Festival Huế - Lễ hội của toàn dân
12:0', 25/5/ 2004 (GMT+7)

Tiếp thu công nghệ của Pháp, Festival Huế có chương trình IN (chương trình có tính chuyên nghiệp cao, có bán vé) và chương trình OFF (chương trình văn hóa, nghệ thuật, lễ hội gắn với cộng đồng - không bán vé) được tổ chức song song. Festival Huế 2004 phần OFF có 36 chương trình diễn ra ở nhiều quảng trường, nhà văn hóa, sân khấu lớn ngoài trời, di tích lịch sử - văn hóa, sân trường, đường phố... Nhiều chương trình có sức hấp dẫn rất lớn, thu hút sự quan tâm của rất nhiều người; một số đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp biểu diễn trong chương trình IN vẫn tham gia biểu diễn tại các sân khấu của chương trình OFF.

Lễ hội áo dài trong festival Huế 2002 có sự tham gia của 550 học sinh

Phần OFF có 10 cuộc trưng bày, triển lãm: Mỹ thuật dân gian; Tư liệu nhã nhạc cung đình Huế; Hiện vật ngoại giao, thương mại triều Nguyễn; Cổ vật hoàng cung Huế; Gốm sứ mỹ thuật Huế; Bộ sưu tập Hoàng thành Thăng Long; ảnh Đào Hoa Nữ; ảnh Lễ hội VN; tranh Lê Bá Đảng; Thư pháp; Cây cảnh; Tác phẩm trại sáng tác điêu khắc quốc tế và trại sáng tác dân gian miền núi Trung Bộ.

Tại tiền sảnh Trung tâm VHTT có múa Polynesian của đoàn nghệ thuật Honolulu (Mỹ), ban nhạc Platytus của Úc,  chương trình sân khấu "Âm vang Trường Sơn". Tiền sảnh Nhà văn hóa Huế là sân chơi dân gian; công viên Nguyễn Văn Trỗi là sới vật, võ đài truyền thống; khu vực Nhà thiếu nhi là Ngày hội tôn vinh hàng thủ công mỹ nghệ; phố Nguyễn Đình Chiểu có Hội chợ Mỹ thuật (vẽ tại chỗ, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn); Cầu ngói Thanh Toàn là "Chợ quê ngày hội" - diễn ra trong suốt thời gian Festival.

Có 2 chương trình thời trang hấp dẫn và hoành tráng là Tuần lễ thời trang ở sân trường Hai Bà Trưng và 1 đêm Lễ hội áo dài ở khu vực Kỳ đài - Phu Văn Lâu. Một đêm rước đèn lồng Huế được diễu hành từ phố cổ Gia Hội, qua cầu Trường Tiền, đi dọc phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu.

"Đối thoại tình yêu" là một Opera đường phố của Đức được trình diễn ở Cung An Định, phố Nguyễn Đình Chiểu, vườn hoa Phan Đăng Lưu. Nhạc kịch "Người gieo tiếng hát" (Pháp) trình diễn ở Nhà văn hóa Huế và sân khấu giao lưu nghệ sĩ (công viên Nguyễn Văn Trỗi). Ngày hội sông nước cũng là một chương trình mới được tổ chức trên sông Hương, trước bến Nghinh Lương Đình. Hoành tráng và hấp dẫn nhất là lễ hội Nam Giao với hơn 500 người tham gia phục hiện phần Ngự đạo hồi cung, theo lộ trình từ đàn Nam Giao về Đại Nội.

Sản phẩm "Chợ quê ngày hội"

Nhiều chương trình khác nữa như thi đấu cờ người (Nghinh Lương Đình), lễ hội diều (sân cửa Quảng Đức, bãi biển Thuận An), hội thi múa lân (phố cổ Gia Hội), hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ... đều là những sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Lễ hội áo dài là chương trình nghệ thuật có tính chuyên nghiệp cao cũng đã có 175/200 người mẫu là học sinh, sinh viên, thanh niên Huế tham gia. Lễ hội ở các vùng xa trung tâm, vùng phụ cận Huế, như "Chợ quê ngày hội" ở cầu ngói Thanh Toàn, các tour du lịch nhà vườn, đêm phố cổ Gia Hội, các tour du lịch sinh thái... thì vai trò chủ thể của người dân càng đậm nét hơn. Họ vừa là người phục vụ vừa là "diễn viên" chính của lễ hội.

Trong các Festival đã diễn ra phần OFF thu hút khoảng hơn 70% số lượng khán giả đến với lễ hội. Thiết kế cùng lúc cả phần IN và phần OFF thể hiện quan điểm phục vụ quần chúng; đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa, nghệ thuật của những người có thu nhập thấp; của người dân Huế - được coi là chủ thể của lễ hội; chứng tỏ rằng Festival không phải là sân chơi chỉ dành cho người có tiền và cho giới nghệ thuật chuyên nghiệp, mà chủ yếu là lễ hội cộng đồng, lễ hội của toàn dân. Không ít người dân chờ đợi Festival, coi Festival là cơ hội lớn để sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành nghề dịch vụ. Festival cần người dân có; người dân nắm bắt cơ hội, sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới, loại hình dịch vụ mới. Tham gia một số lễ hội, người dân Huế rất hăng hái, nhiệt tình. Họ không hề đòi hỏi đến quyền lợi của mình. Người dân Huế đã biết Festival là như thế nào và đã chủ động tham gia. Đó là một yếu tố quyết định sự thành công của Festival Huế.

. Thanh Tùng

(Văn phòng Báo Tiền Phong tại miền Trung)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Festival Huế - Lễ hội của toàn dân  (25/05/2004)
Trò chuyện với Sandro trước trận Bình Định - Sông Lam Nghệ An   (24/05/2004)
Thủ môn Trần Quốc Việt: "Tôi còn phải cố gắng rất nhiều"   (24/05/2004)
Một trận thua thiếu quyết tâm của Bình Định  (23/05/2004)
Công ty Hoa Lâm và "mối tình" chớm nở đối với bóng đá Bình Định  (23/05/2004)
Bình Định khó bề giành 3 điểm trên sân Thống Nhất  (21/05/2004)
Ông Nguyễn Quang Dục, Phó TGĐ Công ty Hoa Lâm: Chúng tôi muốn góp sức với bóng đá Bình Định  (21/05/2004)
Những cổ vật mới phát hiện tại đầm Thị Nại  (21/05/2004)
Giao lưu cùng tiền vệ Issawa của đội Bình Định   (20/05/2004)
Nhà hát tuồng Đào Tấn: Tăng cường công tác nghiên cứu nghệ thuật  (20/05/2004)
Thua Seongnam 1-3: Một trận đấu hay và đẹp của đội Bình Định  (19/05/2004)
Môn thể thao "vua" trong lòng quần chúng   (19/05/2004)
Cúp C1 Châu Á: Khó có bất ngờ trong trận Bình Định - Seongnam  (18/05/2004)
Nhớ mãi lời Bác dạy  (18/05/2004)
Mối quan hệ giữa Đào Tấn và gia đình Bác   (17/05/2004)