Thái Dương Văn Đoàn: Nơi tập hợp các cây bút theo quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh
15:28', 20/7/ 2004 (GMT+7)

Trong phong trào Mặt trận dân chủ (1936-1939), ở Quy Nhơn đã hình thành Thái Dương Văn Đoàn - nơi tập hợp các cây bút theo quan điểm Nghệ thuật vị nhân sinh. Nhằm giúp bạn đọc hiểu thêm một số khía cạnh của văn đoàn đặc biệt này, chúng tôi trích giới thiệu một vài hồi ức của nhà báo lão thành Nguyễn Minh Vỹ trong tập sách "Con người và quê hương" của ông.

Vào những năm 30, Thái Dương Văn Đoàn hình thành, bao gồm một số anh em, phần đông là học sinh Trường Quốc Học Quy Nhơn và các nhà thơ đang sống hoặc đang học ở Quy Nhơn. Lúc này, Chế Lan Viên và Nguyễn Viết Lãm đang học năm thứ hai Trường Quốc Học, Yến Lan vẫn ở trên thành Bình Định, thỉnh thoảng xuống Quy Nhơn… Nguyễn Minh Vỹ, một đảng viên cộng sản, mới ở nhà tù đế quốc ra, được Đảng bộ tỉnh phân công vận động thanh niên, học sinh, trí thức Quy Nhơn, đã vận động thành lập nhóm và trở thành một người anh tinh thần, hướng những thi sĩ tài năng này theo khuynh hướng nghệ thuật vị nhân sinh.

Thái Dương Văn Đoàn chủ yếu tập hợp một số anh em cùng chí hướng sáng tác, đi vào cuộc sống thực hằng ngày của các tầng lớp quần chúng tùy theo điều kiện của mỗi người. Về lập trường nghệ thuật, có phần lai lối Victor Hugo đi vào những người dân nghèo như Jean Valjean, Fantin, Cossette với lòng thương yêu những người cùng khổ. Thái Dương Văn Đoàn xác định: muốn viết báo, làm văn, làm thơ hay làm gì đi nữa, cũng phải phù hợp với nguyện vọng tha thiết của nhân dân. Do vậy, họ tự xác định quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh và say sưa theo dõi các cuộc tranh luận về duy vật và duy tâm; về nghệ thuật vị nhân sinh và nghệ thuật vị nghệ thuật. Qua báo chí công khai của Đảng lúc bấy giờ, tiếng nói của Hải Triều, người thuyết lý hăng say và thuyết phục về đường lối văn học - nghệ thuật của Đảng đã vang vọng đến Quy Nhơn và đã có ảnh hưởng không nhỏ đến những cây bút trong Văn Đoàn.

Thái Dương Văn Đoàn xem trọng việc vận động đọc sách báo của Đảng, cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt, báo nước ngoài lẫn trong nước, tập trung vào các tờ: Tin tức, Le Travaille, Notre Voix, Dân chúng ta và nhất là Nhành lúa… Những thành viên chủ chốt của nhóm đã lấy nội dung báo Đảng làm nền tảng lý luận, đề tài trao đổi ý kiến với người đọc, vừa để nâng cao trình độ của mình, vừa nắm vững chủ trương của Đảng, đấu tranh với mọi luận điệu xuyên tạc. Ông Nguyễn Minh Vỹ viết: "Hằng ngày, thế nào cũng phải đọc báo Đảng, không đọc được kỹ thì cũng phải xem lướt qua chứ không thì không thể chịu được".

Ở các hiệu bán sách báo của Quy Nhơn, nhóm tranh thủ chủ hiệu bố trí thêm chỗ cho người đến đọc báo chứ không chỉ bán báo. Nguyễn Minh Vỹ còn vận động bầu lại chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp - Việt ở Quy Nhơn thay viên Chủ nhiệm người Pháp, hình thành như một câu lạc bộ nhằm thu hút anh em đến xem báo và đọc sách. Trước, việc đọc sách báo ở Câu lạc bộ chỉ dành cho tầng lớn trên, nhưng sau đã vận động được cho mọi tầng lớp, chủ yếu là tầng lớp dưới.

Trong những sáng tác của mình, Thái Dương Văn Đoàn xoay quanh vấn đề viết gì, viết cho ai, viết như thế nào để có thể diễn đạt tình cảm, ý chí và nguyện vọng chính đáng của tầng lớp nhân dân. Người làm văn học phải lao vào, sát cánh cùng cuộc đấu tranh chung của dân tộc. Thái Dương Văn Đoàn đã cố gắng sống, suy tư và viết, nói dưới ánh sáng của Đảng, đã góp phần đưa phong trào chung và văn học nghệ thuật tỉnh nhà theo một đường hướng chung.

Những sáng tác của nhóm, của từng thành viên lần lượt ra đời, đánh những dấu mốc quan trọng trong văn học tỉnh nhà. Chế Lan Viên với Điêu tàn, Hàn Mặc Tử ra Gái quê. Đặc biệt, năm 1937, nhóm xuất bản tập Nắng xuân, tập hợp những bài thơ văn đầu tiên của nhóm: Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Phú Sơn, Hoàng Diệp... Trong tập này, còn xuất hiện tiểu phẩm Ông nghị gật của Hàn Mặc Tử, lấy bút danh Trật Sên, chế giễu trò bầu cử Trung Kỳ nhân dân đại biểu viện, khá sắc bén và ngộ nghĩnh.

Nhờ sớm đi theo đường lối văn học - nghệ thuật đúng đắn, mỗi thành viên của nhóm, sau này, dần tạo lập được một sự nghiệp văn chương riêng, không rập khuôn nhau, từ Hàn Mặc Tử, đến Chế Lan Viên, rồi Xuân Khai, Viết Lãm, Phú Sơn... Riêng nhà báo Nguyễn Minh Vỹ, sau này trở thành Chủ nhiệm báo Thống nhất, rồi Tổng cục trưởng Tổng cục Thông tin kiêm Phó ban Tuyên huấn Trung ương và làm Phó Trưởng đoàn Hội nghị Paris về Việt Nam (1968-1973).

Tuy chỉ xuất hiện trong một thời gian không dài, nhưng Thái Dương Văn Đoàn đã đánh một dấu mốc khó quên trong lịch sử văn học - nghệ thuật Bình Định.

. Viết Thọ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vài cảm nhận về bài thơ "Sim trên hè phố"  (19/07/2004)
Hộ sinh đàn - bài ca phản kháng song hành với bản án phản bội  (18/07/2004)
Với tình yêu   (16/07/2004)
Vẻ đẹp khác nhau về hình tượng người lính qua 2 bài thơ "Tây tiến" và "Đồng chí"  (16/07/2004)
Mì chính ở Trường Sơn   (15/07/2004)
Thời sự văn nghệ  (13/07/2004)
Có một "Bước ngoặt" của Đào Tiến Đạt  (13/07/2004)
"Tuổi mười sáu" - tình vẫn chưa thôi xót xa   (12/07/2004)
Đêm nghe tiếng hát rong   (11/07/2004)
Những đêm mưa   (11/07/2004)
Dịch giả nói về văn học dịch   (09/07/2004)
Gửi Thúy Kiều của Văn Trọng Hùng   (08/07/2004)
Nhạc hải ngoại đi về đâu?   (07/07/2004)
Chế Lan Viên - Cõi ẩn hình của thơ cần khám phá   (05/07/2004)
Ngọn lửa xanh   (02/07/2004)