Hóa kiếp ô tô
15:44', 27/4/ 2004 (GMT+7)

Những người kinh doanh phụ tùng ô tô cũ hay như người ta vẫn quen gọi là buôn bán đồ "lạc xoong" đã nối nhu cầu thiết yếu của hàng ngàn chủ xe, tài xế với với những chủ gara biết cách tận dụng phần còn lại hữu ích của những chiếc ô tô đã "hết tuổi giời"...

* Lạc xoong trên phố

Chiếc ô tô này được đưa về từ Hải Phòng để hóa kiếp

Buôn bán đồ phụ tùng ô tô cũ cũng được chia theo ngành hàng chứ không có kiểu "mía thơm anh đốn cả bụi"! Muốn mua bi ổ thì đến cửa hàng chuyên bán ổ bi. Muốn mua hộp số hoặc nhíp thì đến một cơ sở khác. Muốn kiếm thép tấm để chắp vá khi xe bạn làm đồng, cứ đến… lò mổ, nơi chuyên xẻ thịt xe quá đát, có tất không thiếu thứ chi.

Phần đông những cửa hàng lạc xoong ở Quy Nhơn tập trung trên đường Trần Hưng Đạo, kéo dài từ trung tâm thành phố đến gần cầu Sông Ngang. H. chủ một cơ sở kinh doanh đồ lạc xoong ở phường Nhơn Phú cho biết: "Cửa hiệu của tôi chuyên "đánh" máy, hộp số, cầu. Không có khách ra vào liên tục nhưng mỗi tháng chỉ cần bán 1, 2 món là đã có thể sống tốt. Từ khi nhà nước có chủ trương loại dần xe quá niên hạn, chúng em làm ăn cũng khá. Tháng ít thì được dăm bảy triệu, tháng nhiều thì vô tư. Hay là ta đi làm chai bia rồi nói chuyện tiếp, chẳng gì thì thằng em cũng vừa đẩy được cây láp lãi đẹp một triệu. Anh trai có vẻ nhẹ vía nhỉ".

Tôi cám ơn rồi quay về mà cứ lửng bửng. Rõ ràng, khi giới thiệu hàng hóa, H. có điểm danh cái láp ấy và mức lãi khởi điểm theo H. nếu vô mánh sẽ lời đến 300.000 - 500.000 đồng. Vậy mà chỉ nói qua nói lại gióng giả vài câu (vì H. đang say chuyện với tôi) mức lãi đã leo lên đến mức 1 triệu sao? Đem thắc mắc đặt vào… ly cà phê một người bạn cũ đang uống dở có 10 tuổi nghề mua bán mặt hàng này ở Quy Nhơn, anh bật cười: "Vậy thì nghĩa… địa gì! Tui đây đã từng bán món đó và nhiều món khác nữa với tỷ lệ mua 1 bán… 8 đấy! Lãi như vậy là đã giảm nhiều, chỉ còn mua 1 bán 2 như ông đã thấy".

Dưới vai một người đi mua động cơ cho xe 15 ghế, tôi tìm đến cửa hiệu chuyên bán "hàng độc" trên đường Bạch Đằng (Quy Nhơn). Vua Chém - chủ hiệu, người có thâm niên gần 20 năm trong nghề chào mời: "Nếu muốn thay xăng bằng điêzen cho lợi tiền nhiên liệu chú mầy nên mua cái 3L này. Nó mạnh như... trâu cày và rất lợi dầu. Còn muốn thay lại đúng máy xăng, cũng éctăngđa (standar), không cần qua đăng kiểm thủ tục rườm rà thì có thể... đục lại số máy cho trùng với giấy chứng nhận đăng ký ô tô. Chuyện nhỏ, chuyện nhỏ chú mầy, cái "dụ" đục số lốc máy ai dính vào máy móc, ô tô đều biết cả. Bộ chưa làm xe lần nào à! Bây giờ thợ nó làm cáu cạnh lắm, đường nét bén như đúc ấy chứ. 200.000 đồng thôi, muốn số nào là ra số đó! Hề... hề. Thế này, chú mầy lấy cái 2Y này, tao bao luôn phần số, được chưa". Nghe "vua" hót mà ớn cả sống lưng!

Đã hữu ích thì đến cái loong đền nhỏ cũng được gom lại. Nhưng khi đã hết đát thì ngay cả một khối sắt to đùng cũng được đem ra cân ký bán phế liệu. Ở đâu mà người ta có thể nuốt trọn hàng trăm đống phế liệu kim loại vĩ đại thế kia? Không cần phải chuyển đi đâu xa như nhiều năm trước, chỉ cần ngược lên thị trấn Đập Đá, nơi nổi tiếng với những làng đúc, làng rèn, cơ khí, độ chế là sẽ thấy những khúc xương thừa phần còn lại của những chiếc ô tô hết tuổi giời được hóa kiếp như thế nào.

* Ghi được tại những lò mổ hoành tráng

Suốt dọc dài miền Trung - Tây Nguyên không cửa hàng lạc xoong, không vựa phụ tùng ô tô cũ nào lại không biết đến "Công ty Bình-Định-Quang-Tèo" (tên 4 người hùn vốn làm ăn chung). Đây là lò mổ ô tô phế liệu thuộc loại hoành tráng tầm cỡ quốc gia. Lò mổ này có mặt bằng rộng bao la bát ngát nằm trên địa bàn phường Nhơn Phú - Quy Nhơn). B. - gã trai tướng tá bặm trợn, có bộ râu rậm quai nón giống một chiến binh Hồi giáo nhưng khi nghe tôi hỏi thăm đã cười hiền khô: "Trước chúng tôi làm nghề ở Cầu Đôi, cảnh sát và thanh tra giao thông đuổi riết nên mới dời lên đây được 2 năm nay… Chúng tôi sống được là nhờ hàng chính phẩm, hàng nhập giá còn rất cao, trong khi xe hết đời không biết vứt vào nghĩa địa nào. Thế là sinh ra cái nghề tận dụng này… Nhìn đống băng ghế chất cao như núi kia anh có đoán được của bao nhiêu xe đã rã ra ở đây không?". Không cần nhẩm, Bình đáp luôn: "Gần 200 chiếc đấy! Xe ca chiếm tỷ lệ 70%. Bình quân 5 ngày là xong một chiếc. Xong gọn ghẽ đấy, xẻ ra có người lấy ngay: các ông chủ lạc xoong ở Quy Nhơn và bạn hàng 7 tỉnh xung quanh Bình Định, nơi lấy hàng nhiều nhất vẫn là Gia Lai, Kon Tum. Một xe cũ hết đời mua vào từ 12 triệu đến 40 triệu đồng. Thỉnh thoảng cũng gặp một "em còn đẹp" hiệu Huyndai DB500 giá tới 60 triệu đồng. Máy của loại này thường là D20, D22, D18… trùng với máy đời mới của xe Nhật như Isuzu, Mitsubishi… Làm nghề này tôi chưa bao giờ lỗ, chỉ có xớn xác đánh giá không chắc nên lời ít. Em biết, hỏi như anh Hai đây thì chỉ có là nhà báo thôi. Hà.. hà.. còn trật đi đâu nữa! Thằng em biết gì là nói hết, ông anh cũng liều liệu mà nói giúp chúng em nhé. Không có tụi em thì loại xe cấm lưu hành đem để ở đâu cho hết. Trùm mền để trong nhà ngồi ngó ư? Lại còn mấy cái làng nghề trên An Nhơn nữa, họ lấy cái gì mà đổ vào lò đúc? Tụi em cũng giúp cho đời được khối việc đấy chứ. Chưa hề xin xỏ nhà nước cái gì nhé, từ thuế má cho đến trợ giúp ưu đãi gì, chỉ cần cho chúng em được làm nghề, có mặt bằng để thuê là mừng rồi. Vậy mà hết đoàn này đến kiểm tra dọa phạt, lại đến đoàn khác đề nghị ủng hộ. Họ bảo gây ô nhiễm nhưng hỏi làm sao cho ổn thì chẳng ai giúp cho ra ngô ra khoai.".

"Này, này... ông kia, không được chụp ảnh đấy nhé! Cách đây một tuần đã có đứa đứng sau bờ tường quay quay chụp chụp. Mẹ kiếp, thế là hôm qua mấy ông trên phường xuống biểu làm gì thì làm nhưng không được ồn ào, ảnh hưởng sinh hoạt nhân dân, đoàn này chưa đi thì đoàn khác tới nhắc nhở chuyện vệ sinh môi trường, không được đổ xả dầu máy, nhớt ra mặt đất. Thiệt là không hiểu gì về cơ khí ô tô cả! Mổ nguyên cái xe to tướng thế này mà biểu đừng ồn thì bố đứa nào làm được; đổ dầu nhớt ra đất vài bữa là nó khô ráo, bày đặt nói ảnh hưởng môi trường, nước ngầm. Bây giờ đến phiên ông, bộ định viết đơn lên tỉnh chắc. Dẹp nhé, không được. Ông mà chụp ẩu tui báo... công an đấy" - Định, một trong 4 "giám đốc" đồng điều hành khối lượng công việc khổng lồ nơi đây, nói dứt khoát với vẻ mặt đầy cảnh giác khi tôi có "nhã ý" muốn chụp hình cảnh lao động sản xuất... Có lẽ thấy gã thợ ảnh lạ mặt ngơ ngác và không chụp lén nên Định xuống giọng - Thôi, chụp cũng được nhưng vào đây uống nước cái đã. Có cái gì hay ở cái chỗ bẩn thỉu này mà sao gần đây có lắm người đến chụp ảnh nhỉ...

Lân la đến chỗ hai chú thợ trẻ đang hạ thùng xe bằng gió đá để bắt chuyện, các chú cho biết thêm: "Anh biết không có lần mới kéo về một chiếc Huyndai 52 ghế, chưa kịp làm thịt thì gặp ngay mối bán cho các công ty ở khu công nghiệp Phú Tài. Họ mua để làm xe đưa đón công nhân. Thật là nhứt cử lưỡng tiện! Chỉ mấy chú công nhân là không biết mình đang ngồi trên chiếc xe đã được tiễn vào nghĩa địa. "Dụ" này nghe nói báo chí cũng có lần "điểm danh" nhưng rồi cũng thôi luôn, không ai đả động gì".

Chặng đường hóa thân của xe cũ - lò mổ - phụ tùng ô tô cũ - hàng lạc xoong - ô tô (hoặc lò thiêu ở làng đúc) đã góp phần "trải nhựa" trong vòng đời ô tô còn nhiều gập ghềnh, khúc khuỷu. Xem ra chu trình vẫn còn cần thiết để đời sống xã hội vận hành nhịp nhàng. Khi ngồi viết phóng sự này tôi cứ nghĩ - Mai này khi giá máy, giá phụ tùng rớt giá như nhiều thứ, nhiều ngành hàng đã từng không biết cái nghề phẫu thuật ô tô sẽ về đâu. Té ra nó cũng góp một phần để môi trường xã hội bớt rác thải đấy chứ. Có lẩn thẩn không, hỡi các bạn đọc của tôi.

. Hư Trúc

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Quy Nhơn - Những không gian quán   (27/04/2004)
Mong mỏi chiếc roi…   (27/04/2004)
Rừng vẫn còn chảy máu  (27/04/2004)
Nghề sửa giày   (27/04/2004)
Tiêu chuẩn hóa - Vấn đề sống còn   (27/04/2004)
Nhìn ở góc độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng  (27/04/2004)
BISUCO và nông dân chưa tìm được tiếng nói chung  (27/04/2004)
Dáng đứng Việt Nam  (27/04/2004)
Con đường dăm giấy  (23/03/2004)
Ghi chép trên những cánh đồng thuốc lá  (23/03/2004)
Thợ chép tranh  (23/03/2004)
Sự hồi sinh của một dòng sông  (23/03/2004)
Trở lại Phong Nha  (23/03/2004)
Nghề tấu cho những cuộc vui  (23/03/2004)
Một mái nhà để trở về  (24/03/2004)