Bà chủ quán phở ở thị xã Đông Hà vục vào gói bột ngọt, múc ra một thìa ứ ự rồi cho vào bát phở. Tiếng của những mảnh bột ngọt va vào thành bát nghe rờn rợn. Anh An xua tay lia lịa: "Cho bột ngọt gì mà lắm thế, hả chị? Đổi giùm bát khác đi, tôi không ăn được đâu!". Nghe giọng nói anh An, bà chủ xởi lởi: "Hình như chú là người Thái Bình?". Anh An gật đầu, mắt không rời bát phở. Quay sang tôi, anh nhỏ nhẹ: "Ba mươi hai năm trước, những thằng lính Trường Sơn như tôi, quí bột ngọt như quí máu. Bây giờ thì…". Anh bỏ lửng câu nói, mắt xa xăm rười rượi.
Xe băng về hướng Nghĩa trang Trường Sơn. Anh An đi tìm mộ của một người bạn, nghe đâu đang nằm ở nghĩa trang này. "Mẹ nó năm nay tám sáu rồi. Năm ngoái, sau trận ốm liệt giường, tưởng cụ đi, ai ngờ lại khỏe ra. Nhưng ở cái tuổi ấy, sống chết tơ tóc lắm. Nhà có ba người con, bà chị đầu lấy ông tập kết, giờ không biết ở đâu, thằng con trai duy nhất thì hy sinh năm bảy hai, chỉ còn mỗi đứa con gái út, từng đi thanh niên xung phong, giờ như người cõi trên. Cụ nhờ người nhắn cho tôi mỗi việc này: Con tìm giúp bác mộ thằng Tân. Nó báo mộng cho bác rằng chỉ có con mới biết chỗ nó nằm. Bác chỉ có thể nhắm mắt khi biết được mộ nó ở đâu. Gắng giúp bác. "Nó" đây là thằng Tân - bạn cùng làng, cùng đi B một ngày với tôi. Công việc túi bụi nhưng đành gác lại. Thôi thì cũng hết lòng với bà cụ chứ khó mà biết được Tân nằm đâu trong 10 ngàn ngôi mộ ở nghĩa trang này". Anh An nói lý do vì sao anh phải lặn lội từ Quảng Ngãi - quê vợ anh - để ra Quảng Trị. Anh nhờ tôi đi cùng là vì tôi "thuộc" đường ở vùng đất này.
Buổi chiều ở Nghĩa trang Trường Sơn, quạ kêu nghe se thắt. Ngậm ngùi và hoang lạnh. Trang nghiêm đến rợn ngợp. Chúng tôi bước vào khuôn viên nghĩa trang với tất cả tâm trạng ấy. Hai anh em đi lòng vòng khá lâu mới tìm được "làng" Thái Bình. Lại gập lên cúi xuống tìm đọc các tấm bia một lúc lâu nữa, liệt sĩ Nguyễn Thanh Tân mới hiện ra: Quê Vũ Thư, Thái Bình, sinh năm 1953, hy sinh 15-10-1972. Anh An kêu lên một tiếng, thảng thốt đến tê điếng: "Nó đây rồi! Thằng Tân đây rồi!". Hai tay anh bưng mặt, mái đầu muối tiêu rung lên bần bật trong tiếng nấc. Tôi chết lặng như cây thông già trụi lá. "Thằng Tân chết vì một gói mì chính!". Bí ẩn về cái chết của người bạn dần dần lộ ra sau những xúc động mạnh của anh An. "Bãi khách binh trạm sau loạt B52 phơi ra đủ các thứ: Cây đổ ngổn ngang, quần áo, võng màng tơi tả. Chợt xuất hiện những gói mì chính. Tân đã lao về phía ấy. Tiếng nổ từ một quả bom bi còn sót lại đã cướp lấy Tân. Thế đấy. Không phải cái chết của người lính nào ở Trường Sơn cũng oanh liệt như những trang văn!".
Tôi thắc mắc: "Tiếc gì gói mì chính kia chứ?". "Chú em không trải qua đời lính Trường Sơn nên không hiểu hết giá trị của một gói mì chính đâu. Lúc chiều, trước khi có trận bom tai hại ấy, hỏi trong đơn vị, ai còn mì chính để cho vào nồi canh tàu bay? Cả trung đội im re! Loạt bom làm "lộ" những gói mì chính được dấu tận đáy ba lô của một người lính nào đó đã vỡ vạc trong tôi nhiều điều lắm. Chỉ tội cho Tân, thằng bạn gan góc và hào phóng. Nó đã lộn ngược chiếc ba lô để chia cho bạn mẩu lương khô cuối cùng vào chiều hôm trước".
Chúng tôi lại ghé quán phở hôm qua. Bà chủ quán đon đả: "Hôm nay tôi không cho bột ngọt vào phở nữa đâu, chú người Thái Bình ạ!". Miệng nói nhưng tay bà chủ vẫn giữ khư khư gói bột ngọt. Anh An nheo mắt: "Có phải chị là chị Bình không?". Bà chủ quán khựng lại. "Chứ chú là…". "Là thằng An còi đây!". "Ối giời, thằng An còi, con bác cả Cườm! Sao lại lạc ra đây?". Anh An nghiêm giọng: "Chị ở Đông Hà mấy chục năm, sao không tìm Tân?". "Chị trôi dạt từ Đắc Lắc về đây được hai tháng nay chú à. Tưởng bỏ xác trên ấy rồi. Đây là quê chồng nhưng chẳng còn ai cả. Chứ, thằng Tân…". "Em tìm được chỗ nó nằm rồi!". Gói bột ngọt rơi khỏi tay bà Bình, văng tung tóe. Tôi như thấy lại trận bom mà anh An đã kể cho tôi. Anh An nói như chỉ cho mình anh nghe: "Ngày ấy mà mì chính thừa mứa như bây giờ, thằng Tân đâu đến nỗi phải chết!".
11-7-2004
. Trần Đăng |