Nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, giáo sư Phan An:
Không thể hiểu văn hóa Bình Định mà không nghiên cứu văn hóa Chăm
16:23', 7/5/ 2003 (GMT+7)

Trùng tu Tháp Bánh Ít (ảnh: Đào Tiến Đạt)

Nghiên cứu văn hóa Chăm chính là góp phần nghiên cứu sự đa dạng trong bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam. Một trong những người có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu văn hóa Chăm hiện nay là giáo sư Phan An (Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh). Gần như, trọn một cuộc đời học thuật của ông được dành cho việc nghiên cứu về nền văn hóa này. Đặc biệt, công trình Văn hóa Chăm do ông viết chung với giáo sư Phan Xuân Biên và Phan Văn Dốp (Nxb. Khoa học Xã hội, 1991) là một trong những công trình quan trọng về văn hóa Chăm. Cuộc trao đổi ngắn dưới đây giữa PV Báo Bình Định với giáo sư Phan An xoay quanh những vấn đề đang đặt ra với việc nghiên cứu văn hóa Chăm ở Bình Định.

- Từng là kinh đô của vương quốc Chăm từ thế kỷ XI-XIV, nhưng đến nay, văn hóa Chăm ở Bình Định vẫn chưa được nghiên cứu một cách thấu đáo. Phải chăng, những di tích văn hóa Chăm ở Bình Định không đặc sắc so với những địa phương khác, thưa giáo sư?

+ Quả thật, trong việc nghiên cứu về văn hóa Chăm, trước nay, các học giả tập trung nhiều vào văn hóa Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận, hay các di tích ở Quảng Nam, Đà Nẵng, mà bỏ sót văn hóa Chăm ở Bình Định. Đến nay, vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu kỹ càng, đầy đủ về văn hóa Chăm ở Bình Định.

Nhưng như vậy hoàn toàn không có nghĩa là di tích văn hóa Chăm ở Bình Định kém đặc sắc hơn so với các địa phương khác. Ngay thời gian gần đây, qua theo dõi tôi được biết Bình Định đã phát hiện nhiều hiện vật quý, rất có giá trị. Còn những Ganesa ở Bình Định, tôi có thể khẳng định ngay là đẹp hơn bất cứ Ganesa nào ở Việt Nam. Với riêng tôi, tôi rất muốn có điều kiện ra Bình Định, để nghiên cứu và viết về văn hóa Chăm Bình Định. Hẳn là sẽ có rất nhiều điều thú vị.

- Liên quan đến vấn đề này, thưa giáo sư, trước nay vẫn có quan niệm cho rằng thời kỳ Bình Định là thời kỳ suy thoái của nghệ thuật Chăm vì phong cách Bình Định (hay tháp Mẫm) sa vào hình thức, cầu kỳ, khô cứng và vay mượn. Ngay trong lời giới thiệu tại phòng Tháp Mẫm của Bảo tàng Điêu Khắc Chăm Đà Nẵng, ta cũng có thể bắt gặp khẳng định: “Nghệ thuật thời kỳ này rơi vào hình thức, đầy những chi tiết trang trí chạm trổ sắc sảo, tỉ mỉ nhưng khô cứng và vay mượn từ bên ngoài”. Ý kiến của giáo sư về vấn đề này?

+ Đó là quan niệm sai lầm. Thời kỳ Bình Định là một trong những thời kỳ phát triển của nghệ thuật Chăm. Những tượng tròn phong cách tháp Mẫm cực kỳ độc đáo. Trong các phù điêu mang phong cách Bình Định rất đẹp, hoa lá trang trí vừa cách điệu, lại vừa rất thực tế. Không thể nói đây là thời kỳ suy tàn của nghệ thuật Chăm. Tôi cực kỳ phản đối quan niệm này.

- Nhưng nghiên cứu văn hóa Chăm có vai trò như thế nào với công cuộc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc hiện nay ở Bình Định, thưa giáo sư?

+ Bình Định có liên quan đến văn hóa Chăm trong cơ tầng văn hóa. Không thể hiểu văn hóa Trung bộ nói chung và văn hóa Bình Định nói riêng mà không nghiên cứu văn hóa Chăm. Có những chi tiết tưởng rất nhỏ thôi, nhưng nếu được nghiên cứu kỹ, hẳn sẽ phát lộ rất nhiều điều thú vị, chẳng hạn, mối liên hệ giữa võ Bình Định và người Chăm? Rồi tục thờ cá ông có liên quan gì đến tín ngưỡng dân gian Chăm? Hay trong văn hóa ẩm thực chẳng hạn: cái bánh tráng, một vật phẩm luôn hiện diện trên mâm cúng Bình Định, phải chăng cũng là ảnh hưởng từ văn hóa Chăm? Còn riêng về nước mắm thì đương nhiên là tiếp nhận của văn hóa Chăm rồi…

Nghiên cứu văn hóa Chăm, như vậy, đâu chỉ là khảo cổ. Và ngay trong lĩnh vực này, các di tích ở Bình Định chưa được khảo cổ đến nơi đến chốn. Còn nếu nói đến lĩnh vực dân tộc học thì đến nay, vẫn chưa có người nào đi sâu vào nghiên cứu một cách cụ thể về nhóm Chăm H’roi. Tôi cũng rất đồng ý với quan niệm của Po.Dharma, rằng vương quốc Chăm cần hiểu như một liên bang, trong đó có cả Tây Nguyên; văn hóa Chăm, do vậy, cần phải được quan niệm rộng hơn. Nghiên cứu về Chăm H’roi có thể giúp chúng ta hiểu được mối liên hệ giữa người Chăm và các dân tộc Tây Nguyên. Hơn nữa, Chăm H’roi hiện còn bảo lưu những yếu tố gốc của văn hóa Chăm.

- Hiện nay, Bình Định và nhiều địa phương khác trong cả nước đã và sẽ tiến hành trùng tu những đền tháp Chăm. Nhưng ngay trong việc trùng tu hiện nay, chúng ta vẫn chưa thống nhất về quan niệm?

+ Hiện nay có hai phái trùng tu với hai quan niệm: một là làm lại như cũ; hai là trùng tu nhưng phân biệt rõ phần xây gia cố với nguyên gốc, để thế hệ sau có điều kiện tiếp tục công việc khi đã có đủ tư liệu chắc chắn hơn. Những phương pháp này hiện vẫn chưa thống nhất. Mỗi phương pháp đều có những cái có lý của nó. Nhưng ở góc độ của một người làm công tác nghiên cứu, tôi ủng hộ phương pháp phân biệt phần gia cố với nguyên gốc.

- Xin cảm ơn giáo sư về cuộc trao đổi thú vị. Hy vọng trong một ngày không xa, chúng tôi sẽ được gặp ông tại Bình Định và bắt đầu những công trình nghiên cứu dài hơi về văn hóa Chăm ở Bình Định.

. Lê Viết Thọ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
4 đội - 2 thái cực!  (06/05/2003)
Chánh Khoan Đông chuyển mình từ xây dựng làng văn hóa  (06/05/2003)
Trận thắng quý giá của Bình Định  (05/05/2003)
Bình Định lại sẽ có điểm trên sân nhà?  (02/05/2003)
Trước thềm Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp khu vực miền Trung  (02/05/2003)
Một cuộc giao hòa tuyệt diệu của âm nhạc dân tộc  (01/05/2003)
Bình Định đoạt hết các giải thưởng tháng 4 của V-League  (01/05/2003)
Lịch tập huấn mới của đội tuyển bóng đá nam, nữ  (28/04/2003)
Một trận cầu sôi động   (27/04/2003)
Trận thư hùng giữa các cầu thủ Thái Lan   (28/04/2003)
15 năm ấy biết bao nhiêu là tình  (24/04/2003)
Nhà ảo thuật Phan Ngọc Thanh với ước mơ hiện đại hóa sân khấu truyền thống  (23/04/2003)
Thú chơi chim yến Canary ở Quy Nhơn   (22/04/2003)
HLV Riedl sẽ dẫn dắt tuyển U23 từ tháng 7  (23/04/2003)
Tay đua Trịnh Quốc Đạt về đích đầu tiên  (21/04/2003)