Dệt thổ cẩm - Nghề truyền thống của người Ba na đang mai một
17:19', 9/4/ 2003 (GMT+7)

Thiếu nữ Bana dệt thổ cẩm - ảnh: Long Vũ

Đã có thời kỳ tại 2 xã vùng cao Đăk Mang và Bok Tới (Hoài Ân) nghề dệt thổ cẩm của người Ba na phát triển rất mạnh. Họ đã dệt nên những tấm chăn, thảm vải, những bộ trang phục trong cuộc sống thường ngày cũng như trong lễ hội mang những nét đặc trưng riêng của người Ba na. Tiếc thay, nghề này hiện đang dần mai một.

* Nét đẹp thổ cẩm

Đã có thời kỳ tại 2 xã vùng cao Đăk Mang và Bok Tới (Hoài Ân) nghề dệt thổ cẩm của người Ba na phát triển rất mạnh. Họ đã dệt nên những tấm chăn, thảm vải, những bộ trang phục trong cuộc sống thường ngày cũng như trong lễ hội mang những nét đặc trưng riêng của người Ba na. Hiện nay, cách nhuộm vải của người Ba na ở đây cũng giống như người Ba na Tây Nguyên: nhuộm bằng màu mực của các loại cây rừng, sắc màu thường là đỏ, nền đen. Những đường nét màu sắc hoa văn thể hiện trên trang phục đều mang ý nghĩa khác nhau theo quan niệm của người Ba na. Màu đen được nhuộm bằng lá cây cham, cây mô, thường là màu nền của mỗi tấm vải, biểu hiện cho đất đai, cho sự nảy mầm từ mặt đất, độ che phủ của cây rừng mà suốt cả cuộc đời con người phải gắn chặt với nó kể cả khi họ đã trút hơi thở cuối cùng. Màu đỏ biểu hiện cho màu của lửa, của máu, tượng trưng cho sức sống, sự vươn lên, niềm đam mê, tình yêu và khát vọng, được nhuộm bằng nhựa cây Kxang, Kơ bai. Màu vàng biểu hiện cho ánh sáng mặt trời, sự kết hợp hài hòa giữa con người và tự nhiên, được nhuộm bằng củ nghệ hay màu của cây Kmếch. Màu xanh biểu hiện cho màu da trời, màu của cây lá được nhuộm bằng nhựa cây truông nhây, cây Kpai…

Ngày nay đồng bào Ba na đã chọn cây bông, cây lanh trồng trên rẫy để lấy sợi vải thay cho những vỏ cây rừng trước kia. Để dệt nên 1 tấm vải, người Ba na đã tạo ra 1 khung dệt thủ công đơn giản bằng cây. Tuy dụng cụ dệt vải đơn giản là vậy nhưng qua sự khéo léo của các cô gái miền sơn cước thảm vải được dệt xong trông thật đẹp mắt vì các hoa văn rõ nét nổi bật lên trên nền vải với những sợi dọc sợi ngang đan vào nhau thật sắc sảo.

Việc dệt được một tấm vải là cả một quá trình. Váy, áo... dệt mất từ 30-35 ngày và có thể còn lâu hơn tùy thuộc vào số lượng hoa văn trên vải nhiều hay ít và người dệt có khéo tay hay không. Mí Ý, 74 tuổi, người phụ nữ dệt vải lớn tuổi nhất của xã Bok Tới cho chúng tôi biết: Giống như các dân tộc Ba na Tây Nguyên, bất cứ một cô gái nào lớn lên từ 12-13 tuổi cũng đều được bà mẹ chỉ cho cách dệt vải và đến trước khi bắt chồng, cô gái phải tự dệt cho mình một bộ y phục thật đẹp để ra mắt mọi người và để dệt bộ y phục này họ phải tốn rất nhiều tâm huyết… Trong quá trình dệt thì bắt hoa văn là khó nhất, phải làm tỉ mỉ, khéo léo mới đẹp. Hoa văn làm nhanh nhất là 1 tuần. Vào ngày lễ hội truyền thống của dân làng, cô gái nào có bộ váy áo đẹp sặc sỡ thì được đánh giá là người chăm chỉ, giỏi giang; nếu là con gái chưa chồng thì được trai làng để ý đến. Hòa cùng âm điệu của tiếng cồng chiêng và hương men những ché rượu cần, những bộ trang phục được làm từ hàng thổ cẩm đã thật sự làm nên nét đẹp văn hóa riêng của người miền núi nói chung và người Ba na nói riêng.

* Cảnh báo về sự mai một

Tiếc thay, theo số liệu điều tra mới đây, ở 2 xã Đăk Mang và Bok Tới, hiện nay chỉ còn 20 hộ còn khung vải, dụng cụ. Ông Đinh Xuân Á – Chủ tịch UBND xã Bok Tới, cho biết: Hiện nay nghề dệt thổ cẩm đã giảm nhiều công đoạn, người Ba na không còn trồng bông, se sợi nhuộm màu như trước nữa mà chỉ việc mua từ dưới xuôi lên, nhưng việc dệt vải không còn thường xuyên, sản phẩm làm ra chỉ đáp ứng nhu cầu cần thiết của gia đình. Số người biết dệt vải ngày càng hiếm, hầu hết ở tuổi từ 35-40 trở lên… Đây chính là dấu hiệu cảnh báo sự mai một của một nghề truyền thống của đồng bào dân tộc. Theo lời những nghệ nhân khéo tay thì sự mai một của nghề dệt thổ cẩm là do sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, thời gian hoàn thành sản phẩm lại rất lâu không phù hợp với nhu cầu đời sống hiện tại. Trước đây vải để làm thổ cẩm là bông thì bây giờ mua chỉ của người Kinh dưới xuôi, học trò mới cũng ít, vật liệu mua của người Kinh lại không đảm bảo chắc chắn để dệt. Bên cạnh đó, điều kiện giao lưu giữa miền núi và miền xuôi không còn khó khăn như ngày trước, hàng may mặc sẵn lại rẻ tiền, phù hợp với nhu cầu thị hiếu của lớp trẻ vùng cao, đồng thời sự hòa nhập với lối sống của người Kinh khiến cho lớp trẻ không còn muốn mặc trang phục truyền thống nữa…

Anh Võ Chí Hà, cán bộ của Trung tâm VHTT huyện Hoài Ân cho biết: “Để gìn giữ và phát huy nghề dệt thổ cẩm, Trung tâm VHTT huyện đã đề nghị tổ chức lễ hội văn hóa cho đồng bào dân tộc của địa phương. Nghề dệt thổ cẩm được tổ chức thi 2 năm một lần thực hiện trong 4 năm trở lại đây ở các cấp Hội phụ nữ. Mới đây, huyện tổ chức thi văn hóa dân tộc miền núi có phần thi trang phục truyền thống để giữ nghề. Dù vậy cũng chỉ là níu kéo để nghề không bị mai một theo thời gian, chứ thực tế hướng mở cho nghề này không mấy sáng sủa”.

Bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc là một việc làm cần thiết. Theo chúng tôi, để nghề dệt thổ cẩm không bị mai một trước hết cần có quy định cho đồng bào dân tộc phát huy việc mặc trang phục truyền thống trong các ngày lễ hội, đồng thời thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thống cho họ. Đối với các trường nội trú, trường phổ thông có học sinh người dân tộc nên khuyến khích họ mặc y phục truyền thống của dân tộc mình. Chỉ có vậy mới mong giữ được nghề dệt thổ cẩm trong một bộ phận người Ba na.

. Thu Hiền

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhìn lại lượt đi V-League 2003  (08/04/2003)
Đại danh họa Picasso - tia mặt trời không bao giờ tắt  (07/04/2003)
Khoa Thanh lập công  (06/04/2003)
Sưu tập hiện vật mộ chum  (04/04/2003)
Cuộc đấu giữa “những người khốn khổ”  (04/04/2003)
Anh thợ sửa xe đạp, ông chủ CLB giàu thành tích thể thao  (03/04/2003)
Cầu thủ nào sẽ đoạt ngôi “Vua phá lưới”?  (03/04/2003)
Cải tạo hoa mai – văn hoá và kinh tế  (02/04/2003)
FIFA quyết định hoãn trận Iraq - Việt Nam  (02/04/2003)
Văn Quyến hoàn tất ''hat-trick'' cầu thủ trẻ xuất sắc nhất  (02/04/2003)
Thức nhận không gian sơn mài  (31/03/2003)
Bình Định lại trắng tay trên sân nhà  (30/03/2003)
Chim Yến Canary - nhạc sĩ của phòng khách  (30/03/2003)
Danh họa Van Gogh - “một hoả diệm sơn phóng lửa”  (28/03/2003)
Bản tình ca đầu tiên sau ngày thống nhất  (28/03/2003)