Mạc Can - ông hề già mê chữ
16:14', 2/8/ 2004 (GMT+7)

Trong làng diễn viên, có lẽ Mạc Can cáng đáng nhiều nghề nhất, nhọc nhằn nhất. Lòng ông tuy lúc nào cũng hiu hiu nỗi buồn nhưng đem tới cho khán giả của mình những đốm sáng lấp lánh ở tuổi 60: một vai diễn thấy vui vui trong phim "Lục Vân Tiên" và gần đây nhất là cuốn tiểu thuyết đầu tay "Tấm ván phóng lao".

           Mạc Can

Có hỏi Mạc Can từng làm những nghề gì, có lẽ xòe cả 10 ngón tay chưa tính đủ. Khởi nghiệp là một anh hề con 8 tuổi đứng bên cha làm ảo thuật. Cậu bé cũng ưng lòng làm anh hề xiếc lắm mà không tới, thành thử đổi sang nghề vẽ quảng cáo ở rạp chiếu bóng, vẽ panô. Sau đó gánh thêm việc ca hát gói gọn 15 phút trong lúc chờ rạp chiếu phim giữa các ca. Rồi Mạc Can có tới vài năm không liên quan tới biểu diễn mà trần xì là một anh lao động chân tay. Nếm trải đủ thứ nghề: đạp xích lô, chạy xe ba gác, đi bán trà dạo kèm bánh khảo nơi bến xe... Rốt cuộc thì một chút tình luyến lưu của người nghệ sĩ lại lôi tuột ông về với công việc ảo thuật ở đoàn xiếc Hương miền Nam. Số phận rồi cũng tới lúc mỉm cười với ông cùng một loạt các vai diễn trên sân khấu, điện ảnh, phim truyền hình. Dẫu toàn là vai phụ, đa phần là vai hề - Mạc Can vẫn chắt chiu cho mình những niềm vui nho nhỏ. Như trong phim Lục Vân Tiên, có những phân đoạn ông đóng liền một lúc 3 khuôn mặt khác nhau, được thể hiện nhiều nét tâm trạng.

Rồi chuyện đầu năm 2004, Mạc Can xuất hiện trang trọng trên khắp các nhà sách toàn quốc khiến nhiều người sửng sốt. Thiên hạ kháo nhau nháo nhào tìm đọc xem ông hề già viết văn thế nào. Đọc lại thấy nao nao, dường như nhân vật "tôi" hay sống ở "cõi trên" ấy là ông gởi gắm phần da thịt, phần hồn của mình bên trong. Ông tâm tình: cuộc đời của mình mang nỗi buồn bẩm sinh nên bị nhiều khán giả ngộ nhận, nhưng cậu Ba trong Tấm ván phóng lao nhất định không phải là Mạc Can ngoài đời, chỉ có một chút phần hẩm hiu của anh hề thôi.

Mà cớ gì thôi thúc ông viết lách? Khi mà những gì ông học được có đáng gì đâu với bao người? Trần xì chỉ có 3 năm học trong trường ở nhà thờ, cô giáo là bà xơ. Còn lại là cách học ở trường đời mà Mạc Can gọi là học tùm lum tùm la, đọc trên sách và cứ coi tác giả là những ông thầy của mình. Ông cũng từng làm quen với nghề phóng viên, cũng chịu khó tập tành viết lách cho các báo Tuổi trẻ, Thanh niên, Sài Gòn giải phóng, Điện ảnh - nhưng khi được mời làm ở một nơi cố định thì nhất định không. Chẳng phải khiêm tốn nhưng ông tỉnh lắm trong việc lượng sức mình. Song không vì thế mà ngưng viết lách. Mạc Can từng là diễn viên chính của 2 phim do chính ông viết kịch bản: Đời người hát rong, Ánh sáng quê nhà. Và dù đâu đó, ngón tay ông vẫn cố chấm tí nước để viết thành chữ trên bàn như để bày tỏ lúc nào ông cũng thèm được viết.

Lý do thẳm sâu ấy chính là số phận của một anh hề và nay đã là một ông hề. Ông là người đem lại cái vui cho người ta nhưng trong lòng lại mênh mang buồn. Mạc Can bảo người hề chưa nói hết câu người ta đã cười, mà ông thì muốn ngoài những tiếng cười đó còn mang lại một cái gì khác cho khán giả. Thế là viết. Ngày trước thì viết bằng tay, giờ thì có người thuê ông viết truyện tranh và đưa cho một chiếc máy di động, một chiếc máy vi tính xách tay. Điện thoại là để tìm ra ông, còn máy tính giúp ông viết ở mọi nơi, trừ quán café vì sợ bị kêu là tạo dáng. Ông sáng tác dễ vì cứ được viết là thích, viết trong những chuyến đi diễn, rồi viết trên cả xe. Lúc này, chiếc máy tính giúp ông hề - nhà văn cùng lúc viết 3 truyện ngắn: Phóng viên mồ côi, Cho đến khi đỉnh núi lùi lại, Món quà trôi dạt - cứ viết một lúc thấy chán thì đảo sang truyện khác.

Ngoảnh nhìn tuổi 60, Mạc Can xuýt xoa lo thời gian dành cho mình còn ít nên cứ riết róng dành cho viết. Ông quen với việc thức trắng đêm mà không mệt nên sức làm thành thử hơn người. Trái với tính nết người già, ông thấy đi xa vui hơn, nhưng là thứ "đi xa không ra khỏi cửa", kiểu gì vẫn quanh quẩn bên những chữ viết mỗi ngày. Ông bảo nhỏ, giờ không ước mơ về tiền bạc, danh vọng - ao ước cuối đời là viết được vài ba cuốn sách, mà nếu chẳng thành thì vẫn lấy làm vui. Nếu bạn có gặp diễn viên kiêm nhà văn giữa đường, hẳn phải nhìn một lúc mới nhận ra ông già ăn vận giản dị - áo phông, quần vải bạc màu, đi giày bata - là Mạc Can.

. Theo Tạp chí Truyền hình

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nguyệt và em  (30/07/2004)
Nỗi niềm Trương Chi   (30/07/2004)
Nghệ sĩ với nghề "tay trái"   (29/07/2004)
Thơ viết nhân ngày Thương binh liệt sĩ 27-7   (29/07/2004)
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn và những bài hát về thương binh, liệt sĩ  (26/07/2004)
Gặp lại Chuyện tình nàng Sita  (25/07/2004)
Tháng ngày qua   (23/07/2004)
Đi tìm đồng đội   (23/07/2004)
Thơ Mai Thìn   (21/07/2004)
Thái Dương Văn Đoàn: Nơi tập hợp các cây bút theo quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh  (20/07/2004)
Vài cảm nhận về bài thơ "Sim trên hè phố"  (19/07/2004)
Hộ sinh đàn - bài ca phản kháng song hành với bản án phản bội  (18/07/2004)
Với tình yêu   (16/07/2004)
Vẻ đẹp khác nhau về hình tượng người lính qua 2 bài thơ "Tây tiến" và "Đồng chí"  (16/07/2004)
Mì chính ở Trường Sơn   (15/07/2004)