Một lần đến Sa Pa
15:55', 27/4/ 2004 (GMT+7)

Từ thời còn là sinh viên ở Huế tôi đã mơ mộng nhiều về Sa Pa khi đọc "Lặng lẽ Sa Pa" của nhà văn Nguyễn Thành Long. Một câu chuyện đẹp như bài thơ kể về những con người quên mình đi dựng xây đất nước nơi chỉ có gió và mây. Bởi vậy lần này khi có dịp đi công tác ở Hà Nội tôi đã không bỏ qua cơ hội để đến Sa Pa.

Với tôi, Sa Pa có cái gì đó gần giống với Đà lạt. Cũng cái không khí se lạnh mơn man da thịt. Cũng những ngôi biệt thự lưng chừng núi nấp sau những rặng sa mu xanh thắm. Hơn thế Sa Pa có thêm nhiều sắc màu thổ cẩm. Từ trong các ngã đường vào phố huyện, từng tốp người dân tộc, nào người Thái, người Mông, người Tày… điệu những chiếc gùi to đi trên đường. Các màu sắc, họa tiết trên những chiếc áo, chiếc váy, chiếc khăn tay của họ làm sinh động thêm cái thị trấn nhỏ bé này.

Không phải ngày thứ bảy nên hôm nay Sa Pa không có phiên "chợ tình" nổi tiếng mà tôi hằng ao ước. Nhưng chợ Sa Pa thì vẫn đông người, bày bán đủ thứ sản vật địa phương như: mận, đào, mộc nhĩ, măng khô… Bắt mắt du khách nhất vẫn là những thứ hàng thổ cẩm của người dân tộc; những tấm phà của người Thái, những tấm vải sặc sỡ của người Mông; rồi các loại vòng đeo tay, kiềng đeo cổ chạm khắc tinh xảo. Tất cả được chào bán tự nhiên nhưng không ồn ã

Tranh thủ lúc trời chưa tắt nắng chúng tôi leo lên núi Hàm Rồng, được mệnh danh là một Sa Pa thu nhỏ. Nơi đây thực sự là một khu bảo tồn sinh quyển với cảnh đẹp hoang sơ, có vô số loài thực vật bản địa đặc thù của những cánh rừng Tây bắc. Điểm đến đầu tiên là Vườn lan. Tôi như hoa mắt trước hơn 6 ngàn chậu lan với hàng trăm loại lan được sưu tầm, tập hợp tại đây; trong đó có những loại lan đặc hữu như "Kiếm trần mộng", "Kiếm thu", "Lan tiêu" trông rất lạ, ít nơi nào có được. Nhưng quyến rũ hơn vẫn là vườn đào, vườn mận. Đào, mận mọc thành rừng, trải dài trên đồi cỏ rộng mênh mông. Khác với đào kiểng mà tôi quen nhìn thấy ở Quy Nhơn và cả ở Hà Nội, giữa đất trời bao la, thời tiết mát mẻ, đào ở đây cây to, tán rộng, hoa tươi ngập tràn sức sống. Dường như đào chỉ dành riêng cho đất Sa Pa, không chịu mang đi đâu, nhất là không chịu cảnh tù túng trong chậu cảnh dù người ta có cố công đến mấy. Không chỉ có vậy, thiên nhiên còn ban tặng cho núi Hàm rồng một vườn đá muôn hình vạn dạng; chỗ như cây mấm mọc từ đất, chỗ như mũi giáo chỉa lên trời, chỗ như tiên ông, chỗ như quỷ dữ. Ai đó có lý khi nói rằng nơi đây như một Hạ Long trên cạn. Tôi như thấy mình đứng trong không gian của những huyền thoại.

Đi mãi, leo mãi cũng đến "Sân mây". Đúng như tên gọi của nó, đâu cũng thấy mây; mây bay qua mặt, mây lèn dưới chân. Tôi giơ máy định chụp một bức ảnh toàn cảnh Sa Pa, nhưng chưa kịp bấm đã phải buông tay. Chỉ trong tíc tắc, mây ở đâu ùn ùn kéo đến che kín mặt đất. Phải chờ đến hơn 10 phút mây tan mới chụp được bức ảnh. Thời gian ở đây dường như được cô đặc lại. Ở khu du lịch rộng 148 ha này, còn có làng dân tộc phong cảnh, giới thiệu với du khách những ngôi nhà, những nét văn hóa đặc trưng của 5 dân tộc H Mông, Dao, Tày, Gáy, Xá Phó, đang sinh sống ở Sa Pa; còn có khu biểu diễn nghệ thuật dân tộc, thường xuyên hoạt động phục vụ du khách. Lên đỉnh Hàm Rồng gặp lúc trời đẹp có thể nhìn thấy đỉnh Phan-Xi-Phăng, cao 3.143m, được ví như "nóc nhà của Việt Nam"

Đêm Sa Pa lạnh hơn tôi tưởng; mặc hai lớp áo vẫn run lập cập. Nghe nói mùa đông năm ngoái có tuyết rơi. Sương không còn nằm trên núi, đã hạ thấp, trải dày khắp mọi nơi. Mặc, chúng tôi trùm kín cổ xuống phố. Dọc theo các sườn đồi là những ngôi nhà xinh xắn, tường vôi, ngói đỏ, hình khối đa dạng, khi lên cao, lúc xuống thấp dọc theo các trục lộ làm cho thị trấn càng trở nên thơ mộng. Chúng tôi hỏi thăm đường và tìm đến "phố nướng", nằm bên sườn của ngôi nhà thờ đá cổ kính. Chỉ một đoạn đường ngắn chừng trăm mét mà có đến 20-30 quán hàng nướng. Chúng tôi sà vào một quán có cô chủ trẻ mắn chuyện. Quán được quây kín bằng một tấm bạt lớn. Giữa là một lò than rực lửa, chung quanh dăm cái ghế nhựa con con. Một cái thúng bên cạnh, trong chứa đủ thứ: ngô, khoai, sắn, mía, bánh dầy, cơm lam… Ai muốn ăn gì cứ tự nhiên lấy bỏ vào bếp, xong cũng tự cầm lấy vừa thổi vừa ăn. Trời lạnh, bụng đói, các món nướng bình dân kia bỗng ngon lạ, ăn mãi không biết no. Khói của các món đồ ăn bốc lên, quyện với làn sương càng làm cho không gian ban đêm huyền ảo. Càng khuya, phố nướng càng đông khách; tây có, ta có, trẻ già đủ cả. Tôi đi nhiều nơi chưa thấy một phố nướng nào giống như ở đây.

Cảnh đẹp Sa Pa không chỉ có thế. Đó còn là Bãi đá cổ, nơi có những dòng chữ lạ, những bản đồ dư địa chí khắc trên những hòn đá mà đến nay chưa ai giải nổi. Xa hơn là động Tả Phìn, chợ ngựa Bắc Hà, chợ Cốc Ly… mới nghe tả đã thấy mê, nhưng thời gian không chiều lòng người, nên chúng tôi đành chia tay với Sa Pa trong niềm tiếc nuối.

Sa Pa như cô gái đẹp thẹn thùng, lấy mây che mặt, chờ gặp lại lần sau.

. Ngọc Minh

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thơ   (27/04/2004)
Trong gió nam cồ   (27/04/2004)
Đám cưới vàng của anh chị Tư   (27/04/2004)
Hóa kiếp ô tô   (27/04/2004)
Quy Nhơn - Những không gian quán   (27/04/2004)
Mong mỏi chiếc roi…   (27/04/2004)
Rừng vẫn còn chảy máu  (27/04/2004)
Nghề sửa giày   (27/04/2004)
Tiêu chuẩn hóa - Vấn đề sống còn   (27/04/2004)
Nhìn ở góc độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng  (27/04/2004)
BISUCO và nông dân chưa tìm được tiếng nói chung  (27/04/2004)
Dáng đứng Việt Nam  (27/04/2004)
Con đường dăm giấy  (23/03/2004)
Ghi chép trên những cánh đồng thuốc lá  (23/03/2004)
Thợ chép tranh  (23/03/2004)