Người chăn nuôi Bình Định trong cơn bĩ cực
9:19', 8/6/ 2004 (GMT+7)

Sau đại dịch cúm gia cầm, người chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tỉnh đang cố gắng "gầy" lại với nghề của mình. Nhưng khó khăn do đại dịch cúm gia cầm chưa qua khỏi thì người chăn nuôi lại tiếp tục đối mặt với khốn đốn khác khi việc thức ăn chăn nuôi đang leo thang... Thế là không chỉ người nuôi gà, vịt mà cả người nuôi heo, thậm chí cả người nuôi bò sữa... nhất loạt kêu trời.

* Giá thức ăn chăn nuôi leo thang

Trang trại của ông Lưu Bá Khiết (phường Trần Quang Diệu - Quy Nhơn) hiện nay chăn nuôi hơn 100 con heo thịt

Trong vòng 4 tháng qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục và hiện đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Theo nhiều người kinh doanh thức ăn chăn nuôi, giá thức ăn chăn nuôi được sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu đều tăng mạnh kể từ khi gia cầm được phép nuôi rộng rãi trở lại sau đại dịch cúm gia cầm. Hầu hết giá thức ăn chăn nuôi của các hãng sản xuất đang bán ở thị trường trong tỉnh đều tăng từ 20 - 30% so với đầu năm nay. Trong đó nhiều nhất là các loại thức ăn của các hãng U.P, C.P, Cargill, Con Cò..., tương ứng với mức tăng từ 10.000 - 40.000 đồng/bao tùy theo thức ăn. Cụ thể, thức ăn Con Cò dành cho vịt đẻ là 160.000đ/bao (25 kg), tăng 35.000đ/bao; gà thịt: 110.000đ/bao (25 kg), tăng 30.000 đ/bao...; thức ăn Cargill dành cho heo giống từ 92.500đ -165.000đ/bao (25 kg), tăng 10.000đ - 15.000đ/bao... Anh Nguyễn Ngọc Tín - Đại diện Công ty thức ăn Con Cò tại Quy Nhơn, cho biết: "Qua tìm hiểu của công ty chúng tôi, được biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá trong những tháng qua là do giá nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng mạnh. Chẳng hạn, giá bã đậu nành (chiếm 40% nguyên liệu) tăng gần 100%, bắp (30%-40% nguyên liệu) tăng 14%, bột cá tăng 30 - 40% hoặc các loại như như lysine, ngô, bột gluten ngô, bột cá, bột xương thịt, bột huyết tương, bột mì... đều tăng giá cả. Theo tính toán của chúng tôi, mức bình quân của nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tại công ty tăng bình quân khoảng 35%, trong khi đó giá thức ăn bán ra thị trường tăng chỉ khoảng 20 - 25% so với trước đây thôi. Với tình trạng trên, nếu không có sự can thiệp của các ngành chức năng, chúng tôi tin rằng chỉ trong vài tháng tới đây giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn lên giá cao hơn nữa".

* Người chăn nuôi: "Tiến thoái lưỡng nan"

Với người chăn nuôi gia cầm đang gặp khó khăn lớn về vốn sau dịch, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao là khó khăn quá lớn đối với họ. Ông Lê Văn Dư - Chủ cơ sở gà giống Minh Dư (Phước Nghĩa - Tuy Phước), người được biệt danh là "Vua gà" trong tỉnh, bức xúc: "Đại dịch cúm gà đã làm cho chúng tôi thua lỗ hàng trăm triệu đồng, giờ lại phải đối mặt với những khó khăn do thức ăn gia cầm tăng giá. Hiện cơ sở chúng tôi nuôi khoảng 8.000 con gà với tổng chi phí thức ăn cho đàn gà khoảng 7 triệu đồng/ngày, tăng khoảng 2 triệu so với đầu năm nay, trong khi đó giá gia cầm trên thị trường trong thời gian gần đây không tăng bao nhiêu cả. Thực ra, việc nuôi gia cầm ở cơ sở chúng tôi nếu "xuôi chèo mát mái" thì mỗi vụ chỉ cho lãi suất khoảng từ 10-15% so với vốn bỏ ra, nhưng với tình trạng thế này thì chắc khó mà lời được nếu không nói là lỗ".

Chính vì yếu tố thức ăn chăn nuôi tăng giá cao mà số lượng người nuôi và số lượng gia cầm, gia súc nuôi trong tỉnh đang có chiều hướng giảm nhiều so với đầu năm nay. Nhiều người nuôi gia cầm chuyên nghiệp chỉ dám nuôi gà, vịt với số lượng cầm chừng từ 15 - 20% so tổng số lượng nuôi từ đầu năm. Bà Trần Thị Thu - một chủ trại nuôi heo ở Mỹ Quang (Phù Mỹ) cho biết: "Giá thức ăn dành cho heo tăng bình quân từ 20%, trong khi đó giá bán heo thì lại không tăng mấy. Mà đây là chưa kể giá vắc -xin, thuốc thú y cũng liên tục tăng và hiện đã tăng khoảng 20% so với cuối năm 2003... Trước đây chúng tôi nuôi gần cả trăm con, chứ nay thì hoàn toàn không dám, chỉ nuôi khoảng 20 - 30 con cầm chừng. Nếu cứ mãi tình trạng thế này chắc chúng tôi phải bỏ nghề nuôi heo luôn... ".

Theo số liệu báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bình quân hằng năm ngành chăn nuôi cần đến 9 triệu tấn thức ăn các loại. Tuy nhiên, hiện nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước chỉ đáp ứng chưa được 1/3 nhu cầu này. Điều này cho thấy, tình hình giá thức ăn gia súc gia cầm trong nước quá cao do phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu từ nước ngoài, việc tìm được biện pháp hạ giá thành thức ăn gia súc gia cầm đang là vấn đề nan giải không chỉ đối với nhà sản xuất mà cả đối với các nhà quản lý.

Việc giá thức ăn chăn nuôi tăng nhanh đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu nhập của nông dân trong tỉnh. Hy vọng rằng trong thời gian tới, người chăn nuôi sẽ được các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm hơn để họ có thể được đứng vững bằng nghề chăn nuôi của mình trong khi thị trường giá thức ăn chăn nuôi cứ tăng đều như hiện nay và đặc biệt rất có thể nhiều người chăn nuôi đang có nguy cơ sẽ phải "giải nghệ".

. Anh Tú

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bác Hồ trong trái tim bạn bè quốc tế   (08/06/2004)
Đi đúng hướng theo con đường Người đã chọn   (08/06/2004)
Những tên côn đồ chống người thi hành công vụ   (27/04/2004)
Dấu ấn của các tiền đạo tân binh   (27/04/2004)
Kitaro - một tâm hồn Nhật   (27/04/2004)
Người mẹ hiền của trẻ khuyết tật   (27/04/2004)
Sốt đất ở Suối Trầu   (27/04/2004)
Một lần đến Sa Pa   (27/04/2004)
Thơ   (27/04/2004)
Trong gió nam cồ   (27/04/2004)
Đám cưới vàng của anh chị Tư   (27/04/2004)
Hóa kiếp ô tô   (27/04/2004)
Quy Nhơn - Những không gian quán   (27/04/2004)
Mong mỏi chiếc roi…   (27/04/2004)
Rừng vẫn còn chảy máu  (27/04/2004)