Nhà ảo thuật Phan Ngọc Thanh với ước mơ hiện đại hóa sân khấu truyền thống
17:48', 23/4/ 2003 (GMT+7)

Nhà ảo thuật Phan Ngọc Thanh (ảnh: Văn Năm)

Vào khoảng năm 1995, khán giả Quy Nhơn đã rất ngạc nhiên và thích thú khi được tận mắt chứng kiến các chương trình ảo thuật quốc tế với những màn trình diễn hấp dẫn, ly kỳ chẳng kém gì nhà “phù thủy” người Mỹ – David Copperfield – lừng danh thế giới, nổi đình nổi đám qua các tiết mục ảo thuật thường được phát đi phát lại trên màn ảnh truyền hình lúc bấy giờ. Càng bất ngờ hơn nữa khi khán giả được biết tác giả và cũng là người trực tiếp biểu diễn các chương trình ảo thuật đó là anh Phan Ngọc Thanh – một người lính phục viên, quê Quy Nhơn. Họ trân trọng gọi anh là David Thanh. Có thể nói David Thanh là người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu, sáng tạo và biểu diễn ảo thuật theo trường phái David Copperfield (còn có một người nữa là Elvis Công, nhưng Công là Việt kiều ở Mỹ).

Hồi David Thanh còn ở Quy Nhơn, chúng tôi rất ngưỡng mộ anh khi được biết rằng anh chỉ là “tay ngang” trong nghề ảo thuật; và chỉ qua mấy cuốn băng video giới thiệu các tiết mục ảo thuật của D. Copperfield, Thanh đã nghiên cứu, khám phá ra những bí quyết nhà nghề của tay phù thủy người Mỹ này, rồi “làm theo” chẳng hề thua kém. Chúng tôi cũng đã có dịp giới thiệu tài năng của David Thanh trên báo Bình Định (năm 1995).

Rồi đột nhiên David Thanh “biến mất” khỏi Quy Nhơn, y hệt như trong tiết mục “làm biến mất một người” của anh. Hóa ra là vào giữa năm 1996 Thanh đã vào làm ăn, sinh sống ở thành phố Biên Hòa – Đồng Nai từ bấy đến nay. Tuy Thanh là giám đốc một công ty TNHH chuyên về quảng cáo và xây dựng, nhưng anh không quên nghề biểu diễn ảo thuật. Thanh tâm sự: “Tôi không lấy nghề ảo thuật làm kế sinh nhai, nhưng đã là nỗi đam mê thì không dứt bỏ được, cứ xem nó là “chuyện chơi” nhưng mà mê lắm”. Anh đã nổi đình nổi đám tại mảnh đất phương Nam, thường xuyên cộng tác với đoàn xiếc – ảo thuật TP Hồ Chí Minh, đoàn ca múa nhạc Đồng Nai… Mỗi dịp Tết, anh thường biểu diễn ở khu du lịch Suối Tiên (Thủ Đức – TP HCM), có ngày diễn liên tục 25 suất (20 phút/suất). Các tiết mục thành công nhất của anh là: người bay; ngồi ghế bay; cô gái chui qua bụng nhà ảo thuật; cắt người thành 9 khúc; cắt đầu đem đi nơi khác rồi ráp trở lại; làm biến mất chiếc mô tô… Anh cũng đã từng dàn dựng tiết mục múa + ảo thuật cho Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam cùng một số đoàn nghệ thuật khác.

Vào cuối tháng tư này, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với David Thanh, khi anh về thăm quê.

* Anh có thể bật mí đôi điều về các trò ảo thuật của anh?

- Bộ môn ảo thuật thường dựa vào sự lanh tay lẹ mắt và các đồ nghề chuyên dùng. Còn trường phái D. Copperfield thì dựa vào thiết bị cơ khí, ánh sáng và khói màu. Đơn giản như vậy chứ chẳng có gì huyền bí, siêu nhiên. Cái khó là phải “che mắt” được khán giả, làm y như… thật!

* Thiết bị anh đặt mua ở nước ngoài?

- Hoàn toàn không! Tôi tự nghiên cứu, thiết kế, vẽ kiểu rồi nhờ anh em thợ cơ khí chế tạo. Dĩ nhiên là các loại máy cái, như mô-tơ chẳng hạn, thì phải mua.

* Anh có thể tự so sánh giữa D. Copperfield, Elvis Công và anh?

- David Copperfield là bậc sư phụ, vì tôi đi theo trường phái của ông. Đáng kính nể nhất là ông diễn xuất gương mặt, đôi mắt rất giỏi, rất thần bí. Elvis Công có điều kiện hơn tôi rất nhiều, nhưng khách quan nhìn nhận thì anh ấy không sáng tạo bằng tôi.

* D. Copperfield có thể “đi xuyên” Vạn Lý trường thành. Còn anh, anh có thể đi qua… thành Đồ Bàn được không?

- Hoàn toàn được. Tôi đã hiểu nguyên lý của tiết mục này. Chỉ cần có một cần cẩu và 5 triệu đồng để chế tạo thiết bị. Thêm một điều kiện: biểu diễn vào ban đêm (D. Copperfield cũng vậy) và khán giả ngồi cách người biểu diễn 10 mét.

* Qua gần 10 năm tiếp thu, sáng tạo và rèn luyện, anh đã đạt được điều gì trong bộ môn ảo thuật?

- Phong cách biểu diễn của tôi đã nhuần nhuyễn hơn; các tiết mục điêu luyện và tinh vi hơn; giá thành mua sắm, chế tạo thiết bị đã giảm được 50% so với trước. Điều đáng quí nhất là sự hâm mộ của khán giả dành cho tôi.

* Anh đã sáng tạo các tiết mục mới? Chả lẽ cứ “bổn cũ soạn lại”?

- Nghệ thuật phải luôn luôn mới mẻ và điêu luyện thì mới chinh phục được khán giả. Tôi đã thử nghiệm đưa ảo thuật vào nghệ thuật múa và các hoạt cảnh sân khấu; đã có những thành công bước đầu. Từ đó tôi mong muốn được đưa ảo thuật vào sân khấu truyền thống (SKTT), góp phần hiện đại hóa SKTT để tạo sự hấp dẫn, lôi kéo lớp trẻ đến với SKTT để họ thêm hiểu biết và yêu mến tinh hoa văn hóa dân tộc. Chẳng hạn nghệ thuật tuồng của Bình Định mình rất hay, với các đặc trưng: cách điệu, ước lệ, tượng trưng; các trình thức biểu diễn rất độc đáo; nhưng giới trẻ cứ thờ ơ. Vấn đề là đưa ảo thuật vào một cách liều lượng, phù hợp để không phá vỡ các đặc trưng của tuồng. Chẳng hạn Thánh Gióng sau khi ăn xong “bảy nong cà, ba nong cơm” đã biến thành người khổng lồ, ở đây đưa ảo thuật vào được. Ở lớp tuồng Khương Linh Tá tay bưng đầu mình, tay soi đèn đưa bạn là Đổng Kim Lân qua đèo, cũng đưa ảo thuật vào. Hoặc một vị tiên biến mất; Tôn Ngộ Không biến ra mấy chục Tôn Ngộ Không khác; hoặc là Nguyệt Cô hóa cáo… cũng vậy. Mục đích là tạo sự hấp dẫn mà không ảnh hưởng gì đến tính ước lệ, cách điệu, tượng trưng của tuồng. Hiện nay tôi đang nghiên cứu về nghệ thuật tuồng để có thể tính đến việc thử nghiệm. Nếu không suy tính kỹ mà “chen ngang” thì không khéo bị “ăn đòn” của các nhà nghiên cứu sân khấu!

Năm 2000, khi xem chương trình 990 năm Thăng Long – Hà Nội, thấy người ta dùng bong bóng bay để kéo mô hình rồng bay lên, tôi nghĩ rằng tại sao không ráp mô hình rồng bằng bong bóng bay thì sẽ hay hơn. Xem các kỳ khai mạc Olympic, Asiad, Sea games… thấy người ta dùng thang nâng hoặc nhảy dù để thắp đuốc, tôi thấy cũng hay. Riêng tôi, thông qua ảo thuật, tôi có thể cho vận động viên ngồi đĩa bay, bay đến để thắp đuốc…

* Vâng, xin chúc anh thành công trong “chuyện chơi” và cả chuyện làm ăn. Mong có dịp nào đó David Thanh sẽ tái ngộ khán giả quê nhà.

. Thúy Vi

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thú chơi chim yến Canary ở Quy Nhơn   (22/04/2003)
HLV Riedl sẽ dẫn dắt tuyển U23 từ tháng 7  (23/04/2003)
Tay đua Trịnh Quốc Đạt về đích đầu tiên  (21/04/2003)
Bình Định vượt chỉ tiêu đòi nợ Đà Nẵng  (20/04/2003)
Cây Sanh - bước khởi đầu của sự nghiệp  (20/04/2003)
Bình Định sẽ đòi nợ?  (18/04/2003)
Kiến tạo một hành trình văn hóa  (17/04/2003)
Những cuộc đua tranh bên lề sân cỏ  (16/04/2003)
Danh họa Goya và những khát vọng tự do  (15/04/2003)
Việt Nam lần đầu tiên tổ chức giải vô địch thế giới Vovinam  (15/04/2003)
Làng Tuồng Nhơn Hòa  (13/04/2003)
Xung quanh ngôi mộ cổ vừa phát hiện ở Tây Sơn  (11/04/2003)
Kinh Dương Vương - Tiền phong dựng nước, tìm đường định đô  (10/04/2003)
Chỗ thiếu của đội Bình Định  (10/04/2003)
Dệt thổ cẩm - Nghề truyền thống của người Ba na đang mai một  (09/04/2003)