Người giữ kho báu Tây Sơn
16:10', 18/1/ 2005 (GMT+7)

Nếu nói rằng ông là người duy nhất mê hiện vật thời Tây Sơn hẳn chưa đúng. Nhưng có lẽ ông là một trong số ít người "quên ăn quên ngủ" trong hành trình sưu tập và trưng bày những vốn quý của Tây Sơn tam kiệt mà khi được chiêm ngưỡng, không ai không trầm trồ thán phục...

* Cái nào cũng quý!

     Bảo tàng Quang Trung

Ở cái tuổi 55, ông Trần Đình Ký không còn nhanh nhạy như thuở nào. Dáng người thấp thấp, ông bước chậm rãi quanh khuôn viên bảo tàng; mắt ông sáng lên, giọng nói mạch lạc khi bộc bạch về những hiện vật thời Tây Sơn. Nhìn chiếc trống trận bọc bằng da voi to lớn, ẩn trong mình chiến tích một thời oai hùng, ông chợt bồi hồi: "Trước lúc xây dựng bảo tàng này, hiện vật của nhà Tây Sơn tìm thấy được còn mỏng lắm. Có ý kiến cho rằng, chưa đủ số lượng hiện vật theo quy định của ngành bảo tàng thì chưa nên xây. Tôi lại nghĩ là nếu chờ cho đến lúc đầy đủ tất cả thì biết đến lúc nào đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc được chiêm ngưỡng vốn quý văn hóa của một thời oanh liệt. Sau khi bảo tàng hoàn thành, hành trình sưu tầm hiện vật vẫn cứ tiếp tục mãi đến bây giờ...".

          Ông Trần Đình Ký

Tình yêu dành trọn cho người anh hùng dân tộc Quang Trung Nguyễn Huệ thấm sâu vào tâm thức của ông và hàng chục năm qua ông vẫn không mỏi mệt kiếm tìm. Những địa danh, những vùng đất xưa kia in lại dấu ấn của nghĩa quân Tây Sơn ông đều đặt chân đến; vốc từng nắm đất và rồi cố tìm những hiện vật để mang về...

Trong số hàng trăm hiện vật trưng bày tại bảo tàng, có những hiện vật nguyên gốc, độc bản như ấn tín, tiền đồng Tây Sơn... Tôi hỏi sao không đăng ký bình chọn bảo vật quốc gia theo chủ trương của Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa - Thông tin? Ông Ký từ tốn bảo rằng, thời Tây Sơn hiện vật nào cũng quý, thừa nhận hiện vật này mà bỏ sót hiện vật kia thì buồn lắm! Ông lại "triết lý": "Thế hệ chúng ta và con cháu mai sau không lãng quên công lao của tiền nhân đã là một bảo vật quý giá rồi".

* ...Ấp ủ những dự định

Trống trận và cồng chiêng thời Tây Sơn trưng bày tại bảo tàng

Hàng ngàn du khách đến với Bảo tàng Quang Trung mỗi năm. "Vì thế, công tác xây dựng, tôn tạo bảo tàng và sưu khảo văn hóa Tây Sơn sẽ không thể nào ngưng nghỉ", ông Ký bày tỏ tâm huyết. Cách đây không lâu, ông cùng với nhân viên của bảo tàng lặn lội đi khảo tra Vườn cam Nguyễn Huệ ở tận xã thượng nguồn Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) để cùng với chính quyền địa phương phục dựng địa chỉ văn hóa gắn liền với tên tuổi của vị anh hùng áo vải. Còn vấn đề mở rộng bảo tàng, ông "bật mí": "Kế hoạch đến năm 2020 sẽ nâng bảo tàng lên cấp quốc gia. Rồi đây, bảo tàng không chỉ có sự hiện hữu nòng cốt là văn vật Tây Sơn mà cả những nét văn hóa đặc trưng của mọi miền đất nước cũng sẽ được tái hiện ngay trong khuôn viên bảo tàng".

Hẳn ước mong đầy ý nghĩa của ông không quá xa vời. Một ngày không xa, hình ảnh nhà rông truyền thống của đồng bào Tây Nguyên, văn hóa cung đình Huế và những sản vật dân dã của làng quê Bình Định... sẽ hội tụ về đây, hòa quyện và cùng nhau tỏa rạng bản sắc văn hóa dân tộc. "Ông có sợ tuổi già làm phai nhạt những dự định tốt đẹp ấy?" - tôi hỏi. Ông cười hiền hậu: "Cây me cũ, bến trầu xưa/ Dẫu không nên tình nghĩa thì cũng đón đưa cho trọn niềm"...

. Theo Thanh Niên

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đi tìm bối cảnh của tác phẩm 'Don Quixote'  (18/01/2005)
Một nốt trầm của bóng đá khu vực  (17/01/2005)
Công Vinh và Kim Chi đoạt danh hiệu "Quả bóng vàng" Việt Nam 2004  (17/01/2005)
Giao hữu Hoa Lâm Bình Định - Thai Airway 5-1: Điểm binh lần cuối  (17/01/2005)
Kết thúc Tiger Cup 2004: Singapore lên ngôi vô địch  (17/01/2005)
Trước trận chung kết lượt về Tiger Cup 2004: Indonesia sẽ lật ngược thế cờ?  (16/01/2005)
Từ Công nhân Nghĩa Bình đến Hoa Lâm Bình Định (kỳ 4)  (14/01/2005)
Cúp bóng đá Quốc gia - Vilube 2005: Hứa hẹn hấp dẫn hơn   (14/01/2005)
Từ Công nhân Nghĩa Bình đến Hoa Lâm Bình Định (kỳ 3)  (13/01/2005)
Từ Công nhân Nghĩa Bình đến Hoa Lâm Bình Định (kỳ 2)   (13/01/2005)
Từ Công nhân Nghĩa Bình đến Hoa Lâm Bình Định (kỳ 1)  (13/01/2005)
Nhận diện đối thủ ở trận Siêu Cúp: Hoàng Anh Gia Lai vẫn rất mạnh  (12/01/2005)
Trận Siêu Cúp tổ chức ở một sân miền Trung sẽ tốt hơn  (12/01/2005)
Hai người thổi kèn amáp  (11/01/2005)
Bóng đá miền Trung - Thử thách cho chính mình  (11/01/2005)