Nghệ sĩ với nghề "tay trái"
10:58', 29/7/ 2004 (GMT+7)

Đã qua rồi cái thời nghệ sĩ phải đạp xe thồ để kiếm sống. So với trước đây, đời sống của anh chị em nghệ sĩ ở Bình Định đã được nâng cao hơn, song không phải đã hết khó khăn. Một số nghệ sĩ đã tranh thủ làm thêm nghề phụ để cải thiện cuộc sống.

Nghệ sĩ Lệ Quyên với cửa hàng cho thuê trang phục biểu diễn văn nghệ

Tỉnh Bình Định hiện có 2 đơn vị nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp là Nhà hát tuồng Đào Tấn (NHTĐT) và Đoàn ca kịch Bài chòi (ĐCKBC) với gần 80 nghệ sĩ, nhạc công, trong đó có nhiều người đã tranh thủ làm thêm nghề phụ. Nghề "tay trái" của họ cũng gần gũi với nghề "tay phải" nên cũng được xem là đóng góp thêm cho phong trào văn hóa, văn nghệ của tỉnh nhà.

Trong số nghệ sĩ có công việc làm thêm thường xuyên, có thể kể đến nghệ sĩ Tấn Hào. Anh là diễn viên cốt cán của ĐCKBC, sở trường với các vai phản diện. Ngoài thời gian luyện tập và biểu diễn, anh là một tác giả chuyên viết tiểu phẩm sân khấu với các nội dung: xây dựng phong trào văn hóa, phòng chống tệ nạn xã hội… Ngoài ra, anh còn kiêm luôn vai trò đạo diễn, dàn dựng các chương trình văn nghệ quần chúng của một số cơ quan, địa phương, trường học ở TP Quy Nhơn. Nghệ sĩ Tấn Hào tâm sự rằng: "Bên cạnh hoạt động sân khấu chuyên nghiệp, giúp đỡ được cho phong trào văn nghệ quần chúng là niềm vui của tôi. Đó cũng là một cách rèn luyện tay nghề và lại có thu nhập thêm". Không riêng gì nghệ sĩ Tấn Hào, một số nhạc công của ĐCKBC cũng làm thêm bằng cách chơi nhạc cho các nhà hàng, khách sạn; làm dịch vụ (dàn âm thanh, nhạc công) cho các tiệc cưới… Ngược lại với tính chất vui vẻ, sôi nổi của việc chơi nhạc đám cưới, nhạc công Ngọc Châu - là một cây đàn nhị và kèn sona xuất sắc của NHTĐT lại chọn nghề phụ là chơi nhạc… đám ma. Anh là "bầu show" của một nhóm nhạc công sẵn sàng phục vụ âm nhạc ma chay, tế lễ. Công việc này khá vất vả, nhưng bên cạnh việc có thêm thu nhập, còn là làm việc nghĩa. Nhóm nhạc tang lễ của Ngọc Châu được xem là số 1 ở TP Quy Nhơn và các địa phương lân cận, luôn được các tang chủ tìm đến, nên ngoài thời gian công tác, họ cũng khá bận rộn.

Một số diễn viên nghệ thuật sân khấu có giọng hát hay cũng thường xuyên được mời đi hát ở các chương trình văn nghệ phục vụ hội họp, như các diễn viên Kim Thành, Thanh Bình… của NHTĐT. Diễn viên Kim Thành có vốn nghề rất khá về các làn điệu dân ca nên thường xuất hiện trên các chương trình thơ, dân ca của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh. Dù thu nhập từ các show truyền hình không cao nhưng cũng là dịp để họ thể hiện khả năng ở một mảnh đất nghệ thuật gần gũi với nghệ thuật sân khấu.

Đặc biệt, một dịch vụ đang có xu hướng phát triển mạnh, cũng bắt nguồn từ các nghệ sĩ sân khấu. Đó là dịch vụ cho thuê trang phục biểu diễn văn nghệ. Có thể nói, "trùm" của nghề này hiện nay ở TP Quy Nhơn là cặp vợ chồng nghệ sĩ Hoàng Việt (biên đạo múa - Nhà văn hóa Quy Nhơn) và Lệ Quyên (diễn viên NHTĐT). Vốn rất khéo tay và am hiểu nghệ thuật phục trang, nên họ có lợi thế là tự thiết kế mẫu và tự may các loại trang phục. Từ các loại râu, ria, mũ, mãng, giáp, bào… của nghệ thuật tuồng (các loại này trong nước chỉ có khoảng chục cơ sở sản xuất) cho đến phục trang múa, phục trang lịch sử (quần áo nghĩa quân Tây Sơn chẳng hạn), phục trang hiện đại… và các loại đạo cụ như cờ, quạt… đều được họ sản xuất "tại chỗ".

Giá cho thuê hiện nay khá mềm. Một bộ trang phục may, thêu hoa văn công phu cho thuê một đợt khoảng 20-25 ngàn đồng; loại thấp nhất chỉ ở mức 3-5 ngàn đồng/bộ. Các loại đạo cụ thì kèm theo phục trang, không tính tiền. Hiện nay, phong trào văn nghệ quần chúng đang phát triển mạnh, nên việc cho thuê trang phục biểu diễn cũng "kiếm ăn" được; bởi ít có đơn vị, cơ quan nào bỏ ra một khoản tiền vài ba triệu đồng để may sắm, dùng một lần rồi bỏ, tiện lợi nhất là đi thuê trang phục có sẵn. Dịch vụ này rất thu hút các em học sinh, khi nhà trường tổ chức hội thi văn nghệ. Chính vì vậy, vào những ngày lễ 2-9, 20-11, nếu có yêu cầu thì phải đăng ký trước bởi rất "hút" hàng. Nghệ sĩ Hoàng Việt cho biết: "Làm dịch vụ này phải bỏ vốn đầu tư ít ra là vài ba chục triệu đồng để may sắm, sau đó mới thu hồi dần, coi như lấy công làm lời, song cũng đủ đắp đổi để yên tâm làm nghệ thuật".

Nhìn chung, cho dù làm thêm nghề "tay trái", người nghệ sĩ Bình Định cũng góp phần tô thêm vẻ đẹp cho cuộc sống hôm nay.

. Thúy Vi

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thơ viết nhân ngày Thương binh liệt sĩ 27-7   (29/07/2004)
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn và những bài hát về thương binh, liệt sĩ  (26/07/2004)
Gặp lại Chuyện tình nàng Sita  (25/07/2004)
Tháng ngày qua   (23/07/2004)
Đi tìm đồng đội   (23/07/2004)
Thơ Mai Thìn   (21/07/2004)
Thái Dương Văn Đoàn: Nơi tập hợp các cây bút theo quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh  (20/07/2004)
Vài cảm nhận về bài thơ "Sim trên hè phố"  (19/07/2004)
Hộ sinh đàn - bài ca phản kháng song hành với bản án phản bội  (18/07/2004)
Với tình yêu   (16/07/2004)
Vẻ đẹp khác nhau về hình tượng người lính qua 2 bài thơ "Tây tiến" và "Đồng chí"  (16/07/2004)
Mì chính ở Trường Sơn   (15/07/2004)
Thời sự văn nghệ  (13/07/2004)
Có một "Bước ngoặt" của Đào Tiến Đạt  (13/07/2004)
"Tuổi mười sáu" - tình vẫn chưa thôi xót xa   (12/07/2004)