Hai người thổi kèn amáp
15:3', 11/1/ 2005 (GMT+7)

Ở thung lũng Nà Niu thuộc huyện vùng cao Tây Trà, Quảng Ngãi, có hai người phụ nữ dân tộc Cor, đã qua tuổi bảy mươi, đang sở hữu và chơi một cách thuần thục loại nhạc cụ "lạ" nhất của dân tộc mình: Kèn amáp.

Bà Hồ Thị Út đang thổi kèn amáp

Tháng 10 năm 2004, hai nhạc sĩ Thế Bảo và Trần Long Ẩn từ TP.HCM về thị xã Quảng Ngãi rồi vượt một trăm cây số đường rừng lên huyện vùng cao Tây Trà để "giao lưu" với đồng bào Cor. Thấy hai nhạc sĩ quá tuổi sồn sồn này gồng mình lên hát, hai cụ già người Cor đã có lời đáp từ bằng bài dân ca Cor thông qua một loại nhạc cụ, khiến hai nhạc sĩ nọ tròn mắt. Người Cor gọi loại nhạc cụ đó là kèn amáp. Nó chỉ lớn bằng chiếc ruột bút bi, dài chừng 30cm, một đầu để trống, đầu bên kia bịt kín bằng sáp ong. Cạnh nơi được bịt bằng sáp ong ấy, người ta khoét một lỗ, bé bằng hạt cát, trên lỗ có một "lưỡi gà" được vạt ra từ chính thân cây dùng làm kèn, âm thanh được phát ra không phải từ chỗ "lưỡi gà" mà là từ… bàn tay của người thổi kèn. Hơi của người chơi kèn thổi vào chỗ "lưỡi gà" và thoát ra đầu bên kia, "chảy" vào khoảng không nơi hai bàn tay chụm lại, các ngón tay lúc này trở thành những "dây đàn". Hở ngón trỏ thì âm thanh của kèn sẽ bay bổng, hở ngón giữa thì thâm trầm hơn, hở ngón út, tiếng kèn nghe réo rắt đến lạ kỳ…

    Bà Út (bên trái) và bà Bảy

Bà Hồ Thị Út, nay bảy mươi tuổi, gọi cụ Hồ Thị Bảy, bảy mươi lăm tuổi, bằng thím. Xin được lưu ý là, người Cor ở Trà Bồng và Tây Trà đều mang họ Hồ kể từ khi Hồ Chủ tịch qua đời năm 1969. Cụ Bảy quê xã Trà Khê, cách thung lũng Nà Niu chừng một ngày đi bộ. Bà về làm dâu ở Nà Niu được 7 năm thì "đón" cô cháu dâu Hồ Thị Út cùng về một nhà. Khi hai người về làm dâu cùng một nhà thì mới phát hiện ra cả hai đều chơi rất giỏi loại nhạc cụ độc đáo này của người Cor. Bà Út nhớ lại: "Mế (cách xưng hô của các cụ bà người Cor đối với người đáng tuổi con cháu - chú thích của người viết) về làm dâu được hai hôm, một buổi sáng, bỗng có tiếng kèn amap ở đầu hồi của khu nhà người Cor vang lên, nghe giục giã lắm. Mế lại gần thì mới biết là của… bà thím mình. Gia đình mế có thêm một thành viên biết chơi kèn amáp nữa là mế đây, mà không ai hay. Chỉ khi ra rẫy, nghe mế thổi kèn, thím Bảy mới biết. Thế là từ đó, hai thím cháu "thân" với nhau".

Bà Út giới thiệu loại cây dùng làm kèn amáp

Cách đây chừng hai mươi lăm năm, người Cor ở trong những căn nhà sàn rất dài, gọi là nhà "tàu lửa". Mỗi căn nhà như thế, có hàng chục gia đình sinh sống. Buổi sáng, trong những căn nhà "tàu lửa" ấy, thường phát ra tiếng kèn amáp. Cụ Bảy gọi đó là "tiếng kèn báo thức cho con cháu dậy sớm chuẩn bị cơm nước ra nương". Bây giờ những căn nhà "tàu lửa" ấy của người Cor bị phá bỏ để xây những ngôi nhà biệt lập. Bà Út nay ở nhà riêng, cách nhà cụ Bảy chừng 500 mét. Nghe tôi đề nghị bà thổi kèn amáp để chụp ảnh, bà Út lắc đầu: "Thằng con mế nó dạy học ở Trà Trung, rủ đám bạn về nhà chơi tối qua, nghe mế thổi kèn amáp, đám bạn xin chiếc kèn rồi". Nói đoạn bà dẫn tôi đến thăm người thím của mình đang ốm, sẵn dịp diện kiến luôn chiếc kèn. Nghe có khách dưới xuôi lên xem kèn amáp, dù đang ốm nhưng cụ Bảy vùng dậy ngay. Cụ đi về phía góc nhà, lôi ra từ ống nứa một chiếc que rồi giới thiệu đây là kèn amáp. Cụ thều thào: "Ở đây nghe không hợp với cảnh trí đâu, ra suối mà nghe". Tôi theo hai cụ bà ra suối Nước Rác. Tôi như lạc vào những âm thanh mê hoặc của chiếc kèn được phát ra từ đôi bàn tay già nua sần rùi nương rẫy của cụ Bảy. Này là tiếng nỉ non của đứa bé ở nhà với bà: "Bà ơi bà, mẹ cháu đi nương, bà cho cháu nống nước cho cháu đỡ khát"; đây là tiếng giục trai gái trong làng khi con chim rừng chưa kịp gọi bạn lúc bình minh: "Bớ lũ làng, dậy đi mà nhen bếp lửa, cái bắp đang chờ ngoài nương, con thú đang chờ ngoài rẫy"…

Ông Hồ Văn Khang, một trong những thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Trà Bồng năm 1959 nói: "Hồi đánh nhau với thằng Mỹ, chiếc kèn này còn cứu không biết bao nhiêu là bộ đội khỏi bàn tay của biệt kích". Kèn amáp còn làm cả chức năng báo động lúc an bình hay khi nguy biến cho người khác biết nữa.

Amáp là loại cây hao hao như dương xỉ, mọc hoang ven các con suối. Không khó để tìm loại cây này, nhưng để nó thành nhạc cụ thì không phải ai cũng làm được. Cụ Bảy lo xa: "Mế sợ lớp người già dân Cor qua đời, không còn ai biết làm và thổi kèn amáp nữa. Bây giờ lũ trẻ toàn nghe đàn trên tivi thôi". Nỗi lo này không chỉ của riêng cụ Bảy, và không chỉ về sự thất truyền của chiếc kèn amáp. Những cái được gọi là "bản sắc văn hóa" của đồng bào thiểu số đang vắng dần trong các buôn làng.

. Trần Đăng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bóng đá miền Trung - Thử thách cho chính mình  (11/01/2005)
Hoa Lâm Bình Định sẽ thi đấu với Thai Air Way  (10/01/2005)
Trận Siêu Cúp quốc gia: Có nên tổ chức tại Hải Phòng?   (10/01/2005)
Huấn luyện viên trưởng cho ĐTVN: Riedl hay Calisto?   (10/01/2005)
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm điểm sai phạm của LĐBĐVN   (09/01/2005)
Trận tranh Siêu cúp quốc gia sẽ diễn ra trên sân Lạch Tray   (09/01/2005)
"Khẩu thần công" Vorawood đã nhả đạn   (07/01/2005)
Khu di tích Tử cấm thành: Điểm nhấn trên con đường di sản miền Trung  (06/01/2005)
Vorawood đã ghi bàn  (06/01/2005)
HLV trưởng CLB Hoa Lâm Bình Định Arjharn: "Tôi đã có 25 cầu thủ ưng ý nhất"  (05/01/2005)
Bán kết Tiger Cup: Đè bẹp chủ nhà Malaysia 4-1, Indonesia vào chung kết  (04/01/2005)
Manit: "Tôi đã bắt đầu thích Hoa Lâm Bình Định"  (04/01/2005)
Hoa Lâm Bình Định qua giải bóng đá tập huấn An Giang: Đội hình đã ổn định   (03/01/2005)
Trận bán kết thứ 2 (lượt về) Tiger cup 2004: Sẽ là trận hay nhất giải?   (03/01/2005)
Hoa Lâm Bình Định đoạt chức vô địch  (03/01/2005)