Kon Tơlok - Điểm sáng làng văn hóa
17:2', 9/5/ 2003 (GMT+7)

Múa cồng chiêng

Chúng tôi lại về thăm làng Tơlok thuộc xã vùng cao Vĩnh Thịnh (Vĩnh Thạnh). Nơi đây trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dân làng với vũ khí thô sơ đã đứng lên khởi nghĩa chống lại chính sách dồn dân, lập ấp của Mỹ – Diệm, bẻ gãy nhiều cuộc càn quét của địch. Nơi đây còn là vùng căn cứ cách mạng trong suốt cuộc kháng chiến. Làng Tơlok bây giờ với diện tích tự nhiên gần 500ha, chủ yếu là đồi núi, sông suối; diện tích canh tác khoảng 50 ha. Trong đó diện tích lúa 3 vụ là 6 ha, còn lại là các cây hoa màu khác như mía, mì, đậu đỗ… Làng hiện có 58 hộ với 258 nhân khẩu chủ yếu là người Ba na. Đời sống của bà con chủ yếu bám vào ruộng vườn, nương rẫy.

Đầu năm 1997, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” và sau đó là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng gia đình văn hóa” do huyện Vĩnh Thạnh phát động đã tác động mạnh đến đời sống của bà con trong làng Kon Tơlok. Làng đã tiến hành thành lập Ban chỉ đạo cuộc vận động do bí thư chi bộ làm trưởng ban cùng các thành viên khác là phụ nữ, thanh niên, nông dân, cựu chiến binh. Ban chỉ đạo phát động một phong trào thi đua sôi nổi phát huy truyền thống cách mạng của địa phương, quyết tâm xây dựng bản làng no ấm. Một phong trào thi đua rầm rộ, liên tục được dấy lên giữa các hộ, giữa các đoàn thể với những chỉ tiêu cụ thể, thiết thực như: thực hiện ba công trình vệ sinh, nhà - vườn sạch đẹp; thi đua sản xuất; thực hiện tốt chính sách kế hoạch hóa gia đình để xóa đói giảm nghèo. Mới đây, trong đợt phát động xây dựng làng văn hóa, làng có 100% số hộ đăng ký gia đình văn hóa.

Sau 5 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đến nay bộ mặt làng Tơlok đã có nhiều khởi sắc, đời sống tinh thần, vật chất nâng lên rõ rệt. Toàn làng có 85% hộ nhà ngói, hộ có xe máy chiếm 20%, hầu hết các nhà đều có phương tiện nghe nhìn để giải trí và nắm bắt khoa học kỹ thuật. Một số bà con đã phát huy thế mạnh từ vườn rừng thu nhập hàng năm trên 12 triệu đồng như Bá Diệp, Đinh Kơi, Đinh Xoan, Đinh Thị Dui…

Song song với phát triển kinh tế ổn định đời sống, bà con đã khôi phục lại những nghề thủ công truyền thống trước đây đã bị quên lãng như đan lát, dệt vải. Ông Đinh Nhớ, Bí thư chi bộ cho biết: “Làng đã phục hồi được 20 khung dệt”. Tiếng lách cách dệt vải quen thuộc, vui tai làm rộn rã làng buôn và góp phần tăng thêm thu nhập vào lúc nông nhàn. Nhiều sản phẩm như váy áo, khăn… đặc trưng của người Ba na được dân làng sử dụng trong các ngày lễ hội đã góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc mình. Nhiều nhạc cụ dân tộc được chế tác từ vật liệu thô sơ như ống giang, ống nứa… trở thành những chiếc đàn tơ-rưng, pơ-lơn-khơng, hđâng, pró, sáo tơ-lía, cả làng đã có 5 bộ cồng chiêng dùng cho các ngày lễ hội. Một số phong tục, tập quán tốt đẹp trong lễ cưới, lễ tang được phục hồi. Làng không còn thầy cúng, thầy mo; các hủ tục mê tín dị đoan đã được chấm dứt.

Mặc dù cơ sở vật chất còn khó khăn, nhưng được sự giúp đỡ của Thư viện tỉnh, làng đã dành một phòng đọc sách báo để bà con lúc rảnh rỗi đến đọc sách báo. Làng cũng đã dành 15.000m2 đất làm sân bóng đá, bóng chuyền cho thanh thiếu niên vui chơi sau những giờ phút lao động. Đội bóng của làng thường xuyên tổ chức thi đấu giao hữu với các làng, thôn bạn, tạo không khí đoàn kết, vui tươi lành mạnh. Tiếng sáo Tơ-lía của bá Diệp và nhiều giọng ca, điệu múa xinh đẹp của trai gái làng đã góp mặt trong nhiều hội thi, hội diễn cấp huyện và tỉnh đạt nhiều giải cao.

Nhìn đường làng, ngõ xóm phong quang sạch sẽ, những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi ẩn hiện sau những vườn đào, vườn dừa xanh tốt mới hiểu nhận thức của bà con trong việc thực hiện nếp sống văn minh - gia đình văn hóa đã có một bước tiến dài. Cho đến nay, làng đã cơ bản không còn người mù chữ, trẻ em trong độ tuổi đến trường đều được đi học, số học sinh học hết trung học cơ sở và trung học phổ thông ngày càng tăng. Công tác giáo dục, y tế luôn được quan tâm. Làng cũng đã thành lập tổ công tác hòa giải và đã giải quyết kịp thời một số khúc mắc của bà con, giữ được không khí thân ái, tình làng nghĩa xóm.

Với những thay đổi to lớn đó, làng Tơlok trong nhiều năm qua đã trở thành điểm sáng về xây dựng làng văn hóa của huyện Vĩnh Thạnh.

. Nguyễn Ngọc Anh

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
SEA Games 22 – Còn 215 ngày nữa  (08/05/2003)
Danh họa Gauguin - người mở đường cho hội họa hiện đại  (08/05/2003)
Không thể hiểu văn hóa Bình Định mà không nghiên cứu văn hóa Chăm  (07/05/2003)
4 đội - 2 thái cực!  (06/05/2003)
Chánh Khoan Đông chuyển mình từ xây dựng làng văn hóa  (06/05/2003)
Trận thắng quý giá của Bình Định  (05/05/2003)
Bình Định lại sẽ có điểm trên sân nhà?  (02/05/2003)
Trước thềm Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp khu vực miền Trung  (02/05/2003)
Một cuộc giao hòa tuyệt diệu của âm nhạc dân tộc  (01/05/2003)
Bình Định đoạt hết các giải thưởng tháng 4 của V-League  (01/05/2003)
Lịch tập huấn mới của đội tuyển bóng đá nam, nữ  (28/04/2003)
Một trận cầu sôi động   (27/04/2003)
Trận thư hùng giữa các cầu thủ Thái Lan   (28/04/2003)
15 năm ấy biết bao nhiêu là tình  (24/04/2003)
Nhà ảo thuật Phan Ngọc Thanh với ước mơ hiện đại hóa sân khấu truyền thống  (23/04/2003)