, cả ngành y tế dường như không ai để mắt đến!

Trong phiên tòa sắp mở, một bản án đúng pháp luật sẽ dành cho bà P.T.Đ, và bà sẽ phải trả giá cho sự tham lam của mình. Chúng tôi nêu vụ án này, và qua vụ án này nói thêm về trường hợp của bà P.T.Đ như là một cảnh tỉnh đối với ngành y tế. Bởi những bác sĩ vừa "kiêm" dược sĩ, vừa "kiêm" trình dược viên như bà Đ. không phải là ít vẫn đang hoạt động một cách công khai. Trước yêu cầu bức thiết của công luận, Bộ Y tế và cả các Sở Y tế đang đề ra hàng loạt biện pháp nhằm lập lại trật tự về giá thuốc và y đức của người thầy thuốc, trong đó có việc cấm bác sĩ "kiêm" dược sĩ, "kiêm" trình dược viên. Nhưng liệu các biện pháp này có hiệu lực thực tế đến đâu, nếu nó chỉ nằm trên văn bản?

. Cao Năm

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hoạt động tư pháp đã chuyển biến rõ rệt  (03/06/2004)
Nhìn lại Hội thi báo cáo viên giỏi về Tư tưởng Hồ Chí Minh các cấp: Một sinh hoạt chính trị quan trọng   (02/06/2004)
Y tế trường học: Đối mặt với nguy cơ giải thể  (01/06/2004)
Bi da - Trò chơi lắm cảnh khóc, cười   (01/06/2004)
Sôi nổi các hoạt động vì trẻ em trong Ngày Quốc tế thiếu nhi   (31/05/2004)
Già làng với phong trào "ba không"  (31/05/2004)
"Chúng tôi đang cố gắng giải quyết vụ việc"  (28/05/2004)
Người đi lao động tại Malaysia buộc phải trở về: Có lý do khách quan nhưng…  (28/05/2004)
Vĩnh biệt người lính già Trần Kiên!   (27/05/2004)
Những chuyện rắc rối quanh cái họ, cái tên  (27/05/2004)
Những kiến nghị tâm huyết của cử tri  (26/05/2004)
Chuyện ghi ở khu tàn tật của bệnh nhân phong Quy Hòa   (26/05/2004)
Bộ Tài chính trả lời những ý kiến, kiến nghị của cử tri Bình Định   (25/05/2004)
Có một Đội văn nghệ "Người thật việc thật"   (24/05/2004)
Thực hiện Quy định số 209-QĐ/TU: Để cán bộ sát dân, gần cơ sở   (24/05/2004)