Những rẫy cây ăn quả tự khai vỡ, rừng bạch đàn giao đất năm mươi năm, những luống rau màu hầm rác cũ… quanh con suối lớn của núi Vũng Chua - địa giới hành chính tự nhiên của hai phường Quang Trung, Nhơn Phú đều có cái giá năm bảy chục đến hàng trăm triệu đồng. Người mua kẻ bán, kẻ cười người khóc, lúc chựng lại lúc bùng lên. Suối Trầu quanh năm róc rách xanh giờ đang nóng sốt…
* Lộc núi
|
Ở Suối Trầu lúc nào cũng có nhà treo biển "bán nhà" |
Ông Năm Nhơn, 64 tuổi, dân Phước Lộc - Tuy Phước khai vỡ đám rẫy trọc non 1 mẫu ven suối, vùng dân địa phương chê đất xấu, năm ngoái cắt bán một vùng đồi và mảng suối được 80 triệu đồng. Vùng đồi được chủ mới, ông Ba Ri thuê máy ủi san phẳng giờ đã có hàng chục người hỏi mua, giá 220 triệu đồng chưa được duyệt! Hơn ngàn mét vuông đất này ông dự tính chia thành 16 lô đất ở. Nghĩa là cách đường Tây Sơn non một cây số ở độ cao khoảng 50 mét trên núi, giá đất gần 200.000đ/m2! Ông Năm Nhơn xây ngôi nhà cấp 4 khang trang để ở, hàng ngày dùng xe rùa, cuốc chim tự kè đá, san phẳng những mảng đồi còn lại, chờ người đến mua. Mà cũng không lâu la gì, chuyện mua bán đất vùng này đang xảy ra ngày ngày. Ông tâm sự: "Nằm mơ cũng không dám nghĩ tới cái khoản tiền mình có thể có trong tay chú à! Tôi từng làm rừng ở Kông-Hà-Nừng, phát rẫy thuê ở Gành Ráng rồi phát rẫy cho ông Ba, ông Bộ ở đây, thấy vùng đất cằn này dân địa phương bỏ trống cũng dọn làm kiếm thêm để sống, ai ngờ giờ có tiền trăm triệu!". Trước đó vài tháng, ông Sáu Sách bán vùng đất nhận trồng rừng 50 năm khoảng 2.500m2 (đã cải tạo thành mặt bằng 2/3 trồng rau) giá 78 triệu. Bây giờ có người đề nghị được mua lại với giá nửa tỉ đồng! Thật "điên cái đầu", theo cách nói của những người chung quanh. Trên con đường trườn lên núi này, đầu năm 2003, một lô đất 100m2 giá 10 triệu, cuối năm đã 50- 60 triệu. Mà giá thì mỗi ngày mỗi khác theo cái hướng cứ thế vọt lên.
Mới nhất, anh Trương Đăng Huy mua của ông Tư Lê đám rẫy trồng mít, xoài giá 40 triệu đồng. Hôm sau có người trả anh Huy đến 70 triệu đồng, anh này không bán vì mê cảnh cây rừng suối đá. Anh đang tích cực rào giậu, xây hồ, trồng hoa, đắp non bộ…cải tạo thành vùng du lịch sinh thái mà anh tin chắc là "đẹp hơn suối Mơ". Giá rẫy chung quanh lập tức tăng nhanh. Chuyện được, hớ trong mua bán chuyển nhượng khó lường vì giá cả tăng nhanh. Ở "làng" núi này, ai bán được đất, rẫy cũng cúng một con heo mời nhau mừng. Những người nông dân lam lũ ở đây ai cũng có tâm trạng như ông Năm Nhơn: có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới.
* Cùng nhau ta lên non
Năm 2000, tổ 10 khu vực 8, phường Nhơn Phú trên dưới 40 hộ, giờ con số này là gần 200! Dĩ nhiên, dân số đồng Suối Trầu mới không phải nông dân, phần đông là dân phố lên với đủ ngành nghề. Năm 2002 vùng này có 3 dự án xây dựng và mở rộng ba cơ quan, đơn vị, việc tăng dân có chững lại thì tuyến bên kia suối, tổ 48, khu vực 5, Quang Trung, tuyến núi nêu trên, việc mua đất xây nhà cứ là nườm nượp. Thời điểm nào trong năm cũng có nhiều nhà đang xây, hầu như ngày nào cũng có người đến tìm mua đất, rẫy. Con đường xe ủi lấy đất làm các công trình bây giờ người dân tiếp tục san ủi, tiến cao lên núi. Tiến đến đâu, đất ở mở ra đến đó. Một số chủ đất bên kia suối đã chuẩn bị xây cống, làm cầu. Hơn 50 ngôi nhà đã mọc lên. Đất có chủ đã tới con số trăm. Giá cả hiện nay là chục triệu một mét "mặt tiền"!
Chuyện mua bán đất chủ yếu là viết giấy tay với vài nhân chứng. Sau nghị định 17/TTCP của Thủ tướng Chính phủ, cấp phường xã đã không có quyền ký xác nhận việc này. Chữ ký bên mua bên bán cốt làm tin tránh tranh chấp là chính, việc hợp thức hóa về mặt luật pháp tính sau. Rồi đâu cũng vào đấy. Bằng chứng nhỡn tiền là dãy nhà đất ở tổ 9 bên cạnh, mới thấy các ban bệ tổ chức cưỡng chế ầm ĩ mấy tháng sau dân tiếp tục đổ đất quy mô hơn, xây nhà kiên cố hơn. Cái giá của góc cua này giờ đã vài trăm triệu đồng một lô. Ông Huỳnh Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND phường Nhơn Phú cho biết địa phương đã phối hợp ra quân vài lần, lơi chút là họ làm lại. Mà cũng không phải thẩm quyền hẳn của phường, đâu thể cứ canh giữ mãi. Ngay cả chuyện hai năm rõ mười là có dự án vùng này đo đạc, yêu cầu dân ngừng sản xuất đã gần 2 năm vẫn chưa đền bồi ruộng đất cho dân. Địa phương kiến nghị bằng văn bản hẳn hoi cũng chỉ nhận được lời hứa suông của chủ dự án. Việc quản lý và thực hiện chính sách về đất đai thực tế còn quá nhiều bất cập.
Đã có những dự án treo. Đã có những dự án chậm công bố công khai. Đã có những dự án không khả thi, tự xếp xó không công bố. Hệ quả của nó là làm giàu cho dân thính nhạy thời tiết địa ốc, kinh doanh bất động sản. Rồi chuyện thậm thụt mua ngày bán đêm. Có người bí mật chồng tiền trong đêm, sáng ra mới té ngửa là vùng giải tỏa đã có thông báo ngày đo đạc. Buồn khổ, sượng mặt, kình cãi. Đùng một cái lại có tin rò rỉ dự án không thành, được- mất, kiết- hung khó lường, đang ngỡ sụp hầm hóa ra mua rẻ… Bất an và hy vọng cứ đan xen khi chưa có bản đồ quy hoạch công khai. Tháng 3 vừa rồi có người của chính công ty chủ dự án tới nhà bà Đ. hỏi mua đất. Ban đêm. Thật "điên cái đầu", chẳng hiểu ra làm sao cả! Vùng đất này đang có kiểu lặng im tâm bão.
Năm 2001, một đoàn khảo sát thành phố và các ban ngành, phường xã liên quan leo núi Vũng Chua qua Bàu Lác, ai cũng biết. Thông tin về con đường dọc núi từ kho xăng dầu đến nghĩa địa, con đường nối tuyến này tới khu công nghiệp Phú Tài nhanh chóng lan rộng. Nhiều cư dân địa phương dò theo dấu cọc lên núi phát rẫy, chiếm đất. Phát cho có dấu rựa, đốt sơ rồi chặt gai rào, kiểu nhanh chân xí bùm của trò chơi con trẻ. Anh G. tâm sự hồn nhiên: "Biết đâu được, cũng chỉ mất có năm bảy ngày công, khi con đường khởi động, hạ thổ một số cây trồng, chờ thời may…". Triền núi bồn xăng đất xấu, lâm trường cũng không đụng đến, ai có sức thì khai hoang tăng gia- những cư dân này nghĩ có lý, cái lý đánh bạc với Nhà nước, vốn bỏ ra chỉ là những ngày công nông nhàn. Coi như chẳng mất gì, còn được thì, biết đâu đấy… Con đường có làm không, bao giờ làm, có trời biết, cứ lên non mà cầu lộc núi! Bản đồ địa chính dưới đồng đo đi đạc lại vẫn chưa chặt chẽ trong quản lý huống gì đất núi. Những người lên núi trước đây vì đồng không đủ nuôi sống còn kẻ hát khúc đăng sơn bây giờ đang dựa bừa vào tiết tấu luật…rừng.
. Lê Hoài Lương
|