Điều gì đã níu kéo người phụ nữ hơn 50 tuổi quê tận Hải Phòng này một lần đến và ở luôn lại Quy Nhơn với những đứa trẻ khuyết tật (KT) tại Cơ sở dạy nghề Nguyễn Nga? Tôi tìm ra câu trả lời khi chứng kiến những đứa trẻ câm điếc áp hai ngón tay vào má mình (nghĩa là "má ơi") rồi nhìn chị bằng một ánh nhìn trìu mến; xúm xít bên cạnh lúc chị đau với những đôi tay huơ lên trong không khí nói thứ ngôn ngữ không lời của tình yêu: "Má đau sao vậy? Má đỡ chưa?"
* Người có duyên với trẻ khuyết tật
"Đúng là tôi có duyên với trẻ KT ở đây", chị Nguyễn Thị Thanh Thảo - cấp dưỡng kiêm bảo mẫu của trẻ KT tại Cơ sở dạy nghề Nguyễn Nga (cơ sở 2) - mở đầu câu chuyện của mình như thế. Mối duyên đưa chị đến với trẻ KT Nguyễn Nga bắt đầu từ một ngày cuối năm 2000, khi chị dẫn con trai vào nhận việc tại một công ty ở huyện An Nhơn. Trong lúc chị cũng muốn tìm một việc gì đó làm tạm chờ con ổn định công việc thì được một người quen cho biết Cơ sở Nguyễn Nga đang cần một cô bảo mẫu cho trẻ KT, với điều kiện là cô phải ở luôn tại chỗ để có thể chăm sóc trẻ mọi lúc. Kể đến đây chị dừng lại và cười: "Đó là may mắn của cô Nga và cũng là may mắn của tôi". Từ đó, chị trở thành người mẹ của những đứa trẻ không may mắn. Càng ngày, "đàn con" của chị càng đông, từ 4 cháu KT ở nội trú năm 2000, lúc chị mới nhận việc, đến nay đã là 50 cháu, hầu hết là trẻ câm điếc bẩm sinh và lứa tuổi chiếm đa số là 9-10 tuổi. Công việc vì thế cũng ngày càng vất vả và một mình chị đảm nhiệm tất cả (đến tháng 11-2003 chị mới có thêm một đồng nghiệp để chia sẻ công việc).
Một ngày của chị bắt đầu từ lúc 5 giờ 30 phút sáng và kết thúc lúc 9 giờ 30 tối, khi trẻ bắt đầu đi ngủ, với những công việc có tên và không tên của một cô cấp dưỡng kiêm bảo mẫu: vệ sinh nhà cửa, đi chợ, nấu cơm, tắm rửa, giặt giũ cho trẻ, dỗ chúng ngủ… Chị kể về công việc của mình rồi cười không dấu được niềm tự hào: "Tuy tuổi tôi thế này chứ tôi còn sôi nổi và ưa thích hoạt động lắm."
* Mẹ của em ở trường
Để có thể chăm sóc tốt chừng ấy trẻ, mà toàn là trẻ câm, điếc, thiểu năng trí tuệ... là một việc không đơn giản chút nào. Chị tìm sách đọc để biết rõ bệnh lý và tâm lý những đứa con của mình. Chị học ngôn ngữ bằng tay để có thể nói chuyện và dạy bảo chúng. Khi đi chợ, chị tính toán sao cho có thể mua được những thức ăn ngon và rẻ… Cứ thế, chị trở thành một phần không thể thiếu được trong ngôi nhà đầy ắp tình yêu thương này. Chị tâm sự: "Nhiều người hỏi tôi rằng với một khối lượng công việc như thế mà chỉ nhận có ngần ấy lương (600.000 đồng/tháng) thôi sao. Nhưng tôi đồng cảm với cô Nga, với những gì mà cô ấy đã làm cho trẻ KT nên tôi chấp nhận và không đòi hỏi gì thêm".
Tình yêu thương mà chị Thảo dành cho những đứa trẻ bất hạnh ở đây không thể đo đếm được. Người ta chỉ có thể cảm nhận được điều đó khi chứng kiến chị chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ cho những đứa trẻ câm điếc. "Chị Thảo là người gắn bó lâu nhất với trẻ KT ở đây. Trong 3 năm qua, chị làm việc rất tốt và chưa bao giờ than vãn về công việc của mình" - đó là nhận xét của chị Nguyễn Nga - chủ Cơ sở dạy nghề Nguyễn Nga. Còn bản thân chị Thảo, chị thực lòng: "Cũng có lúc tôi thấy mệt mỏi và muốn ra đi, nhưng rồi nghĩ lại: nếu để công việc lại cho người khác thì không biết họ có chăm sóc bọn trẻ, ít ra là như mình được hay không? Vậy là tôi ở lại".
Những đứa trẻ KT đang được học chữ, học nghề miễn phí ở Cơ sở Nguyễn Nga tuy không được sinh ra dưới một "ngôi sao tốt", nhưng chúng may mắn được chăm sóc và yêu thương bởi nhiều tấm lòng nhân hậu, trong đó có tấm lòng của chị Nguyễn Thị Thanh Thảo.
. Nguyên Sương
|