Quy Nhơn - Những không gian quán
15:41', 27/4/ 2004 (GMT+7)

Có ai đó đã nói rằng, Quy Nhơn là thành phố cafe. Và cứ nhìn vào sự phát triển, những đổi thay của không gian quán ở Quy Nhơn, ắt sẽ hình dung thấy những bước chuyển trong kiến trúc của thành phố biển này.

Mái hiên hai tầng của quán Khánh Mỹ

Khánh Mỹ (đường Phạm Hùng) có thể tạm coi là quán cafe sinh sau đẻ muộn. Do vậy, để tạo ấn tượng cho không gian quán của mình, chủ quán đã mời KTS thiết kế hẳn một bộ mái khá lạ. Cũng là những viên ngói Phú Phong tươi rói, nhưng KTS đã thiết kế một bộ mái hai tầng, như một gợi nhớ đến kiến trúc mái của những ngôi nhà lá mái Bình Định, vốn khá thích hợp với khí hậu nắng lắm, mưa nhiều của đất trời xứ này. Sát bên mép vỉa hè, một hàng hiên được thiết kế nhẹ, ôm lấy vòng của một ngã tư. Dưới đó, là những dãy bàn ghế, như để thưởng riêng cho người uống cái thú vừa nhẩn nha ngồi uống cafe vừa nhìn ngắm những chuyến xe qua trên đường phố mỗi ngày.

        Bên trong quán Lối Cũ

Lối cũ (đường Trần Nguyên Đán) lại chú trọng vào việc thiết kế không gian nội thất. Không gian quán có gợn trong ta chút cảm giác hơi ôm đồm. Nhưng bù lại, là một không gian có phần gần gũi và ấm áp. Dường như từ mỗi chiếc lọ hoa, gạt tàn, đến những tranh, tượng gốm treo tường, những chiếc đèn Huê Kỳ cũ, một mặt hoa văn trống đồng làm bằng gốm... đều được chủ quán chăm chút, khá lạ mắt. Khoảng sân nhỏ bên cạnh, những viên đá ong được xếp mô phỏng một cửa tháp Chăm. Bên cạnh, một bụi tre vàng óng, những chiếc đèn gốm trên những cành cây, gợi không khí cổ xưa. Quán nằm trong một con đường nhỏ, nên ta có thể vừa nhẩn nha bên cốc cafe, và ngắm những vật treo tường ngộ ngộ, tận hưởng không gian yên tĩnh, cũng là chút thư thả không dễ kiếm trong đời sống đang ngày càng tất bật này. Cũng cần nói thêm là quán cafe này còn có một cung cách phục vụ khá chu đáo. Những chiếc khay bằng tre bưng cafe đến tận bàn cho khách, những chiếc chén đựng đá vốn là những sọ dừa được xử lý và tạo thành hình chiếc lá, trái tim… khá ngộ.

Khoảng sân trời của quán Phương Trinh

Xa rồi, thời hoàng kim của những quán cafe máy lạnh. Cafe Phương Trinh (đường Trần Phú) là một ví dụ. Ở sân sau, một cây cầu nhỏ bắc ngang qua hồ nước, đèo thêm chút màu xanh của nước, của lá cây và một tiểu cảnh nhỏ. Góc sân trời này vừa góp phần đem lại sự điều hòa nắng và gió cho phần quán phía sau, vừa tạo cho khách cái cảm giác thư thái và ngắm những chú cá bơi tung tăng.

Nhiều những quán cafe khác đang có sự chăm chút cho không gian quán như vậy. Quán Romance, Santana, Dư âm… và con số này ngày càng nhiều. Chăm chút cho không gian quán, cũng là góp phần hút cho quán của mình những khách quen, bạn hàng ruột vậy. Ngay trong thời điểm chúng tôi viết bài này, thì ở ngay đầu đường Phạm Hùng đã thấy một hàng cọ được chủ nhân bứng từ đất rừng cọ đồi chè Phú Thọ và những bức tường đá ong (nghe đâu được chở tận Phù Mỹ) để mở quán. Chưa hiểu sự đầu tư không gian ở đây như thế nào, nhưng sự kỳ công ấy hẳn đã là một hứa hẹn.

Tuy nhiên, vẫn còn một thực tế khác. Ngay cả ở những quán cafe đã có sự chăm chút, chừng như cũng mới chỉ ưu tiên cho những vật phẩm trang trí mà ít có bứt phá về đường nét kiến trúc. Dẫu vậy, khi với những đổi thay đang diễn ra ngay từ ý thức: chăm chút cho không gian quán, đã là gợi hướng trong ta về những hy vọng.

. Bài: Nguyên Hạo

. Ảnh: Đào Tiến Đạt

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Mong mỏi chiếc roi…   (27/04/2004)
Rừng vẫn còn chảy máu  (27/04/2004)
Nghề sửa giày   (27/04/2004)
Tiêu chuẩn hóa - Vấn đề sống còn   (27/04/2004)
Nhìn ở góc độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng  (27/04/2004)
BISUCO và nông dân chưa tìm được tiếng nói chung  (27/04/2004)
Dáng đứng Việt Nam  (27/04/2004)
Con đường dăm giấy  (23/03/2004)
Ghi chép trên những cánh đồng thuốc lá  (23/03/2004)
Thợ chép tranh  (23/03/2004)
Sự hồi sinh của một dòng sông  (23/03/2004)
Trở lại Phong Nha  (23/03/2004)
Nghề tấu cho những cuộc vui  (23/03/2004)
Một mái nhà để trở về  (24/03/2004)
Tháng ba mùa sầu đông nở  (24/03/2004)