Nhà Rông và nhà Rông văn hóa
16:49', 4/6/ 2003 (GMT+7)

Nhà Rông của làng Hà Văn Trên (Vân Canh)

Bình Định là một trong những tỉnh đa sắc tộc; trong đó có 3 dân tộc thiểu số là Bana, Chăm H’roi và H’re với số dân tương đối đông (khoảng 30.000 người) cư trú rải rác ở một vùng rộng lớn thuộc các huyện Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn và Phù Cát. Vừa qua, UBND tỉnh có chủ trương xây dựng nhà Rông văn hóa nhằm góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của các dân tộc miền núi.

Nhà Rông tồn tại và gắn bó với 2 dân tộc Bana và Chăm H’roi ở Bình Định rất lâu đời (riêng dân tộc H’re không có nhà Rông mà các hoạt động văn hóa của họ được tổ chức ở đầu nhà sàn gọi là Inh Dong và Inh Chin). So sánh với nhà Rông người Bana Tây Nguyên thì nhà Rông Bana ở Bình Định có vóc dáng nhỏ hơn, đôi nét ảnh hưởng nhà lá mái của người Kinh. Tuy nhiên quan niệm về tín ngưỡng trong vấn đề xây dựng nhà Rông thì không có sự khác biệt. Đối với đồng bào Bana, nhà Rông là biểu trưng của sức mạnh; làng có nhà Rông, có nghĩa là làng đó có đàn ông, con trai không dễ bị khuất phục. Nhà Rông đối với người Bana rất thiêng liêng nên hầu hết tín ngưỡng cộng đồng, lễ hội cầu khẩn cho mưa thuận, gió hòa, chiến thắng thiên nhiên, bệnh tật đều được tổ chức ở nhà Rông.

Nhà Rông truyền thống của đồng bào các dân tộc miền núi hiện nay không còn nhiều. Toàn tỉnh hiện có khoảng 55 nhà Rông đang hoạt động, chủ yếu làm nơi hội họp và bị xuống cấp nặng. Nhiều nhà Rông do thiếu nguyên liệu truyền thống cho nên lợp bằng tôn hoặc xây cất lai tạp, tùy tiện không theo một khuôn mẫu nào. Cho nên đi tìm một mô hình nhà Rông văn hóa hoạt động phù hợp với truyền thống của đồng bào các dân tộc quả là một vấn đề không đơn giản.

Từ nhà Rông truyền thống đến nhà Rông văn hóa phải có một quá trình đầu tư xây dựng cả về hình thức lẫn nội dung hoạt động. Nhà Rông văn hóa không tách rời với nhà Rông truyền thống, tuy nhiên không phải bê nguyên mẫu của nhà Rông truyền thống thành nhà Rông văn hóa. Nhà Rông văn hóa trước hết phải kế thừa truyền thống về hình dáng và chất liệu kiến trúc nhưng phải tước bỏ những hủ tục lạc hậu, bổ sung những nội dung hoạt động lành mạnh, hấp dẫn được bà con dân làng.

Được biết, hiện nay UBND tỉnh đã có chủ trương cho xây dựng và tôn tạo nhà Rông truyền thống trở thành nhà Rông văn hóa. Đây là một dự án lớn phải tiến hành trong một thời gian từ 5-10 năm. Tuy nhiên khó khăn nhất hiện nay là vấn đề ngân sách, do đó phải có kế hoạch và bước đi thích hợp. Ngân sách nhà nước không thể kham nổi cho việc xây dựng toàn bộ số nhà Rông trong tỉnh, cho nên làm được việc này phải dựa vào sức dân là chính thông qua công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa. Để làm được điều đó vai trò của cơ quan Nhà nước và chính quyền địa phương sở tại là hết sức quan trọng. Trong nhiều giải pháp đặt ra trước hết phải nói đến xây dựng hệ thống pháp lý cho vấn đề này là hết sức cần thiết. Đó chính là những văn bản quy phạm pháp luật tạo điều kiện cho công việc tiến hành trôi chảy, từ huy động, sử dụng kinh phí cho đến việc khai thác nguyên vật liệu, nhất là khai thác gỗ để xây dựng nhà Rông trong điều kiện cấm chặt phá cây rừng.

Hiện nay, việc xây dựng nhà Rông văn hóa đã được triển khai tại 5 huyện có đồng bào dân tộc thiểu số. Trước mắt Ban chỉ đạo dự án đã đề nghị mỗi huyện chọn (hoặc phác thảo) cho địa phương mình một mô hình nhà Rông văn hóa tiêu biểu để xây dựng dựa vào ngân sách, kế hoạch hằng năm. Theo tính toán ban đầu, những nhà Rông văn hóa, được Nhà nước đầu tư ước khoảng 100 triệu đồng/nhà. Tuy nhiên, những nhà Rông được Nhà nước đầu tư mang tính chất “kiểu mẫu”, còn lại tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của từng địa phương mà huy động sức dân xây dựng những nhà Rông văn hóa cho phù hợp.

. Nguyễn Chí Cường

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
An Trung mở đầu mùa lễ hội  (03/06/2003)
Nở rộ băng, đĩa vi phạm bản quyền  (02/06/2003)
Đáng tiếc cho Bình Định!  (01/06/2003)
"Mẹ ơi đừng đánh con đau"  (30/05/2003)
Ngựa ô lại tung vó!  (30/05/2003)
Ngôi thứ đã phân định!  (27/05/2003)
Mừng đón đội Bình Định thắng trận trở về  (26/05/2003)
Sức mạnh Bình Định đã được chứng tỏ  (25/05/2003)
Lại khó cho Bình Định!  (23/05/2003)
Tài năng lấp lánh ánh vàng  (22/05/2003)
Những tấn bi - hài kịch!  (22/05/2003)
Cựu vô địch bơi lội Vũ Thị Sen: “Suốt đời tôi luôn nhớ lời căn dặn của Bác Hồ”  (19/05/2003)
BĐ-GĐT.LA 0-0: Trận thư hùng đẹp mắt!  (18/05/2003)
Bác Hồ với vấn đề phát huy văn hóa dân tộc  (18/05/2003)
Nghệ sĩ Văn Tân: Tôi muốn mang hình ảnh của Bác Hồ kính yêu đến với mọi người  (16/05/2003)