Vài cảm nhận về bài thơ "Sim trên hè phố"
10:59', 19/7/ 2004 (GMT+7)

Sim ơi còn nhớ ta không

Xưa ta và bạn sống trong thung đồi

Sau cơn lăn lóc vô hồi

Bây giờ gặp lại ở nơi thị thành

Có những kẻ cho các nhà thơ là những người "ngớ ngẩn". Giữa cuộc đời bề bộn, biết bao việc phải tính toán, lại đi quan tâm đến những chuyện không đâu, cả đến những cây cỏ và những tình hoài của chúng… Và, Nguyễn Thanh Mừng cũng "ngớ ngẩn" như thế khi gặp gỡ, tâm sự với những quả sim. Nhưng nhiều khi trong cuộc sống của con người và trong thơ nữa lại rất cần sự "ngớ ngẩn" hồn nhiên như thế. Bởi vì nó là sự bay bổng trong thế giới tâm linh của con người mà văn chương thường gọi là lãng mạn. Thị thành, trong mấy câu thơ của Thanh Mừng chỉ như một địa điểm được nhắc đến. Thế giới bấy giờ là thế giới giữa nhà thơ với những quả sim vừa gặp lại sau bao nhiêu xa cách. Với tiếng gọi tha thiết, với câu hỏi bồn chồn, với sự hồi tưởng gợi nhớ. Mảnh đất xưa từng có những ngày bên nhau gắn bó đã xa rồi. Sim từ vùng đồi xa lắc đến đất thị thành lạ lẫm này. Còn nhà thơ, sau một quãng đời dài đầy nắng gió "lăn lóc vô hồi" để rồi đến đây. Gặp lại nhau mỗi bên đều khác. Hoàn cảnh cũng đã đổi thay. Tất cả đã đổi thay. Chỉ có niềm thương nhau vẫn rạo rực mặn nồng như một điểm son đỏ thắm nồng nàn giữa dòng chảy mãnh liệt của thời gian. Gặp lại nhau, là gặp lại quê hương nghĩa tình của những ngày thân ái. Đó là những gì chắt lọc thơm thảo cao quí nhất trong cuộc sống của con người vậy. Sau giây phút bồi hồi về cuộc tương phùng trên đất lạ, nhà thơ như lặng đi nhìn thẳng vào mình và bạn mà nhận ra những còn mất đổi thay.

Ta còn tí đỉnh tóc xanh

Bạn còn chút ít ngọt lành mà thôi

Nép bên hồng tía chợ trời

Cúi đầu trước những tiếng đời chê khen

Dù đi qua những năm tháng dài nắng gió làm phai màu tóc, có rụng rơi trên con đường "lăn lóc" với đời, như may mà còn giữ được "chút ít", "tí đỉnh" những gì cao đẹp nhất của con người. Chỉ "chút ít, tí đỉnh" ấy nhưng biết bao nhiêu cố gắng can trường, bền bỉ, vượt qua. Không ít kẻ đã trắng tay. Một thoáng vui mừng ánh lên trong sắc xanh vị ngọt của nghĩa tình mà ngọc vàng nào sánh nổi. Nhưng rồi như sực tỉnh trở về với thực tại, nhà thơ đặt những quả sim kia vào vị trí của nó. Những quả sim được bày bán ở hè phố chợ trời. Chợ trời thoáng hiện mà thật đậm nét như tất cả sự ồ xào, rầm rộ, rực lên trong sắc màu dữ dội để nhận ra những mất mát đoạn trường.

Sim trên hè phố

Sim ơi còn nhớ ta không

Xưa ta và bạn sống trong thung đồi

Sau cơn lăn lóc vô hồi

Bây giờ gặp lại ở nơi thị thành

 

Ta còn tí đỉnh tóc xanh

Bạn còn chút ít ngọt lành mà thôi

Nép bên hồng tía chợ trời

Cúi đầu trước những tiếng đời chê khen

 

Ngoảnh về non lặng suối hiền

Thương cây nhớ cội đã biền biệt xa

Mai này cát bụi nhập nhòa

Biết ai còn nhận ai là cố tri?

1993

. Nguyễn Thanh Mừng

Nép bên hồng tía chợ trời

Cúi đầu trước những tiếng đời chê khen

Lời thơ nhẹ như hơi thở, mà sắc như một lưỡi dao cứa buốt lòng người về sự mất mát không lường này. Mấy chữ "nép" "cúi đầu" xé ruột lắm! Là hai câu thơ thật hay có sức bao hàm lớn về chất tình, chất thơ, hiện thực đời sống. Và cũng rất Thanh Mừng đau đớn đến lặng câm mà vẫn không từ bỏ vẫn hướng về cội nguồn với những gì cao quí nhất để nuôi dưỡng thiên lương:

Ngoảnh về non lặng suối hiền

Thương cây nhớ cội đã biền biệt xa

"Non lặng suối hiền" hình ảnh thơ mở ra nhiều trường liên tưởng. Là mảnh đất của loài sim, là quê hương gốc phần của mỗi người, hay là một vùng chiến khu cách mạng như quê hương nhà thơ… và cũng có thể là những gì cao quí tốt đẹp trong cuộc sống hôm nay. Tùy theo mỗi người, với hoàn cảnh khác nhau mà có sự liên tưởng của mình. Nhưng hướng về nơi đó là bằng tình nghĩa nhớ thương. Ý thơ được nâng lên một bậc mới, từ chỗ "nép mình" "cúi đầu" đến "ngoảnh về non lặng suối hiền", vượt lên trên xác định một hướng nhìn một cách sống. Một bậc ấy thôi, nhưng dài vạn dặm phải trải qua bao chịu đựng kiên trì, cố sức gắng công, bền bỉ mà nhiều khi phải trả giá. Nội lực của bài thơ được nén thật chặt đến mức tạo ra được sự nhẹ nhàng thanh thản trên bề mặt bài thơ. Về nghệ thuật, ý thơ đã được đưa lên một bậc mới vững vàng chắc chắn để cho ý thơ, tình thơ bay lên bát ngát ở hai câu kết:

Mai này cát bụi nhập nhòa

Biết ai còn nhận ai là cố tri?

Rời thế giới thực tại nhà thơ như để hồn bay vào thế giới ngàn thu của mỗi kiếp người mà anh gọi là "cát bụi nhập nhòa". Thanh Mừng thả hồn vào cõi ấy với một niềm băn khoăn "Biết ai còn nhận ai là cố tri?". Ý thơ như một con sóng tỏa về hai phía. Trong thế giới ngàn thu ấy có lẽ không còn, không có những mối quan hệ yêu thương với nhau. Vậy trong cuộc sống hiện tại hãy nâng niu trân trọng xây đắp những gì cao quí mà mình có được.

Bài thơ là một câu chuyện nhỏ thường tình trong đời sống với giọng thơ lục bát êm êm. Nhưng đó là sự nhẹ nhàng đã đi qua bao từng trải, nén chặt bên trong nỗi đau và những ý nghĩa lớn của cuộc đời - cái nhẹ nhàng của vùng sương mờ trên thác nước.

. Trương Tham

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hộ sinh đàn - bài ca phản kháng song hành với bản án phản bội  (18/07/2004)
Với tình yêu   (16/07/2004)
Vẻ đẹp khác nhau về hình tượng người lính qua 2 bài thơ "Tây tiến" và "Đồng chí"  (16/07/2004)
Mì chính ở Trường Sơn   (15/07/2004)
Thời sự văn nghệ  (13/07/2004)
Có một "Bước ngoặt" của Đào Tiến Đạt  (13/07/2004)
"Tuổi mười sáu" - tình vẫn chưa thôi xót xa   (12/07/2004)
Đêm nghe tiếng hát rong   (11/07/2004)
Những đêm mưa   (11/07/2004)
Dịch giả nói về văn học dịch   (09/07/2004)
Gửi Thúy Kiều của Văn Trọng Hùng   (08/07/2004)
Nhạc hải ngoại đi về đâu?   (07/07/2004)
Chế Lan Viên - Cõi ẩn hình của thơ cần khám phá   (05/07/2004)
Ngọn lửa xanh   (02/07/2004)
Đoàn Văn Cừ: Người đưa thơ ra "chợ Tết"  (30/06/2004)